Hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ

TS. Nguyễn Thị Thúy Hồng, Đồng Mỹ Hằng, Nguyễn Quỳnh Anh, Vũ Nguyệt Nga, Nguyễn Anh Thư - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 26/11/2013, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014. Qua gần 10 năm thực hiện Luật, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhìn chung đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và Nhân dân trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn việc thực hiện Luật cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập nhất định trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; do đó, cần phải nghiên cứu sửa đổi để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực trạng ban hành, thực hiện định mức,
tiêu chuẩn, chế độ

Theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), định mức, tiêu chuẩn, chế độ được xác định là căn cứ THTK, CLP. Thời gian qua, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tiêu chuẩn, định mức chế độ luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng, chất lượng từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ quốc tế của đất nước.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2021, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 179 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương đã ban hành theo thẩm quyền 5.978 VBQPPL liên quan đến công tác THTK,CLP. Trong năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội 23 dự án luật, dự thảo Nghị quyết; Quốc hội thông qua 18 dự án, dự thảo (12 luật, 06 nghị quyết), cho ý kiến đối với 14 dự án luật và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp tiếp theo. Chính phủ đã tổ chức 08 phiên họp chuyên đề về pháp luật, chính sách, xem xét, cho ý kiến, thông qua 39 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành 38 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; 106 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định quy phạm pháp luật. Theo đó, các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 602 văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương đã ban hành 7.465 VBQPPL liên quan đến tiêu chuẩn, định mức, chế độ mới.

Trong đó, các cấp, các ngành tập trung hơn cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống dịch, tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt, khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn lực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, định mức chế độ trong các lĩnh vực ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ hơn theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 11.858 văn bản liên quan đến tiêu chuẩn, định mức, chế độ mới; sửa đổi, bổ sung 6.053 văn bản. Mức độ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế được nâng lên, đến năm 2020 có khoảng 13.000 tiêu chuẩn Việt Nam, tỷ lệ hài hòa khoảng 60%.

Đáng chú ý là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng từng bước tiếp thu công nghệ tiên tiến trong tất cả các lĩnh vực, nâng cao chất lượng và là chuẩn mực để giải quyết các tranh chấp thương mại, phân định trách nhiệm, là giải pháp kỹ thuật quan trọng cho doanh nghiệp cải tiến công nghệ, đảm bảo chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh; nhiều định mức ban hành đã phản ánh được năng suất lao động trung bình tiên tiến, trình độ phát triển công nghệ trong giai đoạn hiện nay, đồng thời khắc phục được một số bất cập về phạm vi, đối tượng áp dụng của hệ thống định mức để nâng cao hiệu quả quản lý.

Riêng Bộ Xây dựng giai đoạn 2016-2021 đã rà soát 16.005/16.005 định mức do Bộ Xây dựng công bố, loại bỏ khoảng 2.000 định mức quá lạc hậu; sửa đổi 6.500 định mức. Việc hiệu chỉnh trị số định mức một số công tác có khối lượng thi công lớn sử dụng nhân công xây dựng nhiều, như: giảm 5-25% đối với định mức hao phí nhân công và 5-20% định mức hao phí máy và thiết bị thi công; bổ sung 1.500 định mức mới đáp ứng thực tiễn sử dụng và chính sách khuyến khích phát triển công nghệ xây dựng và ứng dụng các loại vật liệu mới, vật liệu xanh, tái chế. Qua kết quả rà soát bổ sung định mức đã góp phần tiết kiệm giá trị dự toán công trình từ 2,5 - 4% tùy theo loại hình công trình.

Các bộ: Quốc phòng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông đã rà soát khoảng 13.500 định mức chuyên ngành, loại bỏ gần 1.400 định mức, sửa đổi hơn 8.200 định mức, giữ nguyên 3.800 định mức, công bố và xây dựng bổ sung khoảng gần 6.000 định mức. Tổng số định mức chuyên ngành các bộ, cơ quan Trung ương sau khi rà soát đã ban hành khoảng 18.000 định mức mới. Một số địa phương đã rà soát và ban hành khoảng 1.000 định mức xây dựng. Về suất vốn đầu tư xây dựng, đã rà soát, kiểm tra, đánh giá 596 suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu công trình; xây dựng và ban hành suất vốn đầu tư 1km đường cao tốc (khoảng 156,5 tỷ đồng/km dài chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).

Đối với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, đã hoàn thành rà soát 44 bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia năm 2016, nghiên cứu rút xuống còn 12 bộ quy chuẩn Việt Nam cốt lõi. Riêng từ năm 2018 đến tháng 6/2022 đã ban hành, sửa đổi 7/12 bộ quy chuẩn quốc gia. Đối với hệ thống tiêu chuẩn đã rà soát 1.595 tiêu chuẩn quốc gia để xây dựng, định hướng hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực xây dựng với danh mục dự kiến khoảng 1.250 Danh mục Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN).

