Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút hiệu quả dòng vốn FDI

Hoàng Văn Cương - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Hoàng Nam Anh - Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là dòng vốn đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và những biến động nhanh chóng, phức tạp trên thế giới đã buộc các quốc gia phải điều chỉnh lại các chính sách về FDI của mình. Với Việt Nam, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút, sử dụng và nâng cao hiệu quả của dòng vốn FDI thời gian tới.

Dòng vốn FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19
Dòng vốn FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19

Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, mặc dù dịch COVID -19 diễn biến phức tạp nhưng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt vốn điều chỉnh tăng mạnh tới 40,5%. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam: Tính đến ngày 20/12/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm 2021.

Vốn đăng ký cấp mới có 2.036 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 12,45 tỷ USD, tăng 17,1% so với năm trước về số dự án và giảm 18,4% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép các dự án FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 7,21 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 16,9%; các ngành còn lại đạt 3,13 tỷ USD, chiếm 25,2%.

Trong số 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2022, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 3,39 tỷ USD, chiếm 27,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore 2,12 tỷ USD, chiếm 17%; Trung Quốc 1,36 tỷ USD, chiếm 10,9%; Đan Mạch 1,32 tỷ USD, chiếm 10,6%; Hàn Quốc 1,12 tỷ USD, chiếm 9%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 1,1 tỷ USD, chiếm 8,8%.

Vốn đăng ký điều chỉnh có 1.107 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 10,12 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm trước.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 15,19 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,87 tỷ USD, chiếm 12,7%; các ngành còn lại đạt 4,5 tỷ USD, chiếm 20%.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 3.566 lượt với tổng giá trị góp vốn 5,15 tỷ USD, giảm 25,2% so với năm trước. Trong đó, có 1.561 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,42 tỷ USD và 2.005 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị gần 2,73 tỷ USD. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,61 tỷ USD, chiếm 31,3% giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,58 tỷ USD, chiếm 30,5%; ngành còn lại 1,97 tỷ USD, chiếm 38,2%.

FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 17,81 tỷ USD, chiếm 79,5% tổng vốn FDI thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,49 tỷ USD, chiếm 6,7%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,46 tỷ USD, chiếm 6,5%.

Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút hiệu quả dòng vốn FDI  - Ảnh 1

Xu hướng FDI chủ đạo hiện nay của thế giới

Trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 và những biến động nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới đã gây ra tác động tiêu cực đối với dòng vốn FDI quốc tế, buộc các quốc gia phải điều chỉnh lại các chính sách về FDI của mình, một mặt để giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, mặt khác để bảo vệ an ninh quốc gia và sức khỏe cộng đồng. Chỉ tính riêng năm 2020, 67 nền kinh tế trên thế giới đã đưa ra tổng số 152 biện pháp, chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài. Từ đó đến nay, các chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài nổi lên một số điểm chính như:

Khuyến khích, thúc đẩy đưa sản xuất và dòng vốn FDI quay trở về nước

Trên thực tế, trước đại dịch COVID-19, Mỹ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, sản xuất và kinh doanh tại nước này nhằm tạo thêm việc làm như: Miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp Mỹ (giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 21%), cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp Mỹ (năng lượng, ô-tô, nhôm, thép…), áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu. Ngày 14/5/2020, Tổng thống Mỹ D. Trump đã ký sắc lệnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các nhà lập pháp của Mỹ cũng đã soạn dự thảo luật nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc, trong đó bao gồm ý tưởng thành lập một quỹ 25 tỷ USD để đầu tư vào các doanh nghiệp Mỹ muốn “cải tổ” mối quan hệ với Trung Quốc. Với các quyết sách của Chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ không chỉ rời Trung Quốc về Mỹ mà còn dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến các quốc gia khác phù hợp hơn. Mỹ còn thúc đẩy “mạng lưới kinh tế thịnh vượng” nhằm kết nối, phối hợp các quốc gia trong tự chủ về chuỗi cung ứng.

