Hoàn thiện hành lang pháp lý về bancassurance ở Việt Nam hiện nay
Bài viết phân tích hành lang pháp lý về bancassurance ở Việt Nam hiện nay và đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực hoạt động này.
Hiện nay, về cơ bản, nhiều nhà nghiên cứu thống nhất rằng, bancassurance là hoạt động phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng. Bancassurance đã xuất hiện cách đây từ rất lâu trên thế giới, tuy nhiên mới chính thức ra mắt ở Việt Nam từ năm 2001 bằng việc ký thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam với Ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải (HSBC).
Đến nay, hoạt động bancassurance ở Việt Nam không ngừng phát triển và mang lại những lợi ích nhất định cho các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại và khách hàng mua bảo hiểm.
Quy định pháp luật đối với hoạt động bancassurance ở Việt Nam
Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng và kinh doanh bảo hiểm và ngày càng được hoàn thiện theo hướng phù hợp với điều kiện hoạt động thực tiễn của các DN. Có thể kể đến như: Luật Các TCTD năm 2010, Luật sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD năm 2017; Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010; Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; Thông tư số 50/2017/TT-BTC ngày 15/05/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP… Những văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng về bancassurance ở Việt Nam tạo sự thông thoáng, thuận tiện, tạo đà cho hoạt động này ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cụ thể:
Thứ nhất, mở rộng quyền tự do kinh doanh, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh của ngân hàng thương mại trong việc tham gia thị trường tài chính.
Cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 103 Luật Các TCTD năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, các NHTM phải thành lập, mua lại công ty con hoặc công ty liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bên cạnh đó, NHTM được phép góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp (DN) bảo hiểm (Điểm a, Khoản 4 Điều 103 Luật các TCTD). Tiếp đến là các quy định tại Điều 106 Luật Các TCTD; Điểm đ, Khoản 1 Điều 6; Điểm b, Khoản 1 Điều 7; Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP; Thông tư Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 02/07/2014 của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho DN bảo hiểm nhân thọ. Các quy định trên là phù hợp với các cam kết mở cửa thị trường tài chính, ngân hàng mà chúng ta đã ký kết.
Thứ hai, hành lang pháp lý là phù hợp với thông lệ, kinh nghiệm quốc tế về bancassurance.
Tại châu Âu, hoạt động bancassurance đạt được những kết quả đáng khích lệ với hơn 60% doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng như: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp. Tại châu Á, hoạt động bancassurance ra đời muộn hơn nhưng cũng đã đạt được những kết quả khả quan, với số thu phí bảo hiểm chiếm tới 13% tổng phí bảo hiểm nhân thọ như: Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông. Do bancassurance đem lại lợi ích cho NHTM, DN bảo hiểm, khách hàng nên ở một số quốc gia như Hồng Kông, Singapore không có quy định giới hạn về hoạt động của bancassurance…
Ở Việt Nam, hàng lang pháp lý cho phép NHTM được tham gia vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm được quy định trong Luật Các TCTD, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành. Về cơ bản, theo các quy định của pháp luật hiện hành, các NHTM tham gia vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo các mô hình sau:
Thỏa thuận phân phối (đại lý phân phối và mô hình liên minh chiến lược): Về bản chất, đây là mô hình mà NHTM sẽ trở thành đại lý phân phối các sản phẩm bảo hiểm cho DN bảo hiểm. Hoạt động đại lý được tiến hành dựa trên hợp đồng đại lý. Trong mô hình này, một DN bảo hiểm có thể ký hợp đồng đại lý với nhiều NHTM và ngược lại. NHTM được phép tham gia vào mô hình này theo căn cứ pháp lý tại Điều 106 Luật Các TCTD; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 02/07/2014 của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho DN bảo hiểm nhân thọ.
