Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc: Động lực thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương

VỤ KINH TẾ TỔNG HỢP - Bộ Ngoại giao

(Taichinh) - Ngày 10/12/2014, nhân dịp Hội nghị Cấp cao kỷ niệm niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Biên bản thoả thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Dự kiến hai bên sẽ hoàn thành đàm phán về các vấn đề kỹ thuật còn lại và hoàn tất các thủ tục cần thiết, để sớm ký kết Hiệp định trong năm 2015.

Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc là Hiệp định FTA tương đối toàn diện. Nguồn: internet
Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc là Hiệp định FTA tương đối toàn diện. Nguồn: internet


Hàn Quốc - Đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam

Đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc được khởi đầu vào năm 2010 trong bối cảnh hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có những bước phát triển rất nhanh chóng và thực chất, đặc biệt từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên thành Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược vào năm 2009. Tính đến tháng 12/2014, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với hơn 4.100 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 37 tỷ USD. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại 11 tháng đầu năm 2014 hơn 26 tỷ USD; Là nước cung cấp ODA lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam là nước nhận viện trợ ODA lớn nhất của Hàn Quốc với ba trọng tâm về tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng...

Đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc cũng là bước đi quan trọng của hai nước nhằm tận dụng các cơ hội từ xu hướng gia tăng liên kết và hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đến cuối năm 2014 đã có 278 FTA được đàm phán và ký kết giữa các nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực này cũng chứng kiến sự gia tăng của các hình thái hợp tác và liên kết kinh tế đa dạng, đa tầng nấc thông qua các khuôn khổ tiểu vùng như Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), khu vực (ASEAN, RCEP, APEC) và liên khu vực (ASEM, FEALAC…)

Tính đến cuối năm 2014, Hàn Quốc đã tiến hành đàm phán 15 Hiệp định FTA với các đối tác, trong đó đã hoàn thành 5 hiệp định. Về phía Việt Nam, chúng ta đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 với dân số 600 triệu người, có GDP gần 2.500 tỷ USD có sự di chuyển tự do của vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động. Việt Nam đã cơ bản hoàn tất đàm phán các FTA với Liên minh hải quan Nga-Belarus- Kazakhstan và Liên minh Châu Âu (EU), đồng thời đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số Hiệp định FTA khác. Với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định FTA trong thời gian tới, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với hơn 50 đối tác, trong đó có 15 nước thành viên thuộc G-20.

Lợi ích cho cả hai phía

Về tổng thể, Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế với Hàn Quốc – nền kinh tế đã có những bước phát triển ngoạn mục trong những thập kỷ vừa qua và hiện đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 15 trên thế giới, thứ 3 tại Đông Á với thu nhập bình quân đầu người hơn 24.000 USD (năm 2013). Theo dự báo của bộ phận phân tích kinh tế Tạp chí The Economist, Hàn Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới vào năm 2020. Đối với Hàn Quốc, Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc là cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc tranh thủ những cơ hội kinh doanh-đầu tư tại Việt Nam – thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu người tiêu dùng và được


đánh giá có sự gia tăng tầng lớp trung lưu mạnh mẽ nhất tại khu vực; đồng thời, đang tích cực tham gia sâu rộng vào các mạng lưới liên kết trong khuôn khổ ASEAN, khu vực và quốc tế.

Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc là Hiệp định FTA tương đối toàn diện, thể hiện mức độ cam kết cao của hai bên Việt Nam và Hàn Quốc đối với các lĩnh vực hợp tác cùng quan tâm.

Thứ nhất, Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc không chỉ bao gồm các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa mà còn bao hàm một số lĩnh vực khác. Cụ thể, là thương mại dịch vụ (bao gồm các phụ lục về viễn thông, tài chính...), đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa hải quan, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại điện tử, cạnh tranh, thể chế và pháp lý, hợp tác kinh tế. Có thể nói, Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc là hiệp định tương đối toàn diện và bao quát các lĩnh vực hợp tác mà hai bên Việt Nam và Hàn Quốc cùng quan tâm và mong muốn thúc đẩy.

Thứ hai, Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc thể hiện mức độ cam kết cao của hai bên nhằm thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác được quy định trong phạm vi của hiệp định này. Hàn Quốc tự do hóa 96,48% giá trị nhập khẩu từ Việt Nam, ngược lại Việt Nam tự do hóa 92,75% tổng giá trị nhập khẩu từ Hàn Quốc năm 2012. Xét về số dòng thuế, Hàn Quốc tự do hóa 95,43% số dòng thuế, Việt Nam cam kết với 89,75% số dòng thuế. Mức độ cam kết mở cửa của hai nước nhìn chung sâu và rộng hơn so với Hiệp định FTA đã ký kết giữa ASEAN và Hàn Quốc (tỷ lệ tự do hóa thương mại của Việt Nam trong khuôn khổ FTA ASEAN-Hàn Quốc là 87%, thấp hơn mức 89,75% trong Hiệp định). Có thể nói, mức độ cam kết mở cửa thị trường trong khuôn khổ Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc xuất phát từ mong muốn của hai nước, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trao đổi thương mại hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch song phương 70 tỷ USD đã được xác định trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam năm 2013 của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.

Theo đánh giá chung, bên cạnh các quy định về thương mại hàng hóa, các cam kết khác về dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp, hợp tác kinh tế, biện pháp vệ sinh dịch tễ, biện pháp kỹ thuật đối với thương mại... đều được thống nhất đảm bảo cân bằng lợi ích, phù hợp với quy định pháp luật trong nước và không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán khác của Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc đánh dấu những nét mới trong chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế của hai nước. Đặc biệt, trong khuôn khổ Hiệp định này, lần đầu tiên, Hàn Quốc mở cửa thị trường cho những sản phẩm nông-thủy sản như tỏi, gừng, mật ong, tôm. Đồng thời, Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan trong các nhóm hàng như hàng công nghiệp (dệt may, sản phẩm cơ khí), các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư của Việt Nam và nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, dành hỗ trợ kỹ thuật toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Phía Việt Nam dành ưu đãi cho Hàn Quốc với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 2500 cc trở lên, phụ tùng ô-tô, điện gia dụng, sản phẩm sắt thép, dây cáp điện...