Vướng mắc, bất cập trong ban hành,
thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ

Bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, công tác ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ liên quan đến THTK, CLP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Thứ nhất, chưa kịp thời tham mưu ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để thể chế hóa các văn bản của Đảng, Quốc hội và các chiến lược ngành.

Thứ hai, công tác tham mưu, xây dựng, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, chưa thật sự chặt chẽ trong các lĩnh vực sử dụng nguồn vốn, tài sản nhà nước, tài nguyên, đất đai, khoáng sản, nguồn nhân lực. Vẫn còn tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, ban hành chưa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, khắc phục chậm, chưa triệt để. Chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi không đầy đủ nhiều văn bản liên quan đến ngân sách nhà nước, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, tài sản công, đất đai, bất động sản, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức bộ máy, biên chế, lao động…

Thứ ba, một số văn bản quy phạm pháp luật phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhiều lần (số lượng văn bản sửa đổi, bổ sung chiếm tỷ trọng cao trong tổng số văn bản ban hành mới), trong đó nhiều quy định phải sửa đổi, bổ sung sau một thời gian ngắn ban hành. Một số trường hợp khi sửa đổi còn chưa chú ý đến các điều khoản chuyển tiếp hoặc không hướng dẫn cụ thể việc xử lý chuyển tiếp, một số chính sách pháp luật chưa thực sự đi vào đời sống. Tồn tại, hạn chế này đã gây ra khó khăn, vướng mắc cho quá trình tổ chức thực hiện, phần nào ảnh hưởng tới việc đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Thứ tư, hệ thống VBQPPL còn một số nội dung chồng chéo, chưa đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khó khăn trong quá trình thực hiện. Cá biệt một số trường hợp ban hành không đúng thẩm quyền hoặc không đúng quy định của Luật.

Thứ năm, vẫn có tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước. Giai đoạn 2016-2021, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 960 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước; Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 27.374 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Những tồn tại, hạn chế, bất cập trong tham mưu, ban hành chính sách, pháp luật về THTK, CLP và liên quan đã ảnh hưởng đến công tác THTK, CLP trong giai đoạn vừa qua, đòi hỏi cần giải quyết.

Hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ

Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; tại Thông báo số 12-TB/TW ngày 6/4/2022 thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật THTK, CLP trong thời gian tới. Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP đã đặt ra nhiệm vụ trước năm 2025 phải đề xuất sửa Luật THTK, CLP.

Như vậy, Đảng, Quốc hội rất quan tâm đến công tác THTK, CLP, trong đó có việc hoàn thiện thể chế, pháp luật về THTK, CLP. Việc sửa đổi Luật THTK, CLP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được đặt ra cho ngành Tài chính trong thời gian tới. Do đó, cần thiết thể hiện quan điểm xây dựng chính sách đối với việc sửa Luật THTK, CLP, trong đó có việc hoàn thiện quy định về ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, cụ thể:

Một là, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, quan điểm đã được xác định trong Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sau khi được ban hành).

Hai là, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống VBQPPL. Xác định rõ phạm vi, nguyên tắc áp dụng pháp luật trong Luật THTK, CLP (sửa đổi) để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, nâng cao hiệu quả công tác THTK, CLP. Trên cơ sở đó, Luật THTK, CLP mang tính nguyên tắc, bao quát chung về THTK, CLP, các luật chuyên ngành sẽ quy định cụ thể về việc THTK, CLP đối với từng lĩnh vực.

Ba là, kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định tại Luật THTK, CLP còn phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất. Loại bỏ những quy định không còn phù hợp, chồng chéo, vướng mắc; đồng thời luật hóa một số quy định tại các văn bản dưới luật đã ổn định, làm cơ sở để củng cố và tiếp tục phát huy những kết quả từ việc thực hành tiết kiệm trong những năm qua.

Tóm lại, hoàn thiện pháp luật về THTK, CLP trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo đúng định hướng nêu trên của Đảng, Nhà nước sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp…

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2022), Báo cáo 330/BC-ĐGSQH giám sát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016-2021;
  2. Bộ Tài chính (2023), Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật THTK, CLP;
  3. Đặng Công Khôi, Lê Thanh Thảo (2017), Đề tài Bộ Tài chính “Xây dựng các tiêu chí đánh giá kết quả THTK, CLP trong chi thường xuyên”;
  4. Chu Thị Thủy Chung (2019), “Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công và những vấn đề đặt ra”, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2019;
  5. Đỗ Đức Hồng Hà, Nguyễn Hồng Sơn (2021), “Nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17 (441), tháng 9/2021.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2024