Hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản công để liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập
Thời gian qua, nhiều đơn vị y tế đã thực hiện xã hội hóa theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cung cấp chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Việc liên doanh, liên kết đã góp phần giúp các đơn vị huy động nguồn vốn, đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Nghiên cứu thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản công để liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Thực tiễn quản lý tài sản công để liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập
Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe (CSSK) của nhân dân, thời gian vừa qua, nhiều cơ sở y tế đã thực hiện xã hội hóa theo, chính sách của Nhà nước nhằm huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cung cấp chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB), đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Theo tổng hợp báo cáo của 55 Sở Y tế và 26 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tính đến tháng 12/2020, ngành Y tế đã triển khai 729 đề án liên doanh, liên kết (LDLK) với tổng số vốn 5.686,38 tỷ đồng, bao gồm:
(i) Các đơn vị thuộc địa phương thực hiện khoảng 491 đề án LDLK, với tổng số vốn 2.472,33 tỷ đồng, trong đó vốn của các nhà đầu tư (NĐT) là 2.213 tỷ đồng (89,5%); vốn huy động của cán bộ, viên chức là 225,81 tỷ đồng (9,1%), vốn góp của đơn vị từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp là 33,45 tỷ đồng, chiếm 1,4%.
(ii) Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện khoảng 238 đề án LDLK, với tổng số vốn 3.214,06 tỷ đồng. Trong đó, có 166 đề án theo hình thức đối tác đầu tư trang thiết bị, bệnh viện cung ứng dịch vụ và phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp chiếm 69,75%; 47 đề án theo hình thức thuê máy (trả theo ca) chiếm 19,75%; 25 đề án theo hình thức huy động vốn góp của cán bộ, công chức chiếm 10,5% tổng số đề án.
Tổng hợp số liệu tại các đề án nêu trên cho thấy, các thiết bị LDLK chủ yếu là thiết bị về chẩn đoán hình ảnh (54,05%), thiết bị xét nghiệm (15,68%), thiết bị phục vụ điều trị (27,57%), còn lại là các thiết bị khác.
Về một số hình thức LDLK chủ yếu là đơn vị sự nghiệp y tế công lập (ĐVSN YTCL) hợp tác với các NĐT để đầu tư xây dựng cơ sở KCB, cơ sở y tế công và NĐT cùng quản lý, hoặc để cho NĐT đầu tư máy móc, thiết bị tại các phòng khám của bệnh viện, cơ sở y tế và hai bên cùng khai thác. Hầu hết theo hình thức này là LDLK mà không thành lập pháp nhân mới, các bên tự quản lý tài sản hoặc cùng nhau quản lý tài sản trong quá trình liên doanh.
Bên cạnh đó, UBND một số tỉnh đã phê duyệt một số dự án xây dựng mới cơ sở y tế theo mô hình Nhà nước giao đất, NĐT góp vốn xây dựng, bệnh viện đa khoa tỉnh và NĐT cùng tham gia quản lý, vận hành cơ sở mới này. Mặc dù, đạt nhiều kết quả tích cực, song công tác quản lý tài sản công để LDLK tại ĐVSN YTCL hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập như:
Thứ nhất, ĐVSN YTCL có xu hướng thực hiện sử dụng tài sản công (TSC) để LDLK dựa trên nhu cầu mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ KCB phục vụ cho các đối tượng KCB tự nguyện, theo yêu cầu nhằm thu tiền dịch vụ hơn là mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả KCB cho đối tượng bảo hiểm và CSSK toàn dân. Điều này dẫn đến thực trạng có sự phân biệt giữa KCB theo yêu cầu và theo bảo hiểm y tế (BHYT).
Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, những bệnh viện lớn khi thực hiện LDLK là chỉ nhằm phục vụ những bệnh nhân có điều kiện chi trả. Điều này đã gây hiểu lầm về chủ trương thực hiện LDLK, khó có sự đồng thuận của xã hội. Bởi vì, về thực chất, mặc dù tự chủ 100% về tài chính, nhưng nhiệm vụ đầu tiên của ĐVSN công lập là phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và dù có hoạt động LDLK cũng không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao. Với cơ sở y tế tự chủ, nếu LDLK vẫn phải bảo đảm KCB cho tất cả người dân, cả người nghèo, người tham gia BHYT và người có khả năng chi trả.