Các nước Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài như: Đức, Italia quy định, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với FDI trong các ngành chiến lược; Pháp triển khai chiến lược “sản xuất tại Pháp” nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước với các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, như ô-tô, hàng không, công nghệ số…

Tại châu Á, Nhật Bản dành ngân sách 2,2 tỷ USD, trong đó 2 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đưa mạng lưới sản xuất từ Trung Quốc về nước và khoảng 200 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản di chuyển mạng lưới sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang nước thứ ba đối với một số ngành ưu tiên (như thiết bị y tế, phụ tùng ô tô, điện tử, kim loại hiếm…). Hàn Quốc ban hành luật thu hút các doanh nghiệp đã đầu tư ở nước ngoài quay về sản xuất, kinh doanh trong nước. Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đưa ra hàng loạt ưu đãi về đất đai, điện, nước, vốn và thuế để thu hút các doanh nghiệp quay trở lại đất nước.

Chính sách sàng lọc FDI tiếp tục gia tăng

Năm 2021, số lượng các chính sách về đầu tư mới được đưa ra trên thế giới đã giảm xuống còn 109, ít hơn 28% so với năm 2020. Tuy nhiên, các nước vẫn tiếp tục tăng cường nhiều biện pháp sàng lọc FDI nhằm bảo vệ các doanh nghiệp chiến lược thoát khỏi sự thâu tóm của nước ngoài, đưa tỷ lệ các biện pháp hạn chế, giám sát đầu tư từ 41% năm 2020 lên 42% trong năm 2021 (là tỷ lệ cao nhất được đưa ra kể từ năm 2003). Những biện pháp này phần lớn được áp dụng ở các nền kinh tế phát triển, song một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng đã tăng cường rà soát dòng vốn FDI.

Tuy nhiên, chỉ riêng trong quý I/2022, đã có tới 75 chính sách mới về đầu tư đã được ban hành (một số lượng kỷ lục tính theo quý), chủ yếu là các chính sách nhằm ứng phó với những tác động đến từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Các biện pháp trừng phạt và đáp trả liên quan đến xung đột Nga - Ukraine chiếm 70% tổng số các biện pháp được áp dụng trong quý I/2022. Điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt với nhiều bộ quy tắc sàng lọc FDI đa dạng và phong phú trên nhiều lĩnh vực đầu tư của các nước, khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy bất ổn và cẩn trọng hơn.

Cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt

Đối với các nước đang phát triển, dòng vốn FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, chính bởi vai trò quan trọng của dòng vốn FDI và việc dòng vốn này sụt giảm mạnh mẽ từ năm 2020 đã đẩy các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi vào một giai đoạn cạnh tranh khốc liệt mới để thu hút FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất ở khu vực châu Á. Trong đó, các chính sách thuế được sử dụng khá phổ biến và thường xuyên để thúc đẩy nguồn đầu tư quốc tế.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm những điểm đến có chi phí vận hành, sản xuất thấp hơn và có sẵn chuỗi cung ứng, thì Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đang nổi lên như một lựa chọn có thể thay thế Trung Quốc. Tận dụng cơ hội này, Ấn Độ đã xem xét miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư mới; dành ra một quỹ đất hơn 460.000ha để thu hút các doanh nghiệp dịch chuyển mạng lưới sản xuất từ Trung Quốc về Ấn Độ. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tập trung thúc đẩy các hiệp định thương mại với các quốc gia khác.

Nhiều nước thành viên ASEAN kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và đang trên đà phục hồi kinh tế, đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với mong muốn đưa nền kinh tế vượt qua thời kỳ khó khăn và trở thành khu vực thu hút FDI lớn thứ ba trên thế giới, các nước ASEAN tăng cường hợp tác để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc luân chuyển hàng hóa trong khối và nỗ lực tạo dựng môi trường cạnh tranh tốt nhất. Bên cạnh đó, các nước thành viên ASEAN cũng đưa ra các chính sách và điều kiện thuận lợi để tạo lợi thế cạnh tranh riêng trong thu hút FDI.

