Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách về tiền tệ

PV.

Tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm trong việc cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, Đề án đề ra 3 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng

Đề án nêu rõ, NHNN Việt Nam làm đầu mối nghiên cứu tham mưu trình Chính phủ ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD và các luật liên quan theo hướng quy định cụ thể để đảm bảo tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý các TCTD yếu kém; bổ sung các quy định về tăng cường xử lý sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của TCTD…

Bên cạnh đó, NHNN nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các TCTD Việt Nam theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình TCTD, phù hợp với các cam kết quốc tế đã ký kết nhằm tạo nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị của nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý TCTD yếu kém.

NHNN cũng cần rà soát, bổ sung các quy định về đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, cấp phép, thanh tra, giám sát và xử lý sau thanh tra, giám sát.

Nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành của TCTD

Cụ thể, các TCTD tập trung triển khai một số hoặc tất cả các giải pháp sau nhằm nâng cao năng lực tài chính và chất lượng tín dụng, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành và khả năng cạnh tranh trong giai đoạn 2016-2020.

Thứ nhất, nâng cao năng lực tài chính và chất lượng tín dụng. Đề án yêu cầu các TCTD tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có để đảm bảo mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật và đáp ứng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế.

Theo đó, xây dựng và triển khai lộ trình tăng vốn tự có của TCTD từ các nguồn: Phát hành cổ phiếu bổ sung, tăng vốn góp từ các cổ đông chiến lược trong và ngoài nước; Tăng vốn từ nguồn cổ tức hàng năm hoặc từ nguồn thặng dư phát hành, lợi nhuận để lại; Phát hành trái phiếu chuyển đổi, công cụ nợ dài hạn để tạo dựng nguồn vốn ổn định; Một số TCTD có uy tín lớn có thể lựa chọn giải pháp niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế. Mục tiêu đến cuối năm 2020 các NHTM phải đảm bảo mức vốn tự có theo chuẩn mực vốn Basel II (theo phương pháp tiêu chuẩn).

Về kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản, Đề án yêu cầu các TCTD tích cực chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu như đôn đốc thu hồi nợ; bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm; khởi kiện khách hàng vay; sử dụng dự phòng rủi ro; có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho khách hàng khắc phục khó khăn và phát triển SXKD… Bên cạnh đó đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, đặc biệt là với VAMC; xây dựng triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh mới và nâng cao chất lượng tín dụng.

Thứ hai, chuyển đổi mô hình kinh doanh của TCTD từ lệ thuộc hoạt động tín dụng sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ.

Thứ ba, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của TCTD.

Tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng

Đề án nêu rõ, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường phối hợp công tác, chia sẻ thông tin giữa NHNN Việt Nam với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, giám sát.

Bên cạnh đó, nâng cao khả năng cảnh báo sớm của NHNN Việt Nam đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành Ngân hàng của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đổi mới công tác giám sát theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô trên cơ sở triển khai các công cụ, phương pháp giám sát rủi ro mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Công tác giám sát phải gắn chặt với công tác thanh tra, cấp phép và ban hành chế độ, chính sách.

Đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra toàn diện, pháp nhân tổ chức tín dụng, phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng; kết hợp thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật với thanh tra, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng, tiến tới áp dụng phương pháp thanh tra, giám sát dựa trên cơ sở rủi ro theo các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.