Thứ hai, việc xây dựng đề án sử dụng TSC để LDLK tại các ĐVSN YTCL chưa được quan tâm đúng mức, chưa phân tích, đánh giá kỹ về sự cần thiết, tính phù hợp và các phương án sử dụng TSC, các chỉ tiêu kinh tế, tài chính chưa đảm bảo độ tin cậy để đánh giá tính khả thi của đề án.
Thứ ba, sau khi đề án sử dụng TSC được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì việc tổ chức thực hiện đề án hoàn toàn do đơn vị thực hiện từ tổ chức lựa chọn đối tác, ký kết hợp đồng, thực hiện quản lý hoạt động LDLK... mà không có sự tham gia, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến có các vi phạm quy định của pháp luật, có nguy cơ gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
Thứ tư, việc quản lý và thực hiện các đề án sử dụng TSC để LDLK thiếu tính chuyên nghiệp. Qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều sai sót, vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các đề án sử dụng TSC để liên LDLK.
Những hạn chế, tồn tại trong sử dụng TSC tại các ĐVSN YTCL để LDLK có nhiều nguyên nhân, song tựu chung là do các nguyên nhân cơ bản sau:
Một là, các hình thức LDLK rất đa dạng, được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng nhiều quy định như các hình thức, trình tự, thủ tục thực hiện, thẩm quyền quyết định, đối tượng sử dụng các dịch vụ này, giá dịch vụ… mới mang tính nguyên tắc, chưa có hướng dẫn cụ thể như: Điều kiện tài sản được sử dụng để liên doanh, liên kết; hình thức LDLK; cơ chế góp vốn LDLK; phương án tài chính; xác định giá trị thương hiệu; phân chia kết quả; xử lý tài sản khi kết thúc LDLK...
Hai là, chưa có quy định về phân cấp thẩm quyền phê duyệt đề án LDLK. Pháp luật về quản lý, sử dụng TSC quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt đề án sử dụng TSC để LDLK và không có quy định cho phép phân cấp thẩm quyền quyết định. Do đó, các đon vị nếu không được phân cấp thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng TSC để LDLK, (nhất là đối với các ĐVSN YTCL tự chủ toàn bộ) sẽ dẫn đến hạn chế trong sử dụng, khai thác có hiệu quả TSC.
Ba là, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm trong thực hiện đề án và kiểm tra, giám sát, chế tài xử lý vi phạm trong việc thực hiện đề án sử dụng TSC để LDLK. Các quy định tại Luật Quản lý sử dụng TSC và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP hiện nay chỉ quy định việc sử dụng TSC để LDLK phải được các cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện theo đề án thì hiện chưa có quy định cụ thể.
Bốn là, năng lực của đội ngũ cán bộ, bộ phận được giao quản lý TSC vào mục đích LDLK; theo dõi hạch toán kế toán, tài chính còn nhiều hạn chế, không được thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật những quy định pháp luật có liên quan. Cán bộ của các ĐVSN công lập hiện chủ yếu thực hiện quản lý tài sản như cơ quan nhà nước, các nghiệp vụ phát sinh không nhiều và đơn giản. Tuy nhiên, khi thực hiện LDLK, nhiều cán bộ chưa lường hết sự phức tạp khi khai thác tài sản theo cơ chế thị trường; Chưa có kinh nghiệm ứng phó với mặt trái của cơ chế thị trường, dẫn đến phần thua thiệt thuộc về Nhà nước.
Năm là, chưa công khai, minh bạch trong việc sử dụng TSC để LDLK. Công tác kiểm tra, giám sát, công khai hóa, minh bạch hóa việc thực hiện Đề án sử dụng TSC của các ĐVSN YTCL để LDLK chưa được quan tâm đúng mức, đôi lúc còn nặng tính hình thức; không có sự tham gia của cơ quan BHYT. Việc thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến hạn chế trong xử lý những vấn đề phát sinh để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo việc sử dụng TSC để LDLK theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mặc dù, không thuộc việc sử dụng TSC, nhưng cũng góp phần gây ra các tồn tại, hạn chế khi sử dụng TSC để LDLK. Đó là chế độ tiền lương của bác sỹ, cán bộ y tế còn chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, do vậy tại các bệnh viện lớn, có sử dụng tài sản để LDLK, y bác sỹ thường có xu hướng lạm dụng các kỹ thuật, máy móc trong đó có máy móc liên doanh) để kê đơn khám bệnh. Điều này cũng làm ảnh hưởng uy tín và kết quả trong việc sử dụng TSC để LDLK...
Hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản công để liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập
Từ thực trạng trên, bài viết đề xuất một số nhóm giải pháp góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý TSC để LDLK tại các ĐVSN YTCL như sau:
Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng TSC để LDLK tại các ĐVSN YTCL
Cần ban hành mới các cơ chế chính sách đẩy mạnh xã hội hoá, đẩy mạnh sử dụng tài sản để LDLK, nâng cao hiệu quả của TSC, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển hệ thống y tế, nhất là các bệnh viện. Trong đó, quy định rõ các nội dung phù hợp với lĩnh vực y tế như:
- Về điều kiện được sử dụng TSC để LDLK: Tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng TSC quy định ĐVSN công lập được sử dụng TSC để LDLK với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước trong các trường hợp sau đây: (i) Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất; (ii) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động LDLK kết mà không do NSNN đầu tư; (iii) Việc sử dụng tài sản để LDLK đem lại hiệu quả cao hơn trong cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đối với các ĐVSN YTCL, cần cụ thể hóa tiêu chí, lượng hóa được thế nào là “chưa sử dụng hết công suất” và thế nào là “đem lại hiệu quả cao hơn” tương ứng với từng loại tài sản để làm cơ sở lựa chọn, xây dựng đề án sử dụng TSC vào mục đích LDLK.
- Về mục đích sử dụng tài sản công để LDLK: Cần thể chế hóa, quy định rõ mục đích của việc sử dụng TSC để LDLK trong các ĐVSN công lập y tế là để nâng cao chất lượng KCB và CSSK nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao; hay là để cung cấp dịch vụ KCB theo yêu cầu (phục vụ đối tượng tự nguyện); hay là kết hợp cả 2 mục đích này. Quy định này nhằm hạn chế việc lợi dụng, lạm dụng TSC, tránh tình trạng các ĐVSN y tế công lập chỉ quan tâm đến KCB theo yêu cầu để tăng thu nhập mà không quan tâm nhiều đến nâng cao chất lượng KCB cho các đối tượng BHYT.
- Về tài sản để LDLK: Theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC, tài sản để LDLK tại ĐVSN y tế công lập ngoài các máy móc, thiết bị, phương tiện… còn có thể bao gồm: giá trị thương hiệu, giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) và giá trị các tài sản trên đất sử dụng để lắp đặt trang thiết bị LDLK, giá trị các trang thiết bị của đơn vị sử dụng cùng với trang thiết bị dự kiến mời LDLK. Tuy nhiên, đối với trường hợp mời đối tác tham gia LDLK bằng trang thiết bị thì phải đề cập cụ thể các yêu cầu về cấu hình, tính năng kỹ thuật, xuất xứ và dự kiến giá của từng loại thiết bị; yêu cầu về kiểm định, chất lượng trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, dịch vụ. Theo đó, trường hợp mời đối tác tham gia góp vốn bằng trang thiết bị y tế mới 100%; cần phải có chứng thư giám định hàng hoá về: tình trạng, chủng loại, xuất xứ, nước sản xuất, năm sản xuất, quy cách, phẩm chất. Việc xác định giá trị thiết bị do đơn vị và các bên tham gia quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Về hình thức LDLK: Cần quy định cụ thể về áp dụng các hình thức LDLK. Trong đó, hình thức LDLK không thành lập pháp nhân mới, các bên sử dụng tài sản của mình để thực hiện LDLK và tự quản lý, sử dụng tài sản, tự bảo đảm các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động được áp dụng đối với việc LDLK “đặt máy”, những tài sản không gắn liền với đất đai, trụ sở. Máy móc của đối tác đóng góp vào liên doanh. Những tài sản này sau LDLK có thể tháo rời và dễ xử lý khi LDLK.
Đối với hình thức LDLK không thành lập pháp nhân mới, các bên tham gia LDLK cùng góp tài sản hoặc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích LDLK; các tài sản này được các bên tham gia LDLK cùng kiểm soát việc quản lý, sử dụng được áp dụng đối với việc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc phục vụ cho liên doanh.
