Hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế
Theo ông Nguyễn Quang Tiến - Phó trưởng Ban thường trực Ban cải cách và Hiện đại hoá (Tổng cục Thuế), từ nay đến năm 2030, hệ thống thuế được cải cách toàn diện cả về chính sách thuế và quản lý thuế. Trong đó, hệ thống chính sách thuế được hoàn thiện đồng bộ phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 508/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Chiến lược đặt mục tiêu, hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030
Theo đó, về quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước (NSNN) từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và 2026 - 2030, trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
Chiến lược cũng tập trung hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam, trọng tâm là thể chế quản lý thuế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin. Đến năm 2025, mức độ hài lòng của người nộp thuế với sự phục vụ của cơ quan thuế đạt tối thiểu 90%; tỷ lệ hỗ trợ người nộp thuế được thực hiện qua phương thức điện tử đạt tối thiểu 70%...
Theo ông Nguyễn Quang Tiến - Phó trưởng Ban thường trực Ban cải cách và Hiện đại hoá (Tổng cục Thuế), từ nay đến năm 2030, hệ thống thuế được cải cách toàn diện cả về chính sách thuế và quản lý thuế. Trong đó, hệ thống chính sách thuế được hoàn thiện đồng bộ phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế.
Cụ thể, về quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, đến năm 2025, tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 13-14% GDP; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN đạt khoảng 85-86%.
Các chỉ tiêu này vào năm 2030 sẽ là 16-17% GDP đối với tỷ lệ huy động vào NSNN, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 14-15% GDP; 86-87% đối với tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN.
Để thực hiện những mục tiêu đề ra, ngành Thuế sẽ nghiên cứu, đề xuất các nội dung cải cách chính sách đối với thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế bảo vệ môi trường, các khoản phí, lệ phí và thu khác thuộc NSNN.
Những cải cách chính sách này nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế để đảm bảo nguồn lực tài chính chủ yếu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước; đồng thời, có mức động viên hợp lý các nguồn lực cho ngân sách, góp phần thiết lập môi trường kinh tế theo hướng mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính công bằng, trung lập của chính sách thuế.
Cùng với đó, hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế, trọng tâm là thể chế quản lý thuế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin. Theo định hướng này, đến năm 2025, mức độ hài lòng của người nộp thuế với sự phục vụ của cơ quan thuế đạt tối thiểu 90%, năm 2030 là 95%; tỷ lệ hỗ trợ người nộp thuế được thực hiện qua phương thức điện tử đạt tối thiểu 70%, năm 2030 là 90%; tỷ lệ hồ sơ đăng ký thuế được cơ quan thuế giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ nhận được đạt tối thiểu 80%, năm 2030 là 90%; tỷ lệ khai, nộp, hoàn, miễn, giảm thuế bằng phương thức điện tử của người nộp thuế là DN, tổ chức đạt tối thiểu 98%, của cá nhân đạt tối thiểu 85%, năm 2030 tương ứng là 98% và 90%.
Song song với đó, ngành Thuế sẽ hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam, trọng tâm là thể chế quản lý, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin.
Trước mắt trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, để đạt được mục tiêu của cả giai đoạn Chiến lược đến năm 2030 thì ngành Thuế phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung và đáp ứng 100% nhu cầu về thu thập, xử lý, lưu trữ, khai thác dữ liệu cho công tác quản lý thuế và chỉ đạo điều hành của cơ quan thuế, cung cấp dịch vụ điện tử cho người nộp thuế; 100% thông tin về khai thuế, nộp thuế điện tử được xử lý trong 24 giờ; 100% số tiền nộp thuế điện tử được hạch toán theo thời gian thực nộp; 100% người nộp thuế được cấp tài khoản tra cứu nghĩa vụ thuế và nộp thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động thông minh.
Nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, Tổng cục Thuế sẽ triển khai xây dựng và trình Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 và các đề án triển khai thực hiện Chiến lược. Đây là căn cứ để ngành Thuế triển khai các hoạt động theo từng lĩnh vực công tác quản lý thuế, theo lộ trình hàng năm, đảm bảo từng bước đạt mục tiêu đã đề ra.
Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến Chiến lược tới toàn thể cán bộ, công chức ngành thuế để tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao, đảm bảo cho việc thực hiện thành công. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền nội dung chiến lược đối với bên ngoài ngành Thuế nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, thông qua đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ và phối hợp của các cấp, ngành trong thực hiện mục tiêu của chiến lược.
Đồng thời, ngành Thuế sẽ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược tại các cấp cơ quan thuế để hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các giải pháp đã đề ra, đảm bảo sự thống nhất, thông suốt trong toàn ngành thuế; theo dõi, đánh giá kết quả kế hoạch thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế từng năm, từng giai đoạn; tham mưu, đề xuất ý kiến trong quá trình thực hiện.
Cơ quan Thuế cũng sẽ xây dựng hệ thống các chỉ số và phương pháp đánh giá hiệu quả hoạt động để đánh giá, giám sát kết quả thực hiện kế hoạch cải cách hệ thống thuế định kỳ hàng năm và theo từng giai đoạn (5 năm, 10 năm). Kết quả đánh giá còn phục vụ cho việc huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu ưu tiên hoặc trong trường hợp có các yếu tố biến động lớn sẽ trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh mục tiêu chiến lược cho phù hợp điều kiện thực tế thực hiện.