Indonesia đã ban hành các chính sách ưu đãi mới nhằm tiếp đón các nhà đầu tư nước ngoài, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 22%-25% trong năm 2020 và giảm tiếp xuống 20% vào năm 2022. Thái Lan đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực thiết bị y tế, ưu tiên các dự án công nghệ cao với ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Malaysia cũng có những ưu đãi thuế để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược. Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm “giữ chân” các nhà đầu tư, giảm thiểu việc dịch chuyển mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc như xây dựng các chính sách ưu đãi đặt biệt đối với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, nhất là các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây; ban hành Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi; mở rộng các khu thương mại tự do thí điểm với nhiều ưu đãi; tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực, trọng tâm là hợp tác khu vực Đông Bắc Á, khuôn khổ hợp tác song phương của ASEAN với từng đối tác bên ngoài (ASEAN+1), khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN với ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3); áp dụng một số rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhà đầu tư rút vốn…

Các đề xuất chính sách đối với Việt Nam

Dù có nhiều cải thiện nhưng Việt Nam vẫn cần tập trung cải cách những lĩnh vực thủ tục hành chính gây phiền hà tương đối cao cho doanh nghiệp, như các thủ tục hành chính thuế, phòng cháy, chữa cháy, xuất nhập khẩu, đăng ký đầu tư và bảo hiểm xã hội. Việt Nam cũng cần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư có công trình xây dựng, cụ thể là cấp phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy, đánh giá tác động môi trường.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt trong một số lĩnh vực như thanh kiểm tra, thủ tục tố tụng tòa án và thủ tục hành chính đất đai; Chất lượng cơ sở hạ tầng cũng cần nâng cao hơn nữa trong thời gian tới; Tiếp tục cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cùng với việc đảm bảo nguồn cung lao động cũng là kỳ vọng từ phía các doanh nghiệp FDI đối với các địa phương.

Điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, một thực tế là phần lớn các doanh nghiệp FDI vẫn có quy mô nhỏ và vừa, nhiều khả năng các nhà đầu tư nước ngoài đang hướng tới việc có các dự án vệ tinh cho các dự án FDI lớn tại Việt Nam. Kết quả điều tra cũng ghi nhận, tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng 3 nhóm nhà cung cấp nội địa đều giảm trong năm 2021 so với năm 2020 và năm 2019. Đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang chật vật hơn trong việc tham gia chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Do vậy, Việt Nam cần có những chính sách hiệu quả hơn nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như có thể tận dụng cơ hội kết nối với các doanh nghiệp FDI để hưởng lợi sự lan tỏa của công nghệ và quản trị. Các giải pháp có thể kể đến như:

Thứ nhất, hiện thực hóa Nghị quyết số 50-NQ/ TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW.

Thứ hai, thực hiện việc đặt và lồng ghép mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…

Thứ ba, có chính sách, cơ chế để tiếp cận nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường đổi mới và tiếp nhận chuyển giao tri thức từ các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa. Xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế G7, G8 (OECD), các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế từng tỉnh, vùng miền; chú trọng và tăng cường thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai; công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư; Đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước.

Thứ sáu, để mời gọi được nhiều nguồn vốn đầu tư FDI có chất lượng hơn nữa trong thời gian tới, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng như các hoạt động ngoại giao để thúc đẩy được Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) sớm có hiệu lực. Về cải thiện môi trường đầu tư cũng cần phải tiếp tục nỗ lực, nhất là về nguồn nhân lực. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo có thể đón được các dự án công nghệ cao từ các nước phát triển vào Việt Nam.

Thứ bảy, về hạ tầng cũng cần được quy hoạch tốt hơn và phát triển hơn trong thời gian tới và đặc biệt là hạ tầng về công nghệ 4G về chuyển đổi số nếu không làm tốt, không có sự chuẩn bị trước thì chúng ta khó có thể thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các nước phát triển. Về chính sách, cũng cần có sự cải thiện hơn nữa để nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam.

Thứ tám, phải khắc phục những nhược điểm mà các khu công nghiệp, khu chế xuất còn tồn tại, cụ thể: Đó là chất thị trường trong phát triển các khu công nghiệp Việt Nam còn ít, thiếu việc khuyến khích các động lực từ thị trường. Hiện, các khu công nghiệp lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các công nghiệp trọng điểm, thiếu các dịch vụ hiện đại nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn từ Âu - Mỹ…

Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 1/2023