Đối với hình thức LDLK thành lập pháp nhân mới, các bên tham gia LDLK cùng góp tài sản hoặc góp vốn đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích LDLK chỉ áp dụng đối với các đề án LDLK để hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo yêu cầu. Trong đề án phải nêu rõ sự cần thiết phải thành lập pháp nhân mới. Mô hình tổ chức quản lý của pháp nhân mới là ĐVSN tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư thuộc đơn vị. Pháp nhân mới có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và hợp đồng LDLK. Thời gian hoạt động của pháp nhân mới được xác định trên cơ sở thời gian hoàn vốn của các bên tham gia LDLK và hợp đồng LDLK. Trường hợp LDLK để đầu tư công trình hạ tầng trên đất của đơn vị, QSDĐ vẫn thuộc đơn vị; hết thời gian LDLK kết thì tài sản trên đất thuộc về đơn vị, đơn vị làm thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật.
- Về phương án tài chính: Cần quy định cụ thể đơn vị căn cứ vào dự báo số lượng dịch vụ, mức giá dịch vụ, giá trị góp vốn, giá trị tài sản dự kiến của đề án để xây dựng phương án tài chính, gồm tổng số thu, tổng số chi, chênh lệnh thu, chi; căn cứ dự kiến về giá trị góp vốn, tài sản, mức độ tham gia của các bên để dự kiến phương án phân chia thu nhập trong đề án để mời và lựa chọn đối tác.
- Về xác định giá trị thương hiệu: Giá trị thương hiệu của đơn vị để góp vốn LDLK được xác định theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan; Được xác định bằng tiền và tính là vốn góp của đơn vị trong tổng giá trị của hợp đồng LDLK và được tính “khấu hao” vào chi phí của dịch vụ, chi phí hoạt động của LDLK tương ứng với thời gian của hợp đồng LDLK. Đồng thời, nghiên cứu quy định về tỷ lệ (mức tối thiểu) của giá trị thương hiệu của các bệnh viện khi mang đi góp vốn vào LDLK.
- Về xác định giá trị QSDĐ, giá trị tài sản gắn liền với đất góp vốn LDLK: Đối với tài sản là QSDĐ đủ điều kiện góp vốn theo quy định của pháp luật về đất đai, giá trị QSDĐ được xác định theo giá thị trường tại thời điểm góp vốn LDLK. Đối với tài sản gắn liền với đất đủ điều kiện góp vốn theo quy định của pháp luật, giá trị tài sản được xác định phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại tại thời điểm góp vốn LDLK. Trường hợp sử dụng tài sản gắn liền với đất để kinh doanh, cho thuê, LDLK thì phải nộp tiền thuê đất tương ứng với thời gian sử dụng, tỷ lệ diện tích nhà, công trình sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, LDLK theo quy định của pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ thời điểm có quyết định sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh hoặc kể từ thời điểm ký hợp đồng cho thuê, hợp đồng LDLK.
Trường hợp ĐVSN công lập được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, nhận chuyển nhượng QSDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai mà tiền thuê đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng QSDĐ đã trả bằng tiền không có nguồn gốc từ NSNN được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xác nhận thì được phép sử dụng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, LDLK theo quy định...
- Về phân chia kết quả: Về nguyên tắc, việc phân chia kết quả LDLK trên cơ sở xác định tỷ lệ vốn góp của các bên. Tuy nhiên, đối với hình thức LDLK không thành lập pháp nhân mới, các bên sử dụng tài sản của mình để thực hiện LDLK và tự quản lý, sử dụng tài sản thì chưa có quy định cụ thể về cơ sở xác định, phân chia kết quả LDLK, điều này dẫn đến sự thiếu minh bạch, tiềm ẩn rủi ro, có nguy cơ phát sinh tham nhũng, trục lợi trong quá trình thực hiện. Do vậy, cần có quy định cụ thể về cơ sở xác định đối với trường hợp không thành lập pháp nhân mới này.
- Về thẩm quyền phê duyệt đề án: Theo quy định của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP thì đối với đề án sử dụng tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp của ĐVSN công lập thuộc trung ương quản lý để LDLK mà có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 tỷ đồng trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước khi phê duyệt. Để minh bạch, thuận lợi khi sử dụng cơ sở hoạt động sự nghiệp để LDLK cần quy định rõ việc xác định “hạn mức” 500 tỷ đồng của cơ sở hoạt động sự nghiệp sử dụng vào LDLK cần xác định trên cơ sở tài sản mang góp vốn là gì; trường hợp chỉ góp phần tài sản trên đất thì chỉ xác định nguyên giá của tài sản trên đất; hoặc trường hợp góp một phần cơ sở nhà, đất (một phần nhà và một phần đất) thì tính giá trị tài sản một phần nhà và một phần đất để xác định “hạn mức” 500 tỷ đồng để phù hợp với tính chất tài sản mang góp vốn.
