Hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, tạo chỗ dựa cho nông dân

Theo Chinhphu.vn

Việc nông dân mua bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi sẽ phần nào giảm sự bấp bênh, rủi ro khi xảy ra thiên tai địch họa, dịch bệnh vốn xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp, có đến 70% dân số sống ở nông thôn. Gần đây, mỗi năm, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cướp đi từ 13 đến 15 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách nhà nước hằng năm chỉ dành từ 200 - 400 tỷ đồng (chưa tính ngân sách địa phương) để hỗ trợ nông dân đối phó dịch bệnh.

Nông dân rất cần được bảo hiểm  

Thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, tỷ trọng tham gia bảo hiểm của nông dân rất thấp, chưa tới 1% tổng diện tích cây trồng, vật nuôi. Tuy số lượng khách hàng đông đảo song trình độ dân trí, nhất là hiểu biết về bảo hiểm, chưa cao. 

Khó khăn lớn mà doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải là thuyết phục khách hàng tham gia bảo hiểm. Nếu phí bảo hiểm quá cao thì khách hàng không đủ khả năng tài chính. Hoặc nếu năm thứ nhất không xảy ra tổn thất, không được bồi thường thì đến năm thứ hai, khách hàng có thể không tiếp tục tham gia bảo hiểm. 

Hơn nữa, bảo hiểm nông nghiệp (bảo hiểm vật nuôi, cây trồng) là bảo hiểm những rủi ro khó xác định. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ rất "vất vả" khi chấp nhận và bồi thường bảo hiểm. Do vậy, tại thời điểm này, ở Việt nam, bảo hiểm nông nghiệp là sản phẩm bảo hiểm khách hàng cần nhưng doanh nghiệp bảo hiểm chưa cần. 

Khách hàng cần bảo hiểm nông nghiệp, rõ nét nhất là đợt cúm gà vừa qua, còn doanh nghiệp bảo hiểm thì vẫn "dè dặt". Phí bảo hiểm không đủ để bù đắp chi phí, phải bù lỗ nặng nề. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, bảo hiểm nông nghiệp là nghiệp vụ kinh doanh, không phải là công tác từ thiện xã hội. 

Ông Đỗ Anh Trường, Phó Trưởng phòng Quản lý giám sát bảo hiểm phi nhân thọ, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính nhận xét, bảo hiểm nông nghiệp hiện chưa đóng góp nhiều cho sản xuất nông nghiệp. 

Tỉ lệ nông dân tham gia bảo hiểm còn thấp. Hầu như các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản đều không được bảo hiểm. Doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp chiếm tỉ trọng nhỏ trong doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ (năm 2004 chiếm khoảng 0,069%, 2005 chiếm 0,008%, 2006 chiếm 0,012%, 2007 chiếm 0,01%). Rất ít doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp. 

Điều đáng nói, đã có một số doanh nghiệp tham gia lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp nhưng đều thất bại, trong đó có Bảo Việt và Groupama Việt Nam.  

Cũng theo lý giải của nhiều chuyên gia về bảo hiểm, nếu chỉ bảo hiểm theo hướng kinh doanh đơn thuần thì không có doanh nghiệp bảo hiểm nào mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp bởi đây là loại hình kinh doanh có rủi ro cao. Trong khi đó, người dân chưa có thói quen và chưa hiểu biết nhiều về bảo hiểm nông nghiệp. 

Sự hỗ trợ từ Nhà nước 

Nhằm giúp nông dân bớt thiệt hại khi gặp rủi ro, Bộ Tài chính vừa hoàn thành và trình Chính phủ Đề án thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2010- 2013.

Điểm quan trọng trong Đề án là khi nông dân mua bảo hiểm liên quan đến sản xuất nông nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm.

Để tạo điều kiện cho nông dân nghèo, đặc biệt các hộ, vùng còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đề xuất chia nhóm đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cụ thể đối với nông dân nghèo, nông dân bình thường và tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Dự kiến, Nhà nước hỗ trợ 80 - 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo; 60% cho hộ nông dân không thuộc diện nghèo; 50% cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Theo dự thảo, có 3 đối tượng được bảo hiểm gồm cây trồng là cây lúa; vật nuôi trâu, bò, heo, gia cầm; thủy sản (gồm cá tra, cá basa, tôm sú, tôm chân trắng)...

Cũng theo dự thảo này, các loại thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong nông nghiệp như: bão, lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá... và dịch bệnh như cúm đối với gia cầm; dịch tai xanh đối với heo; bệnh lở mồm long móng đối với gia súc; bệnh thủy sản đối với tôm, cá tra; dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá đối với cây lúa... sẽ được ưu tiên bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm được phép thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp có trách nhiệm áp dụng các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng cho rằng bảo hiểm nông nghiệp càng làm sớm càng tốt cho nông dân và Hội ủng hộ chính sách này. Việc nông dân mua bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi sẽ phần nào giảm sự bấp bênh, rủi ro khi xảy ra thiên tai địch họa, dịch bệnh vốn xuất hiện nhiều ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Lượng, trước mắt cần tiến hành thí điểm để rút kinh nghiệm từ thực tế, tránh việc bị lợi dụng hoặc không sát với tình hình sản xuất của người dân./.