Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa:

Hoàn thành xuất cấp hơn 1.135 tấn gạo hỗ trợ người dân

Nguyễn Thủy

Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Thanh Hóa vừa hoàn thành xuất cấp hơn 1.135 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (đợt 1 năm 2024) đảm bảo đủ số lượng, tốt về chất lượng.

Cục DTNN khu vực Thanh Hóa vừa hoàn thành xuất cấp 1.135,522 tấn gạo từ nguồn DTQG để hỗ trợ người dân bảo vệ và phát triển rừng.
Cục DTNN khu vực Thanh Hóa vừa hoàn thành xuất cấp 1.135,522 tấn gạo từ nguồn DTQG để hỗ trợ người dân bảo vệ và phát triển rừng.

Triển khai Quyết định số 236/QĐ-TCDT ngày 10/6/2024 của Tổng cục DTNN, Cục DTNN khu vực Thanh Hóa đã khẩn trương báo cáo và đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định phân bổ gạo cho các đối tượng thụ hưởng tại các huyện trên địa bàn Tỉnh.

Sau khi có quyết định của các cấp có thẩm quyền, đơn vị đã lấy mẫu, kiểm tra chất lượng gạo trước khi xuất kho; chuẩn bị trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng vận chuyển, bàn giao gạo tới các huyện theo quy định.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo Cục DTNN khu vực Thanh Hóa yêu cầu các phòng nghiệp vụ và các chi cục DTNN lập phương án xuất gạo, xây dựng dự toán chi phí xuất tối đa; tổ chức đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia lựa chọn đơn vị vận chuyển để đảm bảo đúng thời gian và tiến độ giao nhận.

Trong quá trình xuất gạo DTQG, Lãnh đạo đơn vị đã cử cán bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc xuất kho; áp tải, giao nhận gạo kịp thời đến các huyện.

Với tinh thần quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, đến ngày 8/7/2024, Cục DTNN khu vực Thanh Hóa đã hoàn thành xuất cấp 1.135,522 tấn gạo từ nguồn DTQG để hỗ trợ người dân 4 huyện gồm Quan Sơn, Quan Hóa, Như Xuân, Lang Chánh phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo đủ về số lượng, tốt về chất lượng.

Những năm qua, chính sách xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó, thu hút được các hộ gia đình trên địa bàn tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm việc làm, thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, hạn chế tình trạng di dân, di cư bất hợp pháp, bảo đảm an sinh xã hội; giảm bớt áp lực do người dân phá rừng lấy đất sản xuất.