Với việc hoàn tất đàm phán và dự kiến sẽ ký kết trong năm 2015, Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ là mốc quan trọng góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Trong đó, có thể nhấn mạnh một số cơ hội sau:

- Thúc đẩy thương mại song phương: Thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối khả quan trong những năm qua. Hàn Quốc hiện là quốc gia xếp thứ 3 trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ xuất, nhập khẩu với Việt Nam trên toàn thế giới nói chung và xếp thứ 3 trong các quốc gia ở châu Á nói riêng. Số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu với Hàn Quốc tính đến hết tháng 11/2014 là 13.100 doanh nghiệp, trong khi đó, trong năm 2013, con số này là 10.900 doanh nghiệp.

Ngoài mục tiêu thúc đẩy kim ngạch thương mại nói chung, Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc cũng là cơ hội để hai nước hướng tới cán cân thương mại cân bằng hơn. Trong 11 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt kim ngạch 6,53 tỷ USD, tăng 7,% so với cùng kỳ năm 2013 và nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 19,65 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2013. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hàn Quốc bao gồm: dệt may, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Hàn Quốc bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 23,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2014), bên cạnh đó là các nhóm sản phẩm như thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, vải các loại, điện thoại các loại và linh kiện...

Với khả năng Hàn Quốc mở cửa thị trường cho một số sản phẩm nông sản của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội tận dụng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của Việt Nam để gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản vào thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Việt Nam như dệt may và thủy sản cũng sẽ hưởng lợi từ Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc. Bên cạnh các lợi ích xuất khẩu quan trọng, Hiệp định dự kiến cũng sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả nhập khẩu, nhất là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày, dép, điện tử, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nguồn khác, qua đó hỗ trợ cải cách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng xuất khẩu các nhóm hàng giá trị gia tăng cao.

- Thúc đẩy đầu tư: Những năm gần đây, đặc biệt năm 2014 đã chứng kiến sự gia tăng ngoạn mục dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Hàn Quốc vào Việt Nam, qua đó đưa Hàn Quốc trở thành nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Vốn FDI của Hàn Quốc tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với hơn 2.400 dự án tính đến ngày 15/12/2014 có tổng vốn đầu tư hơn 23 tỷ USD (chiếm 61% về số dự án và 64% tổng vốn đầu tư đăng ký), tiếp theo là các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, vận tải. Hầu hết các tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc như: Samsung, LG, Posco, Lotte… đã triển khai các dự án kinh doanh-đầu tư tại Việt Nam.

Với các cam kết về dịch vụ, đầu tư, môi trường chính sách minh bạch, thông thoáng, khuyến khích cạnh tranh bình đẳng, phù hợp với quy định quốc tế, Hiệp định được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường thu hút đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế tạo phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam.

Sự gia tăng vốn FDI từ Hàn Quốc nói riêng và các nhà đầu tư quốc tế nói chung sẽ tiếp tục có những hiệu ứng tích cực đối với sự tham gia của nền kinh tế Việt Nam vào các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất. Theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế, sự vươn lên mạnh mẽ về kinh tế của Trung Quốc và nhiều nước Đông Á khác trong những thập kỷ qua, đã góp phần đưa Đông Á trở thành một trong những trung tâm của các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Ngoài các lợi ích cụ thể trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự liên kết giữa hai nền kinh tế, tăng cường giao lưu nhân dân, qua đó góp phần củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc.

Chủ động tận dụng cơ hội

Với mức độ phát triển ngày càng sâu rộng của quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, Hiệp định sau khi được hoàn tất và ký kết sẽ tạo thêm động lực giúp thúc đẩy và tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi kinh tế-thương mại-đầu tư song phương trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc tận dụng thành công những cơ hội từ Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc về phía Việt Nam sẽ tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ cũng như các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn, để thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc vào các lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam cần có các biện pháp đồng bộ liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp lý về đầu tư và công nghệ, các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, sự phát triển của các doanh nghiệp phụ trợ và đào tạo đội ngũ cán bộ và lao động đủ năng lực để tiếp nhận và sử dụng những công nghệ đó.

Sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin và tận dụng các cơ hội từ Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc là rất cần thiết. Trước mắt, các doanh nghiệp có nhu cầu làm ăn, kinh doanh với Hàn Quốc có thể tận dụng các kênh thông tin, ví dụ như các trang thông tin điện tử của các cơ quan hai nước và từ các cơ quan xúc tiến thương mại-đầu tư để cập nhật kiến thức liên quan đến thị trường và các luật lệ, tập quán kinh doanh của Hàn Quốc nhằm sẵn sàng “vào cuộc” khi Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc chính thức được ký kết và đi vào triển khai.

Tài liệu tham khảo:

1. Việt Nam-Hàn Quốc kết thúc đàm phán FTA, Báo Điện tử Chính phủ ngày 10/12/2014;

2. Thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc đạt hơn 26 tỷ USD trong 11 tháng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 13/12/2014;

3. FTA Việt Nam-Hàn Quốc: Ngành nào, mở… tới đâu, trang điện tử Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 27/12/2014;

4. Jaewan Cheong, South Korea-Vietnam FTA will open up East Asian opportunities, Korea Insitute for International Economic Policy, tháng 11/2013.