Ngoài ra, cần phân cấp thẩm quyền mạnh hơn cho ĐVSN công lập y tế theo mức độ tự chủ kết hợp với giá trị tài sản. Như với ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư và ĐVSN công lập y tế tự đảm bảo chi thường xuyên, thủ trưởng đơn vị được quyết định phê duyệt việc sử dụng TSC vào mục đích LDLK với những tài sản có giá trị dưới 500 triệu đồng/đơn vị tài sản. Đối với ĐVSN y tế công lập còn lại (chỉ tự chủ một phần chi thường xuyên hoặc chưa tự chủ) thì đơn vị vẫn có quyền được quyết định phê duyệt việc sử dụng TSC vào mục đích LDLK với những tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng/đơn vị tài sản. Có như vậy mới tạo được tính chủ động cho cơ quan, ĐVSN y tế công lập khai thác tài sản có hiệu quả.
Tổ chức thực hiện
- Về tổ chức lựa chọn đối tác LDLK: Trên cơ sở đề án sử dụng TSC để LDLK đã được cáp có thẩm quyền phê duyệt, ĐVSN y tế phải xây dựng tiêu chí lựa chọn đối tác tham gia LDLK. Tiêu chí này phải được thống nhất trong cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, tổ chức công đoàn và phải được thủ trưởng đơn vị phê duyệt, chịu trách nhiệm, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa đơn vị, người sử dụng dịch vụ và đối tác. Việc lựa chọn đối tác phải được thông báo công khai trên: Trang thông tin điện tử của đơn vị; Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế; Trang thông tin điện tử về TSC của Bộ Tài chính...
Sau khi lựa chọn được đối tác tham gia LDLK theo quy định. Các đơn vị có trách nhiệm phối hợp với các bên tham gia LDLK: xây dựng và phê duyệt phương án liên doanh, liên kết; xây dựng, thương thảo và ký hợp đồng LDLK; xây dựng và quyết định mức giá của các dịch vụ theo đề án LDLK được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện việc LDLK theo quy định của pháp luật.
- Về trách nhiệm tổ chức thực hiện đề án: Cần quy định cụ thể trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị, các phòng, ban, bộ phận trong việc tổ chức thực hiện Đề án, trong đó, thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về việc sử dụng TSC vào mục đích LDLK nói chung và việc thực hiện đề án LDLK đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Về công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đề án: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các sai phạm trong việc sử dụng TSC để LDLK tại các ĐVSN YTCL. Theo đó, trường hợp thực hiện không theo đề án; không chú trọng vào nhiệm vụ chính trị như đã cam kết thì cơ quan chức năng sẽ buộc chấm dứt hoạt động LDLK và xử lý trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt đề án, cá nhân, tổ chức thực hiện đề án. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc trích khấu hao tài sản, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, việc hạch toán, quản lý và sử dụng tiền thu được từ LDLK. Xử lý, dứt điểm, nghiêm minh các sai phạm trong sử dụng TSC để LDLK...
- Về công khai, minh bạch việc thực hiện đề án: Cần có cơ chế công khai việc sử dụng TSC để LDLK tại các đơn vị một cách cụ thể và thực chất hơn. Nội dung công khai: Công khai việc quản lý, sử dụng tài sản và nội dung đề án sử dụng TSC để LDLK. Niêm yết công khai danh mục và mức giá của các dịch vụ từ các hoạt động LDLK, dịch vụ theo yêu cầu tại đơn vị, trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị để người dân biết, lựa chọn... Tất cả nội dung công khai trên đều được đăng tải trên trang thông tin điện tử về quản lý TSC của Bộ Tài chính và của bộ, ngành, địa phương. TSC sử dụng vào mục đích LDLK phải được kê khai, báo cáo trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC về số lượng, giá trị tài sản, thời gian sử cho thuê, LDLK...
- Về nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ: Thường xuyên quan tâm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính kế toán, quản lý TSC tại đơn vị. Tạo điều kiện để các cán bộ này tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng các chính sách, chế độ mới về quản lý tài chính kế toán, tài sản, nhất là các văn bản mới liên quan đến cơ chế quản lý tài sản và tự chủ tài chính...
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017;
2. Chính phủ, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
3. Chính phủ, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
4. Báo Đấu thầu, “Vì sao TP. Hồ Chí Minh rà soát hợp đồng liên doanh liên kết thiết bị y tế”.
* Phạm Minh Hóa, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.