Liên doanh (hợp tác kinh doanh): Trong mô hình này, DN bảo hiểm và NHTM cùng góp vốn để tạo ra một pháp nhân thứ ba kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm. Pháp nhân thứ ba này chính là một DN bảo hiểm. Sau khi được thành lập, DN bảo hiểm sẽ thiết lập một thỏa thuận phân phối với chính NHTM đã thành lập ra nó để NHTM cung cấp các sản phẩm bảo hiểm.
Sở hữu đơn nhất (độc quyền): Là mô hình mà một NHTM mua toàn bộ DN bảo hiểm hoặc thành lập một DN bảo hiểm; hoặc một DN bảo hiểm thành lập một NHTM. Hiểu theo nghĩa khác, một NHTM sở hữu 100% vốn của DN bảo hiểm và ngược lại một DN bảo hiểm sở hữu 100% vốn của một NHTM. NHTM được phép tham gia vào hai mô hình này theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 103 Luật Các TCTD năm 2010 (sửa đổi, bổ sung 2017), Theo đó, các NHTM phải thành lập, mua lại công ty con hoặc công ty liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bên cạnh đó, NHTM còn được phép góp vốn, mua cổ phần của DN bảo hiểm (Điểm a, Khoản 4 Điều 103 Luật Các TCTD). Việc quy định các mô hình để NHTM tham gia vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm là phù hợp với các nước trong khu vực và trên thế giới, giúp cho NHTM có thêm những phương thức kinh doanh mới, tăng lợi nhuận.
Thứ ba, quy định hoạt động bancassurance chỉ dành cho bảo hiểm nhân thọ là phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.
NHTM có thể tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hoặc phi nhân thọ. Theo quy định, chủ yếu các NHTM tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, việc quy định này là phù hợp với thực tiễn hoạt động và đặc điểm riêng có của bảo hiểm nhân thọ, cụ thể:
(1) Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm bảo hiểm của ngân hàng có thể bổ trợ cho nhau khi cùng cung cấp trên một cơ sở khách hàng (của NHTM). Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dễ bán cho khách hàng hơn, vì liên quan đến sự sống và cái chết của người mua bảo hiểm, nhằm đảm bảo nếu khách hàng không may xảy ra sự kiện bảo hiểm (chết) thì các khoản nợ mà khách hàng vay vẫn được hoàn trả đầy đủ bởi DN bảo hiểm;
(2) Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là hợp đồng dài hạn do vậy muốn ký loại hợp đồng này thì người mua bảo hiểm phải thực sự tin tưởng vào bên bán bảo hiểm. Nếu để các NHTM cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thì sẽ tận dụng được sự tin tưởng này;
(3) Vì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là dài hạn nên thông thường bên bán bảo hiểm phải hiểu rõ về năng lực tài chính, các nhu cầu của bên mua bảo hiểm. Nếu trường hợp đó là khách hàng của NHTM thì các NHTM đã nắm rõ về những vấn đề này, do vậy, việc giao kết hợp đồng sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Hạn chế, vướng mắc trong thực thi các quy định về bancassurance
Mặc dù, hàng lang pháp lý về bancassurance hoàn thiện, tuy nhiên, trong quá trình triển khai trên thực tế vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc sau:
Thứ nhất, xác định lại vai trò của NHTM là người trực tiếp tiến hành hành vi kinh doanh bảo hiểm hay là người quản lý chi phối phần vốn góp, cổ phần trong DN bảo hiểm. NHTM ở Việt Nam được phép góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại Khoản 4 Điều 103 với mức giới hạn quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 129 Luật Các TCTD. Sau khi góp vốn, NHTM sẽ trở thành thành viên, cổ đông trong DN bảo hiểm, vậy DN bảo hiểm hay là NHTM sẽ là người tiến hành hành vi cung cấp các sản phẩm bảo hiểm. Cần phải xác định rõ vai trò của DN bảo hiểm và NHTM trong trường hợp này nên để NHTM giữ vai trò là người hỗ trợ, là NHTM trực tiếp tham gia vào các hoạt động cung cấp sản phẩm bảo hiểm.
