Phát triển ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam
Cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, vấn đề về môi trường đang ngày càng được quan tâm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, quá trình phát triển kinh tế công nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, lên các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Trong bối cảnh đó, ngành Công nghiệp môi trường trở thành lĩnh vực được quan tâm và chú trọng hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế quốc gia đi kèm với bảo vệ môi trường. Bài viết trao đổi về thực trạng ngành Công nghiệp môi trường ở Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm phát triển ngành Công nghiệp môi trường trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Công nghiệp môi trường (Environmental industry) là một phân ngành thuộc ngành Công nghiệp trong nhóm các ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu xử lý chất thải, bảo đảm tiêu chuẩn cho công tác bảo vệ môi trường. Nói cách khác, đây là một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Trên thế giới, ngành Công nghiệp môi trường có chức năng sản xuất, cung cấp các thiết bị, công nghệ xử lý nước thải; sản xuất thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý chất thải rắn; cung cấp công nghệ, sản xuất các thiết bị, máy móc xử lý khí thải; sản xuất thiết bị phân tích, quan trắc và kiểm soát các thông số môi trường; sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường; sản xuất máy móc, thiết bị xử lý nước cấp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và tiết kiệm điện năng.
Tại Việt Nam, quá trình kinh tế nói chung và kinh tế công nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, lên các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Trước tình hình này, ngành Công nghiệp môi trường trở thành lĩnh vực được quan tâm và chú trọng hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế quốc gia đi kèm với bảo vệ môi trường.
Nhận thức tầm quan trọng của vai trò quan trọng của bảo vệ môi trường nói chung và phát triển ngành Công nghiệp môi trường nói riêng, Đảng, Chính phủ đã đưa ra các chủ trương, định hướng về phát triển ngành Công nghiệp môi trường để hiện thực hóa ngành Công nghiệp này trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
Thực trạng ngành Công nghiệp môi trường ở Việt Nam
Kết quả đạt được
Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang chú trọng việc xây dựng và phát triển thị trường cho ngành Công nghiệp môi trường để thúc đẩy thị trường sản phẩm hàng hóa cho ngành này phát triển, từng bước phát triển ngành Công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế không chỉ đáp ứng các yêu cầu về xử lý các vấn đề môi trường mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Theo đó, kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường (2014) thực thi, ngành Công nghiệp môi trường được nhìn nhận như một ngành kinh tế gồm sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực chính là công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường; dịch vụ công nghiệp môi trường (thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải; quan trắc, phân tích…); sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường.
Hiện nay, các hoạt động nhằm phát triển ngành Công nghiệp môi trường tại Việt Nam đang từng bước được cân đối, hài hòa giữa ba lĩnh vực chính, gồm: Dịch vụ môi trường (Phân tích và quan trắc môi trường; Quản lí, kiểm soát ô nhiễm, Dịch vụ tư vấn quản lý môi trường); Phát triển công nghệ và sản xuất thiết bị (Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý môi trường; Sản xuất thiết bị và vật liệu xử lý môi trường; Phát triển công nghệ thông tin chuyên ngành môi trường; Sản xuất thiết bị đo lường và kiểm soát ô nhiễm môi trường; Công nghệ ngăn ngừa ô nhiễm); Phát triển và khôi phục tài nguyên (Phát triển các dạng năng lượng mới; Phục hồi tài nguyên; Các hoạt động tái chế chất thải).
Tại Việt Nam, ngành Công nghiệp môi trường có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm ở mức trên 15% do nhu cầu xử lý ô nhiễm và các thiết bị môi trường luôn cao trong điều kiện kinh tế tăng trưởng liên tục. Đến nay, tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải là 107.616 người...
Về dịch vụ công nghiệp môi trường, các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, trong giai đoạn vừa qua, dịch vụ môi trường mới chú trọng phát triển các hợp đồng dịch vụ thuê, mướn xử lý chất thải – vấn đề nóng thu hút được sự quan tâm của người dân và xã hội tại các thành phố lớn.
Chẳng hạn, thống kê cho thấy, hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn TP. Hà Nội khoảng 6.500 tấn/ngày và dự báo tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn Thành phố sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP. Hà Nội (giai đoạn 2017-2020) giao cho 20 đơn vị thực hiện thông qua gói thầu Dịch vụ công ích vệ sinh môi trường và đến nay, đã giao về cho các địa phương tự tổ chức đấu thầu.
Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trong ngày tại các quận nội thành đạt khoảng 98-99%, tại các huyện đạt khoảng 87%-88% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp chiếm khoảng 89%, xử lý bằng phương pháp đốt chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu thực hiện bằng các xe gom đẩy tay (công kềnh, lạc hậu) thường xuyên hình thành các điểm tập kết xe gần mặt đường, đầu ngõ gây mất vệ sinh môi trường, mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, gây bức xúc cho người dân trong khu vực...
Trong khi đó, theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, năm 2022, Thành phố dự toán chi 3.311 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải; trong đó chi cho các quận, huyện khoảng 1.604 tỷ đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường khoảng 1.707 tỷ đồng. Để vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, hiện tại toàn Thành phố có hơn 900 điểm tập kết tập trung rác (cả nội thành và ngoại thành); 27 trạm trung chuyển để tập kết tạm thời chất thải rắn sinh hoạt thu gom tại nguồn để vận chuyển đến các khu xử lý tập trung của Thành phố.
