Hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo an ninh nguồn nước, chống sạt lở
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp chiều ngày 1/11 của Quốc hội, đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đề nghị triển khai các giải pháp hỗ trợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là đảm bảo an ninh nguồn nước, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Theo đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang chia sẻ, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long tự hào vì đã góp phần đóng góp đảm bảo an ninh lương thực của cả nước, đóng góp 56% sản lượng lương thực và 95% lượng gạo xuất khẩu trong điều kiện nguồn vốn phân bổ trong trạng thái khiêm tốn.
Tuy nhiên, vùng này vẫn đứng trước thách thức về thích ứng với biến đổi khí hậu. Tháng 11/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó đã xác định con người là trung tâm và tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao cho biết, những năm gần đây, nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày một cạn kiệt. Năm 1990, nguồn cung nước từ dòng Mê Kông cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm khoảng từ 140 đến 160 triệu tấn phù sa, đến năm 2000 chỉ còn dao động 70 triệu tấn và đến năm 2020, lượng phù sa giảm đi 67%. Theo dự đoán đến năm 2040 sẽ giảm 97% lượng nước, lượng phù sa kéo theo kinh tế ngư nghiệp giảm.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển và đe dọa đến tài sản, tính mạng của người dân, trong khi đó sản lượng mặt nước ngầm mỗi năm sụt giảm khoảng từ 20 đến 40cm.
"Nhiều khi chúng ta khoan giếng đến độ sâu 180m mới có mặt nước với một máy công suất lớn thay vì trước đây chỉ có 100m." - Đại biểu nêu.
Lo lắng hơn nữa, các chuyên gia khí tượng dự báo, năm nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu hạn mặn sớm 1 tháng, khoảng đến giữa tháng 12 hoặc cuối tháng 12 này sẽ gánh chịu xâm nhập mặn mà cường độ và tính chất khắc nghiệt hơn so với trung bình mỗi năm. Thủy lợi miền Nam đã ước tính sẽ có 43.300 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng, 66.000 ha thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng thiếu nước ngọt và 38.000 ha lúa tôm ở Cà Mau, Kiên Giang bị thiếu nước.
Đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên. Thứ hai là do sự phát triển đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông. Nguyên nhân quan trọng thứ ba chính là công tác quản lý nguồn nước thiếu tính chiến lược và hiệu quả chưa cao.
Do đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục thúc đẩy các đối thoại chính sách cấp cao về an ninh nguồn nước giữa các nước trong khu vực. Bởi an ninh nguồn nước là một trong 17 chỉ tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đề ra.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ thay đổi chiến lược, cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo hướng thích ứng, chủ động trong bối cảnh bất ổn xã hội, bất ổn biên giới, nhất là khu vực biên giới Tây Nam. Đồng thời, sớm phân bổ vốn kịp thời cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động thực hiện các dự án để chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Một giải pháp nữa được Đại biểu đề cập đó là chính quyền địa phương kết hợp với các bộ, ngành chức năng tăng cường năng lực dự báo và năng lực đánh giá, quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cho cán bộ phụ trách. Đây là một trong những giải pháp và giải pháp quan trọng nhất là ý thức của người dân.