Hệ lụy cổ phiếu ngân hàng dưới mệnh giá
Cổ phiếu của nhiều ngân hàng vẫn chìm sâu dưới mệnh giá, khiến các ngân hàng này gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn trên sàn chứng khoán.
Chìm sâu dưới mệnh giá
Dù nhiều ngân hàng có tên tuổi trên thị trường chứng khoán, nhưng đường về mệnh giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn rất khó khăn.
Cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội là 1 ví dụ. Trong những năm qua, ngân hàng này đạt tăng trưởng lợi nhuận tích cực, năm 2019 đạt lợi nhuận trước thuế hơn 3.000 tỷ đồng, nhưng giá cổ phiếu vẫn ở dưới mệnh giá.
Nguồn thu chính của ngân hàng này trong năm 2019 vẫn là thu nhập lãi thuần khi tăng 40% so với năm trước, đạt hơn 7.890 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ lại giảm nhẹ 3%, ghi nhận gần 694 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng mạnh 48%, lên gần 192 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của SHB tăng từ mức 12.036 tỷ đồng lên mức 14.551 tỷ đồng khi kết thúc năm 2019. Như vậy, ghi nhận trên báo cáo tài chính, SHB vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu nâng vốn điều lệ lên 17.570 tỷ đồng đã đặt ra tại ĐHĐCĐ năm 2019.
Trong khi đó, giá cổ phiếu KLB của Kienlongbank cũng không khả khẩm hơn khi chỉ xoay quanh mệnh giá. Theo báo cáo tài chính quý IV/2019 hợp nhất mới đây của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) bất ngờ ghi nhận khoản lỗ khá lớn (120 tỷ đồng) chủ yếu do thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong quý 4 giảm tới 53% xuống còn 115,7 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Kienlongbank chỉ đạt 86 tỷ đồng, giảm 70,4% so với năm 2018.
Kienlongbank cho biết, lợi nhuận ngân hàng giảm chủ yếu do giảm thu nhập lãi thuần trong tháng 12/2019 khi ngân hàng phải hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước đối với các khoản vay của một nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác theo phương án xử lý nợ được NHNN phê duyệt.
Tiếp nữa là cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), đến nay chỉ còn 7.200 đồng/cổ phiếu…
Khó huy động vốn trên sàn
Việc giá cổ phiếu chìm sâu dưới mệnh giá khiến các ngân hàng niêm yết rất khó thành công trong việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn.
Anh Nguyễn Huy Đông-Nhà đầu tư MBS ví dụ nếu thị giá cổ phiếu của một ngân hàng chỉ khoảng 7.000- 8.000đ/cổ phiếu, nhưng lại phát hành với giá bằng mệnh giá 10.000đ/cp, thì các nhà đầu tư thà mua theo giá thị trường còn hơn mua theo giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. "Các nhà đầu tư chấp nhận mua cổ phiếu phát hành với giá cao hơn thị giá chủ yếu là các nhà đầu tư chiến lược muốn gắn bó lâu dài với ngân hàng",anh Đông nhận định.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, một trong những mục tiêu lớn nhất của ngân hàng khi niêm yết trên chứng khoán là được tiếp cận với kênh huy động vốn dài hạn. Nói cách khác, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán chính là mở ra kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, nếu lên sàn nhiều năm mà không huy động được vốn, việc niêm yết trên sàn của ngân hàng không còn ý nghĩa.
Thống kê tổng số doanh nghiệp đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên cả Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có khoảng hơn gần 1.000 doanh nghiệp và ngân hàng có thị giá cổ phiếu dưới mệnh giá, chiếm 40% tổng số mã niêm yết và đăng ký giao dịch. Trên thực tế, các doanh nghiệp và ngân hàng này rất khó khăn trong việc chào bán cổ phiếu để huy động vốn cho sản xuất kinh doanh.
Thời buổi "của khôn người khó", nhà đầu tư giờ không dễ lừa, nếu bản chất doanh nghiệp không minh bạch, kinh doanh không có bài bản, cổ phiếu vẫn lẹt đẹt thì nhà đầu tư không dám đánh cược, dù có phát hành với giá "rẻ như bèo".