Thứ hai, theo quy định tại Khoản 5 Điều 103 Luật Các TCTD, việc thành lập, mua lại công ty con, góp vốn, mua cổ phần trong lĩnh vực bảo hiểm phải được sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, khi DN bảo hiểm nhận góp vốn, bán cổ phần từ các NHTM thì không đặt ra yêu cầu phải bảo cáo và được sự phê chuẩn trước từ cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm.
Thứ ba, khi NHTM làm đại lý cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho DN bảo hiểm, nếu có hành vi cố tình ép buộc, lừa dối khách hàng nhằm giao kết hợp đồng thì hợp đồng này sẽ không có hiệu lực. Theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN; Điều 88 và Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì trong trường hợp này, có thể NHTM sẽ phải chịu trách nhiệm về những phí tổn do hành vi của mình dẫn tới hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu. Tuy nhiên, vấn đề là lợi ích của khách hàng trong trường hợp này ai sẽ là người chịu trách nhiệm, đặc biệt là sau khi hợp đồng này bị tuyên bố vô hiệu mà sự kiện bảo hiểm được thỏa thuận trong hợp đồng xảy ra thì NHTM có phải chịu trách nhiệm không? Về phía DN bảo hiểm thì sẽ không chịu trách nhiệm, vì hợp đồng vô hiệu, còn trách nhiệm của NHTM thì hiện nay chưa có quy định về vấn đề này.
Giải pháp hoàn thiện hàng lang pháp lý về bancassurance ở Việt Nam hiện nay
Để hoàn thiện hành lang pháp lý về bancassurance ở Việt Nam, cần phải có các giải pháp, định hướng mang tính đồng bộ, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, xác định lại vai trò của NHTM trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm khi NHTM góp vốn, mua cổ phần theo hướng NHTM trực tiếp tiến hành các hành vi kinh doanh bảo hiểm. Bởi vì, bản chất của hoạt động bancassurance là cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng. NHTM sẽ tận dụng cơ sở khách hàng vốn cố của mình để cung cấp các sản phẩm này; đồng thời, NHTM có một mạng lưới các chi nhánh rộng khắp cả nước cho nên việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm dễ dàng và hiệu quả hơn các kênh phân phối bảo hiểm truyền thống.
Thứ hai, bổ sung quy định yêu cầu đối với các DN bảo hiểm khi nhận góp vốn, bán cổ phần cho các NHTM thì cần báo cho Bộ Tài chính biết trước về vấn đề này. Tuy nhiên, không cần sự phê chuẩn như đối với NHTM để thúc đẩy nhanh sự hợp tác giữa NHTM và DN bảo hiểm.
Thứ ba, bổ sung quy định về trách nhiệm của NHTM trong trường hợp ép buộc, lừa dối khách hàng khi giao kết hợp đồng, dẫn tới hợp đồng bị vô hiệu, NHTM ngoài chịu trách nhiệm theo hợp đồng đại lý với DN bảo hiểm, thì NHTM còn phải chịu trách nhiệm cho những chi phí, phí tổn trong thời gian còn lại của hợp đồng mà đáng lẽ ra người mua bảo hiểm được hưởng, nếu hợp đồng bảo hiểm không vô hiệu. Bên cạnh đó, cần quy định một mức bồi thường cụ thể, vì hành vi của NHTM dẫn tới hợp đồng vô hiệu nhưng mà người mua bảo hiểm lại không được trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (đã thỏa thuận trong hợp đồng), nhưng vì hợp đồng đã vô hiệu nên người mua bảo hiểm không được hưởng khoản tiền bảo hiểm này.
Thứ tư, bổ sung các quy định về xử phạt đại lý bảo hiểm (là các NHTM) trong trường hợp NHTM trực tiếp gây ra thiệt hại và làm ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, lợi ích của người mua bảo hiểm và DN bảo hiểm.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010;
- Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017;
- Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm;
- Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 02/07/2014 của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho DN bảo hiểm nhân thọ;
- Lương Xuân Trường, Bancassurance - Cách thức kết hợp các dịch vụ tài chính “một cửa” hiệu quả, Webbaohiem.net.