Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 đúng đối tượng, mục đích, kịp thời
Bộ Tài chính sẽ tổng hợp kiến nghị của các địa phương để trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải pháp về ngân sách nhà nước và các nguồn lực tài chính hợp pháp khác để chi cho phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, cân đối, bố trí nguồn gạo để xuất cấp hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn do dịch bệnh bảo đảm đúng đối tượng, mục đích và kịp thời.
Ngày 17/8/2021 vừa qua, UBND TP. Hồ Chí Minh có Văn bản số 2729/UBND-KT ngày 17/8/2021 trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Trung ương hỗ trợ số tiền là 27.967,9 tỷ đồng và 142.200.000 kg gạo để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ, lương thực dự kiến cho 1.580.110 hộ với 4.740.330 người (bình quân 3 người/hộ) lao động nghèo trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2021 hỗ trợ 130.175,67 tấn gạo cho 24 địa phương, trong đó hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh 71.104,95 tấn gạo.
Ngày 23/8/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Văn bản số 2804/LĐTBXH-BTXH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không hỗ trợ những hộ gia đình và cá nhân không có nhu cầu. Việc hỗ trợ phải dựa trên nhu cầu cần thiết của người dân; không phân biệt người có hộ khẩu, hay không có hộ khẩu đang cư trú, sinh sống trên địa bàn; ưu tiên những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi.
Theo Bộ Tài chính, đề nghị hỗ trợ 27.967,9 tỷ đồng để dự kiến hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày trong thời gian 98 ngày cho 4.740.330 người lao động nghèo và 1.500.000 đồng/hộ/tháng trong thời gian 02 tháng cho các hộ nghèo là chính sách đặc thù do UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị TP. Hồ Chí Minh để chủ động sắp xếp ngân sách địa phương và có các giải pháp huy động nguồn lực xã hội và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện hỗ trợ người dân cho phù hợp.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ tổng hợp kiến nghị của các địa phương để trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải pháp nguồn lực của ngân sách nhà nước và các nguồn lực tài chính hợp pháp khác để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.
Đối với đề xuất hỗ trợ gạo, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2021. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) xuất cấp 71.104,95 tấn gạo cho UBND TP. Hồ Chí Minh để cấp cho 4.740.330 người lao động nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trong thời gian 01 tháng.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai xuất 14.549,29 tấn/71.104,95 tấn (đợt 1) để kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản ngày 25/8/2021 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các địa phương thực hiện rà soát kỹ danh sách hỗ trợ, bảo đảm tuân thủ đúng quy định về đối tượng, nguyên tắc, phạm vi hỗ trợ, có ý kiến thẩm định làm cơ sở để Bộ Tài chính cấp tiếp số lượng gạo còn lại”.
Theo đó, căn cứ vào ý kiến thẩm định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) sẽ cân đối, bố trí nguồn gạo để xuất cấp cho địa phương để hỗ trợ cho nhân dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 bảo đảm đúng đối tượng, mục đích và kịp thời.