Tăng thu 7,6 nghìn tỷ đồng qua thanh, kiểm tra thuế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành Thuế (bao gồm Tổng cục Thuế và 63 cục thuế) đã thanh tra, kiểm tra được gần 36,7 nghìn doanh nghiệp.

Kiểm tra hồ sơ khai thuế của DN tại trụ sở Chi cục Thuế Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).
Kiểm tra hồ sơ khai thuế của DN tại trụ sở Chi cục Thuế Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra hơn 7,6 nghìn tỷ đồng, đôn đốc thu được gần 20 nghìn tỷ đồng số tiền nợ thuế tại thời điểm 31/12/2016 chuyển sang.

Thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm

Trao đổi với phóng viên TBTCVN về tình hình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế, ông Phạm Ngọc Lai - Chánh Thanh tra Tổng cục Thuế cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN), chống chuyển giá đã được Tổng cục Thuế tập trung triển khai thực hiện.

“Các đơn vị chức năng trong hệ thống thuế tích cực triển khai các ứng dụng kiểm tra hồ sơ kê khai thuế, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế để nhận diện và tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao; thanh tra các DN có khả năng có số thu điều tiết ngân sách trung ương lớn; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, chú trọng thanh tra các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; đồng thời tăng cường phối kết hợp với các cơ quan chức năng (Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng...) và các cơ quan địa phương để chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế nhằm thực hiện có hiệu quả công tác chống thất thu ngân sách nhà nước”, ông Lai cho biết.

Theo ông Lai, công tác thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm 2017 đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Tài chính, của Chính phủ đối với các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, như: Thanh tra chống thất thu NSNN, thanh tra công tác quản lý tài chính ngân sách tại trung ương, địa phương, chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế...

Kế hoạch kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế năm 2017 của các cục thuế phải đạt tối thiểu 17%. Theo đó, ngay từ đầu năm các cục thuế đã triển khai thực hiện kế hoạch một cách khẩn trương, ráo riết. Kết quả có 48 cục thuế đã thực hiện kế hoạch đạt trên và bằng 100% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt Cục thuế Thái Nguyên đạt 75% kế hoạch năm 2017 và bằng 934% so với 6 tháng đầu năm 2016.

Cơ quan thuế các cấp triển khai thực hiện đầy đủ quy chế giám sát hoạt động đoàn thanh tra. Các đoàn thanh tra chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục; đảm bảo thời gian và kế hoạch được duyệt; thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra đều chấp hành nghiêm kỷ luật và quy chế. Nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính; hoàn thành đúng tiến độ. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý nghiêm theo quy định các sai phạm trong công tác quản lý tài chính ngân sách; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về quản lý tài chính đối với các ngành, lĩnh vực. 

Mục tiêu thanh, kiểm tra 18% số doanh nghiệp đang hoạt động

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Cao Anh Tuấn, nhiệm vụ thanh, kiểm tra thuế những tháng còn lại năm 2017 rất nặng nề, toàn ngành Thuế phải quyết liệt triển khai, đẩy mạnh tiến độ để đảm bảo mục tiêu kế hoạch thanh, kiểm tra đạt 18% số DN đang hoạt động và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Chính vì vậy, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã họp bàn với các vụ chức năng và yêu cầu các cục thuế triển khai một số giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong đó, Tổng cục thuế yêu cầu các cục thuế rà soát lại kế hoạch để bổ sung, đảm bảo thanh, kiểm tra đối với DN có rủi ro cao về thuế đúng quy định pháp luật, đồng thời nghiêm túc thực hiện thanh, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng theo yêu cầu của Thủ tướng chính phủ tại Nghị quyết 19/2017/NQ-CP, đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định.

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế cũng đã có công văn gửi tới các cục Thuế nêu rõ, nguyên tắc kiểm tra theo rủi ro: Thanh tra sau hoàn thuế trong thời hạn 1 năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế đối với DN có hạng rủi ro trung bình; kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế đối với DN rủi ro thấp.

Bên cạnh những yêu cầu trên, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế khi tiến hành thanh, kiểm tra cần tiến hành vận dụng linh hoạt các hình thức đã quy định tại Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành để nâng cao năng suất và hiệu quả nhằm khai thác tăng thu cho NSNN; thực hiện bổ sung tối đa nguồn nhân lực cho công tác thanh, kiểm tra thuế, đồng thời phân bổ nhân lực hợp lý cho từng đoàn thanh, kiểm tra, áp dụng kỹ năng thanh, kiểm tra phù hợp với từng đối tượng để nâng cao hiệu quả cuộc thanh tra.

Một giải pháp quan trọng là cơ quan thuế các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả khai thác nguồn thu, chống thất thu trên địa bàn trong các lĩnh vực: Chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án, khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên, kinh doanh viễn thông, điện tử, điện, ô tô, sữa, dược phẩm, kinh doanh của các tập đoàn bán buôn, bán lẻ.