Hiện nay, công tác thu gom tại các điểm hẹn, vệ sinh điểm tập kết, vận hành trạm trung chuyển, quản lý rác dân lập tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn còn một số trạm trung chuyển rác nằm trong lòng khu dân cư, có hệ thống máy móc xử lý thô sơ, lạc hậu, trở thành “điểm đen”, ảnh hưởng đến đời sống người dân TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, nước ta từng bước định hình các hoạt động dịch vụ như: Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; Cải tạo, phục hồi môi trường, hệ sinh thái các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; Tư vấn, chuyển giao công nghệ (công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, công nghệ môi trường; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo); Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin (về môi trường; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng); Giám định về môi trường (đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ)...
Khó khăn, thách thức
Tuy đạt được những kết quả nhất định, song đến nay, ngành Công nghiệp môi trường vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức:
- Nhận thức đối với phát triển công nghiệp môi trường trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với DN, nhà quản lý và cả hệ thống chính trị vẫn còn hạn chế, cần phải được đổi mới để tạo ra sự đồng thuận trong xã hội.
- Công nghiệp môi trường là ngành mới, gần như chưa phát triển ở Việt Nam. Do vậy, để có những sản phẩm công nghiệp môi trường cạnh tranh trên thị trường, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nhiều, sản phẩm tạo ra phải cạnh tranh về chất lượng, giá cả, tuổi thọ..., nhất là trong điều kiện đất nước mở cửa và đã ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới.
- Chưa có các chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho các DN công nghiệp môi trường tham gia và chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng công nghệ cao. Các văn bản pháp luật đã ban hành trước đây chưa đề cập tới phát triển, công nghiệp môi trường.
- Hạ tầng đáp ứng cho phát triển công nghiệp môi trường chưa được hoàn thiện, đầy đủ và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
- Nguồn nhân lực và cơ cấu nguồn nhân lực cho ngành Công nghiệp môi trường vẫn hạn chế, chưa đủ cả về lượng và chất.
Đề xuất giải pháp
Trong “Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”, Chính phủ đặt ra mục tiêu không chỉ nỗ lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp môi trường đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Những chỉ tiêu cơ bản trong Đề án, bao gồm đối với sản xuất thiết bị xử lý nước cấp và nước thải đáp ứng khoảng từ 70% đến 80%; sản xuất thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn khoảng từ 60% đến 70%; sản xuất thiết bị xử lý khí thải khoảng từ 70% đến 80%; sản xuất thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải khoảng từ 50% đến 60%... Để đạt được mục tiêu này, tác giả kiến nghị một số giải pháp sau:
- Tiếp tục tuyên truyền về công nghiệp môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về ngành Công nghiệp này.
- Huy động và tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ phát triển ngành Công nghiệp môi trường. Theo đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển ngành Công nghiệp môi trường nhằm tạo cơ sở, cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực ngân sách hỗ trợ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường.
- Tạo lập thị trường sản phẩm hàng hóa cho ngành này phát triển. Mặc dù, đã có một số thị trường, như sản xuất sản phẩm xử lý chất thải rắn, nước thải, cấp nước, năng lượng tái tạo... nhưng các thị trường này chưa thực sự phát triển như kỳ vọng, nhất là thị trường của những sản phẩm hàng hóa sản phẩm công nghiệp môi trường chất lượng cao, sử dụng công nghệ hiện đại.
- Rà soát lại các chính sách, nhất là những quy định pháp luật liên quan đến phát triển công nghiệp môi trường để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện về mặt pháp lý thúc đẩy, khuyến khích DN phát triển các sản phẩm công nghiệp môi trường.
- Đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành Công nghiệp môi trường. Theo đó, cần đào tạo và đào tạo lại, bổ sung kiến thức, đổi mới nhận thức và phương thức quản lý trong điều kiện lan tỏa mạnh mẽ của CMCN 4.0. Nguồn nhân lực phải đảm bảo đủ trình độ và số lượng để phục vụ cho làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước và các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp môi trường gắn với phát triển của CMCN 4.0, học hỏi kinh nghiệm và đưa vào ứng dụng, mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Kết luận
Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mớ... sẽ tạo cơ hội cho phát triển ngành Công nghiệp môi trường. Dư địa cho phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam còn lớn; nhu cầu về thiết bị công nghiệp cho thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, xử lý khí thải, cấp nước... đạt trình độ công nghệ cao và hiệu quả lớn là cơ hội cho Ngành này phát triển. Việc triển khai các đồng bộ các giải pháp sẽ giúp ngành công nghiệp môi trường Việt Nam khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống các ngành công nghiệp và đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho thị trường đối với công tác bảo vệ môi trường.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường 2020;
- Chính phủ (2022), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường 2020;
- Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 192/QĐ-TTg, ngày 13/2/2017, của, về phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”;
- Nguyễn Vân (2022), Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường, Thời báo Tài chính Việt Nam;
- Trong Hiếu (2022), TP. Hồ Chí Minh: Dự chi 3.311 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải, Tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường;
- Trường Giang (2022), TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm tập kết rác, Tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường;
- Nguyễn Duy Thái (2021), Thực trạng và giải pháp phát triển thị trường dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại TP. Hà Nội, Tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường.