Hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thời hậu Covid-19
Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đóng góp vào GDP 30 tỷ USD
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Việt Nam có 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng so với mức 32% của năm 2019. Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đóng góp vào GDP từ 24 tỷ đến 30 tỷ USD năm 2024 và góp phần phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Từ trước đại dịch Covid-19, International Data Coperation đã dự báo, đến năm 2022, giá trị chuyển đổi số trên thế giới ước đạt 2.000 tỷ USD và tăng trưởng cao gấp 4 lần so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ công nghệ thông tin. Sau đại dịch, mọi việc có thể còn tiến nhanh hơn nữa.
Do vậy, xét ở một góc độ tích cực, chính dịch Covid-19 lại đang thúc đẩy sự tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng mọi thứ chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa, ép các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước.
Thông tin trên báo Công Thương điện tử ra ngày 10/9/2020 cũng có bài viết "Chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đóng góp 30 tỷ USD vào GDP Việt Nam". Theo bài viết, Việt Nam có 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng so với mức 32% của năm 2019, tập trung vào nâng cấp phần cứng công nghệ thông tin, công nghệ đám mây và an ninh mạng. Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đóng góp vào GDP từ 24 tỷ đến 30 tỷ USD năm 2024 và góp phần phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Hỗ trợ, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số thời hậu Covid-19
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ nghe đến khái niệm chuyển đổi số, chứ để hiểu và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số còn là quá trình dài. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, để có thể chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải có cả phần cứng, phần mềm, có những giao dịch với nền tảng công nghệ số. Tuy nhiên, bước ban đầu đòi hỏi có chi phí nhất định dù không phải quá đắt.
Một số chuyên gia lại cho rằng, chuyển đổi số không thể làm một cách “phong trào”, mà phải xem xét công nghệ đó có phù hợp với doanh nghiệp không, phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Bởi mục đích cuối cùng của việc này là đem đến hiệu quả, tiện lợi cho cả doanh nghiệp và người dùng. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một cuộc chơi không hề dễ dàng, đòi hỏi cả doanh nghiệp phải thay đổi liên tục thích nghi với cái mới để không bị tụt lại phía sau. Hoạt động quản trị doanh nghiệp vì thế cũng phải cập nhật thường xuyên thì mới tạo ra được lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế đầy bất ổn như hiện nay.
Theo Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyển đổi số là cơ hội của Việt Nam. Chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới, dựa trên nền tảng khoa học kĩ thuật, giúp cho đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, Nhà nước nên xem xét có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp trong nước để phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng cho việc phát triển kinh tế nền tảng số, song cũng phải lưu ý có sự cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ pháp luật để việc chuyển đổi số hiệu quả, bền vững.