Hiệu quả bước đầu từ mô hình “Chợ 4.0”


Việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Tiểu thương chợ Ba Tri thực hiện ứng dụng mã QR Code để người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Trung Trí
Tiểu thương chợ Ba Tri thực hiện ứng dụng mã QR Code để người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Trung Trí

Tiện lợi cho kinh doanh

Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Viettel Bến Tre triển khai xây dựng mô hình “Chợ 4.0” trên địa bàn tỉnh với mong muốn hỗ trợ các hoạt động giao thương, mua bán tại các chợ dễ dàng, an toàn hơn trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Qua đó, giúp tiểu thương tận hưởng các lợi ích của xu hướng thanh toán số; bước đầu chuyển đổi số cho các hoạt động giao thương thường ngày, làm tiền đề cho quá trình tiên phong kiến tạo xã hội số.

Với mô hình “Chợ 4.0”, toàn bộ tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money vô cùng nhanh chóng, thuận tiện. Lần đầu tiên, người dân có thể thoải mái đi chợ mà không còn những trở ngại như mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa…

Tham gia mô hình “Chợ 4.0”, tiểu thương chỉ cần giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại chính chủ, sẽ có nhân viên của Viettel hỗ trợ tạo tài khoản Viettel Money để giao dịch, việc lập tài khoản chỉ trong vài phút. Các điểm kinh doanh được trang bị bảng quét mã QR để khách hàng dễ thanh toán.

Từ tháng 5/2022, Sở Công Thương cùng với Viettel Bến Tre, Ban Quản lý chợ Ba Tri, Huyện đoàn Ba Tri, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và các ngành có liên quan phối hợp tổ chức triển khai mô hình “Chợ 4.0” tại chợ thị trấn Ba Tri; đồng thời, tuyên truyền, vận động tiểu thương tại chợ tham gia mô hình sáng tạo và công nghệ này. Khi tham gia, các tiểu thương được mở tài khoản Viettel Money miễn phí để thực hiện các giao dịch như: nạp, rút, chuyển tiền một cách nhanh chóng. Đồng thời, được cung cấp mã QR Code, phụ kiện… để thuận tiện trong việc thanh toán, quảng bá cửa hàng.

Bước đầu có hơn 60 tiểu thương đăng ký cài đặt ứng dụng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân khi đi mua sắm ở 2 chợ Ba Tri có thể thực hiện thanh toán số cho các hoạt động mua sắm, phí dịch vụ, không dùng tiền mặt. Theo chị Nguyễn Thị Diệu Linh - shop Trúc Linh, việc sử dụng các phương thức thanh toán phù hợp với nhiều yêu cầu thanh toán của khách hàng, nhất là giới trẻ, đồng thời cũng mang lại rất nhiều thuận lợi trong việc quản lý doanh thu, đổi, thối tiền dư cho khách… Chị Nguyễn Thị Diệu Linh cho biết sẵn sàng giảm giá cho khách hàng khi thực hiện phương thức TTKDTM tại shop.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Trong năm 2022, Sở Công Thương đã phối hợp với Viettel vận động tiểu thương tại Trung tâm Thương mại TP. Bến Tre tham gia mô hình “Chợ 4.0”. Sau thời gian kiên trì vận động, phần lớn các tiểu thương đã đồng ý tạo mã QR phục vụ TTKDTM. Từ mã QR được tạo, người mua hàng chỉ cần chọn sản phẩm, sau đó dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán thay cho phương thức sử dụng tiền mặt như trước đây. Sau một thời gian thanh toán theo phương thức này, các tiểu thương ở chợ thấy rất thuận lợi.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết - shop Quyên chia sẻ, nếu như trước đây, hàng ngày, tiểu thương phải đổi tiền lẻ để trả lại cho khách, bây giờ không cần nữa, sản phẩm trị giá bao nhiêu tiền người mua hàng sẽ chuyển thẳng vào tài khoản, tiểu thương cũng dễ quản lý nguồn thu trong ngày khi không mất thời gian kiểm đếm. Số tiền chuyển vào tài khoản này, tiểu thưởng cũng có thể dùng thanh toán cho việc nhập hàng trở lại hay chi phí tiêu dùng, dịch vụ…

Chị Trương Thị Tuyết là người thường xuyên mua bán tại Trung tâm Thương mại TP. Bến Tre cũng chia sẻ, chị đã dùng phương thức thanh toán bằng điện thoại khi mua hàng tại Trung tâm Thương mại TP. Bến Tre thời gian gần đây và thấy rất thuận tiện. Giờ đây, khi mua sắm, chị chỉ cần mang theo điện thoại bởi phương thức thanh toán rất tiện lợi này.

Đến thời điểm này, mô hình “Chợ 4.0” tiếp tục được Sở Công Thương và Viettel Bến Tre triển khai nhân rộng ra 6 chợ trên địa bàn tỉnh (chợ Ba Tri, chợ Tân Phong, chợ Giồng Miễu, Trung tâm Thương mại TP. Bến Tre, chợ Ngã Năm, chợ Tân Huề Đông) với gần 500 tiểu thương đã tạo mã QR Code phục vụ TTKDTM và được nhân dân ủng hộ, tổng lượt hơn 2.000 giao dịch TTKDTM.

Theo Phó giám đốc Viettel Bến Tre Trần Văn Kết, để “Chợ 4.0” hoạt động hiệu quả, ngày càng được nhân rộng, Sở Công Thương và Viettel Bến Tre đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai các giải pháp tuyên truyền cho nhân dân về các lợi ích của TTKDTM; phát huy vai trò của các tổ chuyển đổi số cộng đồng trên toàn tỉnh để trực tiếp hướng dẫn, vận động người dân sử dụng, cài đặt nền tảng TTKDTM và các nền tảng, dịch vụ khác trên điện thoại thông minh…

Từ đó tạo cơ hội cho người dân thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ số, sử dụng công nghệ số, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Trung Trí/ Báo Đồng Khởi