Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm kim ngạch


Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 21,1 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm kim ngạch.
Trong 4 tháng đầu năm, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm kim ngạch.

Trong đó xuất khẩu đạt 11,9 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 9,17 tỷ USD, giảm 5,2%; xuất siêu gần 2,8 tỷ USD, giảm 4,1%.

Xét riêng về xuất khẩu, tính tới hết tháng 4, nhóm nông sản chính ước đạt gần 5,8 tỷ USD, giảm 4,5%; lâm sản chính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 3,9%; thủy sản ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 10,0%; chăn nuôi ước đạt 150 triệu USD, giảm 23,8%.

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm kim ngạch, trừ cà phê, hạt điều, rau, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre...

Những mặt hàng giảm nhiều như: Cao su đạt 383 triệu USD (giảm 31,1%); chè đạt 53 triệu USD (giảm 14,1%); hồ tiêu đạt 249 triệu USD (giảm 12%); cá tra đạt 420 triệu USD (giảm 31,9%)…

Riêng về mặt hàng gạo, tổng khối lượng xuất khẩu đã đạt 1,92 triệu tấn và giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm là 886 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân quý đầu năm đạt 461,9 USD/tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính riêng trong 3 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 36,7% thị phần, sản lượng đạt 594,2 nghìn tấn (tăng 8,2%), giá trị đạt 257,2 triệu USD (tăng 19,1%) so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giữa tháng 4/2020 đã tăng lên mức cao nhất 8 tháng. Cụ thể, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đạt mức 375 - 380 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tuần đầu tiên của tháng 8/2019, cao hơn đáng kể so với 361 - 365 USD/tấn được niêm yết vào tháng trước đó.

Trong khi đó, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan vào gần cuối tháng 4/2020 giảm xuống còn 530 - 538 USD/tấn, thấp hơn so với mức cao nhất đạt được trong tháng 4 là 555 - 580 USD/tấn. Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 4/2013.

Tại thị trường trong nước, giá lúa tại khu vực ĐBSCL nhìn chung có xu hướng tăng trong tháng 4/2020, đặc biệt là các loại lúa thường.

Tại một số địa phương, các thương nhân thu gom nhiều loại lúa thường để chế biến thành gạo trắng xuất khẩu và dự trữ, do đó đã khiến giá tăng lên mạnh, đặc biệt là ngay sau khi Chính phủ cho phép xuất khẩu vào đầu tháng 4/2020.

Bộ NN&PTNT đưa ra tính toán, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Về nhu cầu tiêu dùng, dự trữ, Bộ NN&PTNT dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn thóc. Cụ thể, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn. Như vậy, lượng thóc còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo.

Về thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung trong 4 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,8 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 23,4% thị phần; tiếp đến là Hoa Kỳ ước đạt 2,78 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 23,33% thị phần...

Để phát triển thị trường xuất khẩu thời gian tới, Bộ NN&PTNT xác định theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; làm việc với phía bạn để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa, kiểm soát tốt dịch bệnh; thúc đẩy tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, xây dựng các phương án, kịch bản xuất khẩu nông sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi Trung Quốc hết dịch; tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á – Âu, Hoa Kỳ, Brazil… và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả rập xê út…