Hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 thật sự là một năm có nhiều bước tiến tích cực, tạo nền tảng quan trọng cho hành trình chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển kinh tế xanh của Việt Nam trong dài hạn.
Trong hành trình xanh đó, không thể không nhắc đến sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp với vai trò tiên phong "nghĩ xanh, làm xanh", dần tạo ra sự thay đổi cho bức tranh kinh tế Việt Nam.
Nghĩ xanh, làm xanh
Những mảng xanh đang được bắt đầu từ sự chuyển đổi sản xuất của những doanh nghiệp trong nước như Công ty cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời,...
Năm 2019, Công ty cổ phần Nhựa Duy Tân khởi công xây dựng nhà máy nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ "Bottle to Bottle", cho phép tái chế các chai nhựa đã qua sử dụng thành các hạt nhựa dùng làm đầu vào sản xuất chai nhựa mới. Theo đó, vòng đời của mỗi sản phẩm chai nhựa được tăng lên gấp 50 lần thay vì chỉ có một lần sử dụng, giảm đáng kể sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của doanh nghiệp này cho biết tiếp cận theo hướng sản xuất xanh, rác thải có thể trở thành nguồn tài nguyên đầu vào cho nhiều hoạt động sản xuất, tạo ra một thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội hấp dẫn. Hiện nay hạt nhựa tái sinh của công ty đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận từ Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), phù hợp để sản xuất bao bì cho ngành thực phẩm, bao gồm cả nước uống và rộng đường xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Năm 2019 cũng là thời điểm Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời áp dụng chương trình trồng lúa carbon thấp và chỉ một năm sau đã thu được quả ngọt. Đến nay, Lộc Trời có khả năng cung ứng 10 triệu tín chỉ carbon ra thị trường mỗi năm. Từ con số ấn tượng này, các chuyên gia tính toán Lộc Trời có thể đem lại doanh thu 50 triệu USD nếu tham gia thị trường tín chỉ carbon với vai trò là bên bán (giá ước tính 5 USD/tín chỉ).
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp dựa vào 3 hoạt động chính: Cải tiến các sản phẩm sinh học, áp dụng kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh. Trong đó, điểm mấu chốt là phải tạo được động lực để người nông dân thay đổi thói quen canh tác. Sự thay đổi này được doanh nghiệp thúc đẩy bởi các hoạt động thiết thực như cung cấp vật tư đầu vào miễn phí; số hóa quy trình sản xuất; khích lệ người nông dân giảm lượng rác thải ra môi trường như thông qua hoạt động tặng vàng cho những nông hộ thu rác bao bì nhiều nhất, tổ chức hoạt động thi đua giữa nông dân...
Nền kinh tế còn được xanh hóa từ sự đầu tư bài bản mang tính toàn cầu như dự án nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại Bình Dương. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện nằm trong top 10 nước thu hút đầu tư xanh nhiều nhất, chiếm 5% trong các nước đang phát triển. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài cho năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ cao và tăng gấp 5,7 lần trong 10 năm qua.
Rút khoảng cách từ cam kết đến hành động
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chặng đường hướng tới nền kinh tế xanh còn rất dài và Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để biến tư duy thành hành động, biến định hướng, mục tiêu thành kết quả cụ thể. Nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, xanh hóa nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai thí điểm chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp nhằm đánh giá mức độ xanh hóa của nền kinh tế trên phạm vi toàn quốc; hoàn thiện hệ thống phân loại ngành xanh quốc gia và xác định những nhiệm vụ, dự án tăng trưởng xanh trọng điểm trong giai đoạn tới.
Đồng thời, ưu tiên hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, cụ thể là xây dựng cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ xanh; chính sách về khu công nghiệp sinh thái, áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế; thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế ưu đãi về đầu tư vào các dự án, giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát thải thấp, ứng dụng công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường...
Tiêu chí xanh cũng được áp dụng trong hoạt động đầu tư công. Theo đó, việc phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư công sẽ có tiêu chí cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính trong các chương trình, dự án; việc cân đối nguồn lực đầu tư công sẽ được ưu tiên để thực hiện các dự án xanh trọng điểm trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bền vững, phục vụ công cuộc chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh của đất nước.
Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay không chỉ là bắt kịp xu hướng và thực hiện cam kết của toàn cầu về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu mà quan trọng hơn là xuất phát từ nhu cầu nội tại cấp thiết của đất nước. Đó là con đường và lựa chọn duy nhất để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Cuối năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Bộ Chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh, là cơ sở giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, được kỳ vọng là công cụ hiệu quả đánh giá quá trình thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Bộ chỉ tiêu này gồm 72 chỉ tiêu, được xếp theo 4 mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, từ việc giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP cho đến phản ánh mức độ xanh hóa trong các ngành kinh tế,… được phân công cho nhiều bộ, ngành, cơ quan chủ trì thu thập, tổng hợp.