Thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững


Được đánh giá là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái cả vùng phía Nam của Tổ quốc, tuy nhiên vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại không phát triển tương xứng với vai trò ấy.

Điện gió Hòa Bình 1 (huyện Hòa Bình) thu hút khách du lịch đến tham quan. Ảnh: M.Đ
Điện gió Hòa Bình 1 (huyện Hòa Bình) thu hút khách du lịch đến tham quan. Ảnh: M.Đ

Tạo đường băng cho đồng bằng cất cánh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua vùng ĐBSCL đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của cả nước, song quy mô còn khiêm tốn (chỉ chiếm khoảng 11,95% tổng GDP cả nước); tăng trưởng kinh tế của vùng đang chậm lại.  Công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao phát triển chậm; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế; tỷ trọng xuất khẩu có xu hướng giảm, chủ yếu là xuất khẩu các sản phẩm nông - thủy sản có giá trị gia tăng thấp;

Hạ tầng giao thông và liên kết giữa các phương thức vận tải phát triển chưa đồng bộ; quy mô và năng lực vận tải thủy còn thấp so với tiềm năng, lợi thế; các trung tâm logistics lớn chưa được hình thành; suy giảm hệ sinh thái, đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường gia tăng; tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng đang bị suy thoái; văn hóa - xã hội còn những bất cập, có nơi vẫn là vùng trũng về y tế, giáo dục của cả nước. Hoạt động liên kết vùng, tiểu vùng chưa thật sự hiệu quả; chưa có chính sách đủ mạnh để tạo bước đột phá cần thiết cho khu vực và một số địa phương trọng điểm của vùng.

Để gỡ những nút thắt, tạo đường băng cất cánh, ĐBSCL rất cần những chính sách đặc thù để phát triển vùng “phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Thích ứng với biến đổi khí hậu; lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên; phù hợp với điều kiện thực tế của vùng; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên” như quan điểm Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị (Khóa XIII) về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra.

Theo đó, những cơ chế, chính sách này cần phải hướng đến khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của vùng, đồng thời phù hợp với thực trạng và đặc điểm KT-XH của khu vực để khi triển khai thực hiện phù hợp với yêu cầu từng địa phương cũng như toàn vùng.

Âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân) - công trình thủy lợi điều tiết nước khu vực các tỉnh Bán đảo Cà Mau. Ảnh: M.Đ
Âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân) - công trình thủy lợi điều tiết nước khu vực các tỉnh Bán đảo Cà Mau. Ảnh: M.Đ

Nâng cao hiệu quả liên kết vùng

Tại Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL, tỉnh Bạc Liêu có tham luận đề xuất cơ chế chính sách đặc thù và một số giải pháp nhằm chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với các tiểu vùng sinh thái gắn với 3 nhóm sản phẩm chủ lực là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo.

Là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước. ĐBSCL được quy hoạch tập trung phát triển các sản phẩm chiến lược theo 3 trọng tâm, đó là: thủy sản - trái cây - lúa gạo theo hướng: Tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo.

Để phát triển tiềm năng và đi đúng hướng quy hoạch, Bạc Liêu đề xuất tăng cường hơn nữa các nguồn lực từ Trung ương, kể cả vốn vay ODA, các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế để phát triển hạ tầng thủy lợi, giao thông. Nhất là các tuyến đường bộ, đường sông liên kết vùng và đường ven biển, trong đó có các đoạn đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu và các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông... cho các địa phương trong vùng ĐBSCL. Ngoài ra,  cần tăng cường công tác phối hợp giữa các địa phương trong việc lập và triển khai các quy hoạch, nhất là phối hợp trong điều tiết nước phục vụ sản xuất liên vùng.

Có thể thấy, sự phối hợp giữa các địa phương để cùng theo đuổi các mục tiêu phát triển vùng một cách đồng bộ, bền vững là yếu tố quyết định để ĐBSCL phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình cũng như thực hiện tốt quy hoạch vùng.

Và một trong những nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL do Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái làm Chủ tịch Hội đồng là nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng ĐBSCL, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.

Với vai trò của Hội đồng Điều phối vùng, các hoạt động liên kết phát triển hệ thống hạ tầng KT-XH; liên kết các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp; quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước... sẽ được thực hiện hiệu quả, đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy từng địa phương và toàn vùng bứt phá mạnh mẽ.

Cũng tại Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL, các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp điều phối, liên kết vùng để Hội đồng điều phối vùng hoạt động hiệu quả; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế biển; chính sách đặc thù đầu tư các công trình kết nối, liên vùng gồm các tuyến đường ven biển, cầu qua sông lớn kết nối các địa phương trong vùng.

Cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ người dân nhằm phát triển vùng sản xuất lương thực lớn của cả nước, giải pháp tạo việc làm tại chỗ cho người dân; cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm an toàn nguồn nước, phát triển nông nghiệp bền vững... Với sự quyết tâm từ Chính phủ và các địa phương trong khu vực, vùng đất chín Rồng đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình xa hơn và tiến nhanh hơn.

Theo Thanh Lâm - Minh Đạt/ Báo Bạc Liêu