Hệ quả của khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo daibieunhandan.vn

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và các nhân tố tạo ra sự đứt quãng chuỗi cung ứng rất phức tạp khiến cho các doanh nghiệp đối diện với hàng loạt sự khó khăn như thiếu hụt nguyên liệu, lạm phát tăng cao... Điều này sẽ đe dọa kỷ nguyên chi phí thấp, cũng như sự vô tận của nguồn cung sẽ kết thúc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tác động lâu dài của đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng. Từ đầu năm 2020, đại dịch đã khiến các nhà máy và văn phòng đầu tiên ở Trung Quốc, sau đó là trên toàn thế giới đóng cửa.

Đe dọa phá vỡ thành tựu của quá trình toàn cầu hóa

Nhờ vào sự tích hợp của sản xuất trong và ngoài biên giới suốt thời gian qua, người tiêu dùng luôn được cung cấp hàng hóa dồi dào và ngay lập tức. Nhưng cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng năm 2021 đang thúc đẩy sự thoái trào của quá trình toàn cầu hóa, tương tự như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi đại dịch ập tới, nhu cầu về thiết bị điện tử đã khiến cơn khát chip lan sang các nhà sản xuất ô tô, tuy nhiên các biện pháp hạn chế để kiểm soát đại dịch đã khiến việc sản xuất chip tại nhiều quốc gia như Malaysia bị gián đoạn.

Thêm vào đó, biến đổi khí hậu cũng khiến các nhà máy sản xuất chip ở Texas, Hoa Kỳ không hoạt động. Hiện nay, tình trạng xảy ra thời tiết khắc nghiệt ngày càng thường xuyên hơn và quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo khi nguồn cung của nhiên liệu hóa thạch cũng ngày càng khan hiếm.

Với thị trường dầu mỏ, nguồn cung ở một nơi có thể đáp ứng nhu cầu ở nơi khác. Giá dầu có thể thay đổi, nguồn cung hầu như không bao giờ biến mất nhờ năng lực dự phòng của OPEC, hoặc nguồn cung của các công ty tư nhân và nguồn dự trữ khẩn cấp do chính phủ duy trì. Mặc dù ít biến động hơn dầu nhưng khí đốt tự nhiên vẫn có thể được lưu trữ và ngày càng được xuất khẩu nhiều hơn ở dạng lỏng.

Từ tháng 9 đến nay, nguồn cung thiếu hụt đã khiến giá khí đốt tự nhiên, than đá và dầu thô tăng mạnh dẫn đến sự căng thẳng trong cung ứng điện của nhiều nước và khu vực. Cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan rộng ra gần 30 quốc gia và khu vực trên toàn cầu. Người dân Singapore, các nước EU cũng cảm nhận được sức ép của giá điện và dầu thô leo thang, từ tháng 10 - 12 hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình trung bình tăng 3,2% so với trước đó, lên mức cao nhất trong những năm gần đây. Trong khi đó, giá dầu thô phục hồi tăng mạnh về mức trước dịch bệnh khiến cho giá dầu ở Singapore cũng gia tăng tương ứng.

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng càng trở nên trầm trọng hơn khi sản xuất toàn cầu đang có mối liên hệ vô cùng khăng khít giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp đã áp dụng hình thức thuê ngoài và gia công thông qua mô hình tách thiết kế ra khỏi sản xuất.

Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng thương mại thế giới trong các chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng từ 37% vào năm 1970 lên 52% vào năm 2008. Các công ty đang ngày càng phải đối mặt với nguy cơ phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở xa và việc không có hệ thống giảm xóc trong các liên kết quan trọng, từ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đến truyền tải điện.

Kéo chậm đà phục hồi kinh tế 

Hiện dịch bệnh vẫn đang kéo dài, các doanh nghiệp trên toàn cầu đang đối diện với một loạt khó khăn liên quan đến thiếu hụt nguyên vật liệu, giá cả leo thang, khan hiếm nguồn nhân lực, đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới. Các nhân tố tạo ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng là rất đa dạng và ngày càng phức tạp, vì quá trình toàn cầu hóa khiến cho mức độ lệ thuộc giữa các quốc gia tăng lên. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh tại từng nước cũng khác nhau, do đó vấn đề giải quyết chuỗi cung ứng càng khó hơn.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp cao cấp toàn cầu dự đoán, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng sẽ có thể tiếp tục kéo dài đến nửa cuối năm 2022. Hơn một năm qua, các biện pháp phòng chống dịch và hạn chế đi lại đã khiến ngành sản xuất bị đình trệ, hàng hóa tắc nghẽn và để giải phóng được những lô hàng hóa tồn đọng sẽ mất rất nhiều thời gian. Thêm vào đó là chi phí lao động tăng, giá năng lượng leo thang, các doanh nghiệp thực phẩm trên toàn cầu bắt đầu nâng cao giá bán hàng hóa khiến cho các nước đối diện với sức ép lạm phát gia tăng.

Với tình trạng khó khăn này, tốc độ phục hồi của các nền kinh tế chủ chốt không giống nhau buộc chính phủ và doanh nghiệp các nước phải tìm cách ứng phó. Trong khi lạm phát là vấn đề tạm thời hay sẽ kéo dài vẫn còn có quan điểm khác nhau, nhưng xu thế giá cả leo thang như hiện nay là rất rõ rệt. Dịch bệnh đã làm bộc lộ yếu điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu từ nguyên liệu, sản xuất đến vận chuyển, dịch vụ hậu cần. Chuỗi cung ứng quá lệ thuộc, quá tập trung và không minh bạch sẽ khiến xu hướng thiếu hụt nguồn cung tiếp tục kéo dài trong một thời gian.

Tuy nhiên, Covid-19 là thủ phạm chính, chứ không phải thủ phạm duy nhất gây ra sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đại dịch xảy ra vào thời điểm mà các chuỗi cung ứng vốn đang rất mong manh vì các loại thuế quan mới, bộ máy quản lý biên giới và kiểm soát nhập cư đã được đưa ra. Nhiều quốc gia hiện đang đưa chuỗi cung ứng của họ trở lại, điều này có thể làm cho chuỗi cung ứng của nước đó trở nên mạnh mẽ hơn trong tương lai, nhưng cũng đang gây thêm khó khăn ở hiện tại.

Hơn nữa, xu hướng trung hòa carbon đang khiến các nhà sản xuất năng lượng ở châu Âu và Trung Quốc gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu điện năng gia tăng. Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, việc thúc đẩy chuỗi cung ứng từng bước phục hồi ổn định, khôi phục sản xuất mới có thể tạo ra sự bảo đảm tốt hơn, vì vậy chính phủ các nước, cũng như các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc tái cấu trúc và quản lý đối với chuỗi cung ứng.