Hoàn thiện chính sách tài chính, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Những năm qua, với điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, kinh tế trong nước mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, duy trì mức tăng trưởng tốt nhưng vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, các chính sách tài chính được ban hành với các bộ luật mới, luật sửa đổi, bổ sung đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) phục hồi và phát triển.
Tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch
Những điểm mới quan trọng về chính sách thuế mới được ban hành như một luật sửa đổi, bổ sung cùng một lúc năm Luật thuế; một nghị định sửa đổi, bổ sung sáu nghị định khác đã bảo đảm chính sách rõ ràng hơn, minh bạch hơn, tạo thuận lợi hơn cho DN. Có thể thấy rõ qua một số sắc thuế quan trọng như thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Trong đó, những bổ sung quy định ưu đãi thuế thu nhập DN ở mức cao đối với DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; miễn thuế đối với thu nhập của HTX, của DN trong một số lĩnh vực sản xuất ưu tiên, địa bàn ưu tiên... đã kích thích DN có thêm các dự án đầu tư.
Không những thế, Luật thuế mới đã bổ sung ưu đãi ở mức cao có thời hạn đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng có phạm vi tác động sâu, rộng tới kinh tế - xã hội; bãi bỏ quy định khống chế tính vào chi phí các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại,... đã tạo điều kiện cho DN quảng bá sản phẩm, khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, việc cho phép chuyển một số mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT; bổ sung vào diện đối tượng không chịu thuế đối với tàu đánh bắt xa bờ...; bãi bỏ nhiều quy định trong hồ sơ khai thuế nhằm đơn giản hồ sơ khai thuế tháng, khai thuế quý; không áp dụng các biện pháp cưỡng chế và không tính tiền chậm nộp đối với số tiền nợ thuế trong một số trường hợp, bổ sung quy định quy đổi tỷ giá trong việc tính thuế và nộp ngân sách; bãi bỏ nhiều khoản phí, lệ phí đầu vào cho sản xuất - kinh doanh... cũng là những giải pháp thật sự đã tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình hoạt động. Không những thế, những giải pháp này đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, góp phần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ công, khuyến khích DN tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ.
Song hành cùng với việc hoàn thiện nhiều chính sách tài chính, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực thuế, hải quan theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời, triển khai nhiều chính sách khơi thông thị trường vốn, đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho DN, tránh tình trạng chỉ lệ thuộc vào các kênh huy động truyền thống. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nêu trên được triển khai mạnh mẽ, được cộng đồng DN trong và ngoài nước đánh giá cao.
Nhiệm vụ của chính sách tài khóa năm 2015 được xác định là tập trung huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, từng bước cơ cấu lại NSNN, bảo đảm an ninh tài chính, góp phần tích cực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.
Thực hiện mục tiêu này, toàn ngành tài chính đã tập trung thực hiện quyết liệt và toàn diện nhiều giải pháp cụ thể, trong đó, mục tiêu, nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tạo nguồn thu vững chắc, ổn định cho NSNN. Hạn chế ban hành thêm các chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế.
Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá; tập trung thu hồi nợ đọng thuế; đẩy mạnh cải cách TTHC thuế, hải quan...
Đột phá cải cách hành chính
Với mục tiêu lấy DN, người dân làm trung tâm, Bộ Tài chính đã quyết liệt chỉ đạo triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính một cách đồng bộ và toàn diện đối với tất cả các lĩnh vực tài chính. Đặc biệt, đối với hai lĩnh vực trọng tâm là thuế và hải quan, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan kịp thời triển khai các giải pháp đồng bộ và toàn diện trên tất cả các khâu nghiệp vụ.
Cải cách thể chế gắn với cải cách TTHC, với công tác hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quy trình và công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức.
Kết quả bước đầu cho thấy, qua rà soát, đã có hàng trăm TTHC được đơn giản hóa, trong đó có 12 thủ tục liên quan nhóm TTHC giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; 34 thủ tục liên quan nhóm TTHC về hóa đơn, biên lai, tem rượu và 14 TTHC thuế khác...
Đối với lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan đã rà soát và bãi bỏ 17 TTHC, đơn giản hóa 46 thủ tục; rà soát và chuẩn hóa bộ TTHC lĩnh vực hải quan, gồm 23 thủ tục mới, thay thế 128 thủ tục, bãi bỏ 84 thủ tục... Thời gian thực hiện TTHC được cắt giảm mạnh, đặc biệt là thời gian thực hiện TTHC thuế.
Nếu như năm 2014 đã giảm được 290 giờ, thì đến nay, số giờ nộp thuế đã giảm được 420 giờ, số giờ thực hiện TTHC về thuế chỉ còn 117 giờ, đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ đặt ra. Đồng thời, còn giảm được tám lần khai và nộp thuế GTGT, giảm được bốn lần nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính.
Có thể nói chính việc triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính đã được ghi nhận qua việc đánh giá, chấm điểm chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành vừa qua. Theo đó, Bộ Tài chính xếp thứ 2 trong số 19 bộ, ngành, tăng hai bậc so với năm 2013 và tăng sáu bậc so với năm 2012...
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng kể, song công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP vẫn còn những khó khăn, tồn tại.
Có thể thấy, mức độ quyết liệt, quyết tâm ở Trung ương rất cao, ở cấp cục của nhiều địa phương khá tích cực, nhưng càng xuống dưới cơ sở, tới các chi cục và cán bộ, công chức thuế, hải quan, sức lan tỏa, sức nóng của Nghị quyết 19/NQ-CP ở một số nơi chưa thật sự như mong đợi.
Cộng đồng DN vẫn kỳ vọng nhiều hơn ở sự đổi mới, cải cách thực chất, đồng bộ ở tất cả các khâu, lĩnh vực liên quan đến thủ tục thuế và hải quan. Đặc biệt, việc các DN hiện nay đang phải chi trả các khoản chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện các TTHC liên quan đến thuế và hải quan vẫn đang là vấn đề nhức nhối và được đề cập.
Nguyên nhân của thực tế này có nhiều, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, với vị trí của cơ quan thực thi công vụ, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới thì việc minh bạch, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, khai thông những vướng mắc, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong chiến lược cạnh tranh toàn cầu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là một mục tiêu cần được ưu tiên thực hiện nhanh nhất.
Năm 2016 được xác định phải tiếp tục đà cải cách của năm 2015, đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam vào nhóm đầu trong ASEAN, đồng thời bên cạnh việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ hơn trong cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, DN thì cũng cần bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội.
Về phía mình, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan sẽ phải tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về thuế và hải quan để phát hiện, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế. Song song việc cải cách TTHC, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho người dân, DN thì cần chú trọng việc tự cải tổ để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nền kinh tế có nhiều cơ hội tiếp cận điều kiện kinh doanh tốt hơn, nhưng cũng chịu sức ép cạnh tranh áp lực hơn, để giúp DN tồn tại và phát triển bền vững, các TTHC của nhà nước nói chung, của ngành tài chính nói riêng phải thật sự được cải tiến, đổi mới, tạo được hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện mở đường cho các hoạt động kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy, toàn ngành tài chính phải tiếp tục quyết tâm sửa đổi, loại bỏ các thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho sản xuất - kinh doanh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay./.