Hoàn thiện khung pháp lý thu hồi tài sản tham nhũng

Theo Song Hà/daibieunhandan.vn

Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn có những hạn chế - Đó là nhận định của Nhóm nghiên cứu khi cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 tại phiên họp Thường trực mở rộng của Ủy ban Tư pháp mới đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: 123rf.com
Ảnh minh họa. Nguồn: 123rf.com

Đây không phải lần đầu tiên, nhận định này được đưa ra. Dường như, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là một gam màu “kém sáng” trong bức tranh tổng thể về công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta trong nhiều năm qua.

Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 của Chính phủ cho thấy, về thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng thì số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.047 việc, với tổng số tiền, giá trị tài sản là trên 33.234,8 tỷ đồng; đã thi hành xong 1.745 việc, với số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được là 2.008,1 tỷ đồng.

Rõ ràng, nhìn vào số tài sản tham nhũng được thu hồi so với số tài sản tham nhũng phải thu hồi trong năm 2021 quả là một con số quá “khiêm tốn”.

Nếu như nhìn ngược lại kết quả thu hồi tài sản tham nhũng của những năm về trước cũng cho thấy, công tác này gặp rất nhiều khó khăn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đã từng nhận định: Dù thu hồi tài sản tham nhũng đã có nhiều tiến bộ qua từng năm, song đây “vẫn là vấn đề nan giải”.

Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV cũng cho thấy, số tiền thu được là 15.017,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 43,42% số có khả năng thi hành. Như vậy, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của năm 2020 vẫn chưa chạm được đến con số 50%. Điều này cho thấy, vẫn còn hơn nửa số tài sản do tham nhũng vẫn đang còn “lửng lơ” ở đâu đó, chưa có khả năng thu hồi.

Mục đích của việc xử lý án tham nhũng, ngoài việc giáo dục, răn đe các đối tượng vi phạm, điều quan trọng là thu hồi ở mức tối đa số tài sản tham nhũng về cho Nhà nước. Đó cũng chính là lý do mà Khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định không thi hành án tử hình nếu người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ. 

Có thể nói, quy định pháp lý rất nhân văn này vừa bảo đảm tính răn đe nhưng vừa bảo đảm mục đích thu hồi tài sản tham nhũng ở mức cao nhất. Tuy vậy, không phải vụ án nào đối tượng phạm tội cũng sẵn sàng thu nộp tài sản tham nhũng.

Thậm chí, có những trường hợp, khi thi hành án, đối tượng không còn tài sản để thi hành bởi tài sản đã bị tẩu tán trước khi xét xử. Do vậy để ngăn chặn tình trạng này, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý thu hồi tài sản không thông qua bản án hình sự.

Liên quan đến vấn đề này, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội.

Nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế…

Bản án hình sự nghiêm khắc là cần thiết, nhưng chỉ nên xem đó là biện pháp cuối cùng. Chỉ thị của Ban Bí thư đã có, do đó, Chính phủ, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý, trong đó trao thêm quyền cho các lực lượng thanh tra, kiểm toán áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. “Khoảng trống” pháp lý này được hoàn thiện, cùng với quy định xử lý tội phạm tham nhũng hiện hành, tin rằng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng sẽ không còn khiêm tốn ở mỗi kỳ báo cáo.