Hoàn thiện quy trình thẩm định tín dụng khách hàng trong tài trợ thương mại

Hoàng Văn Nhật -Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Bài viết trao đổi tổng quan về hoạt động tài trợ thương mại trong ngân hàng, quy trình thẩm định tín dụng khách hàng trong tài trợ thương mại hiện nay, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình thẩm định tín dụng khách hàng trong tài trợ thương mại của ngân hàng trong thời gian tới.

Việc xác định lĩnh vực kinh doanh của khách hàng dựa vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính của khách hàng
Việc xác định lĩnh vực kinh doanh của khách hàng dựa vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính của khách hàng

Hoạt động tài trợ thương mại tại ngân hàng ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng và ngân hàng, tuy nhiên, để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra, ngân hàng cần có các giải pháp hoàn thiện quy trình thẩm định tín dụng khách hàng trong tài trợ thương mại.

Tổng quan về hoạt động tài trợ thương mại trong ngân hàng

Tài trợ cho hoạt động nhập khẩu

- Tín dụng thư: Tín dụng thư là cam kết thanh toán của ngân hàng, đại diện cho nhà nhập khẩu, sẽ thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ khi người hưởng lợi xuất trình bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những qui định của Tín dụng thư. Tín dụng thư đảm bảo người mua chỉ thanh toán khi các chứng từ giao hàng được xuất trình phù hợp với yêu cầu của Tín dụng thư.

- Tài trợ nhập khẩu: Dù doanh nghiệp sử dụng hình thức "Tín dụng chứng từ" hay "Nhờ thu" để thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu, DN vẫn cần sự hỗ trợ tài chính từ phía ngân hàng để thực hiện cam kết thanh toán của mình.

- Bảo lãnh nhận hàng: Ngân hàng cung cấp dịch vụ Bảo lãnh nhận hàng dựa trên hạn mức tín dụng cung cấp cho DN. Nhà nhập khẩu có thể nhận hàng ngay khi hàng cập cảng trước khi nhận các chứng từ gửi hàng (Vận đơn đường biển, Vận đơn hàng không).

Tài trợ cho hoạt động xuất khẩu

- Nhờ thu xuất khẩu: Hiện nay, tại ngân hàng cung cấp 2 loại hình Nhờ thu, mỗi hình thức đều đem lại sự an tâm và giúp giảm thiểu chi phí cho DN. Cụ thể:

+ Nhờ Thu trả ngay (D/P) - Chứng từ nhận hàng sẽ được ngân hàng giao cho nhà nhập khẩu khi nhà nhập khẩu đã thực hiện thanh toán.

+ Nhờ Thu trả chậm (D/A) - Chứng từ nhận hàng sẽ được ngân hàng giao cho nhà nhập khẩu khi nhà nhập khẩu chấp nhận thanh toán.

- Tín dụng thư: Ngân hàng có thể cung cấp các dịch vụ đa dạng về phương thức thanh toán Tín dụng thư sau:

+ Xác nhận tín dụng thư: DN hoàn toàn an tâm về những cam kết thanh toán từ Ngân hàng phát hành Tín dụng thư và Ngân hàng thanh toán. Điều này giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng và các rủi ro khác phát sinh tại quốc gia người nhập khẩu.

+ Thông báo tín dụng thư: Ngân hàng có thể kiểm tra tính chân thực của Tín dụng thư được mở cho DN hưởng, giúp DN tổ chức giao hàng nhanh chóng khi ngân hàng thông báo trước nội dung Tín dụng thư cho DN bằng điện thoại hay fax. DN cũng có thể đăng ký dịch vụ thông báo điện tử của ngân hàng để nhận các bản sao điện tử của tất cả các tín dụng thư gửi qua hệ thống SWIFT và các thông báo khác. Các dịch vụ này giúp nâng cao hiệu quả và tốc độ liên lạc.

+ Dịch vụ lưu trữ tín dụng thư: Ngân hàng cũng có thể cung cấp miễn phí dịch vụ này cho tất cả khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thông báo điện tử. Các tín dụng thư gốc được bảo đảm cất giữ an toàn tại bất kỳ chi nhánh nào của ngân hàng tùy theo lựa chọn của DN, giúp tiết kiệm không gian lưu trữ và đem đến sự an tâm cho DN.

- Tài trợ xuất khẩu: Các dịch vụ tài trợ xuất khẩu đa dạng của ngân hàng giúp bù đắp sự thiếu hụt nguồn vốn trong chu kỳ kinh doanh của DN:

+ Tài trợ trước khi giao hàng: Ngân hàng cung cấp các khoản vay nhằm hỗ trợ bổ sung nguồn tiền mặt trong khi DN hoàn tất các hợp đồng giao hàng.

+ Tài trợ sau khi giao hàng: Ngân hàng có thể chiết khấu các chứng từ tài chính và trả cho DN giá trị đã được chiết khấu của hóa đơn giao hàng.

- Bao thanh toán (Chiết khấu hóa đơn): Đây là sản phẩm tài chính trọn gói gồm mua lại các khoản phải thu, bảo toàn tín dụng, quản lý sổ cái bán hàng và nhờ thu, gồm:

+ Tài trợ: Huy động vốn từ các khoản phải thu bằng cách chuyển vốn bị ứ đọng từ các khoản phải thu thành tiền mặt, với tỷ lệ phần trăm mua lại của giá trị hóa đơn được thỏa thuận.

+ Bảo toàn tín dụng: Ngân hàng có thể bảo hiểm từ 90% đến 100% giá trị hóa đơn bán hàng khi DN xuất khẩu hàng tới các quốc gia khác nhau nhằm giảm thiểu rủi ro cho người mua.

+ Quản lý khoản phải thu: Ký hợp đồng thuê ngoài với ngân hàng giúp quản lý sổ cái và nhờ thu thay cho DN. Ngân hàng sẽ hỗ trợ những kiến thức quản lý thiết yếu để DN quản lý công việc kinh doanh hiệu quả.

Quy trình thẩm định tín dụng khách hàng trong tài trợ thương mại hiện nay

Hiện nay, quy trình thẩm định tín dụng khách hàng tại chi nhánh được thực hiện như sau:

Bước 1: Đăng ký thông tin khách hàng

Đăng ký thông tin khách hàng gồm đăng ký thông tin chung và đăng ký thông tin DN, cụ thể:

- Đăng ký thông tin chung.

- Lựa chọn loại khách hàng. Đây là thông tin quan trọng và không thể thay đổi được. Nếu người chấm điểm lựa chọn không đúng loại khách hàng thì bộ chỉ tiêu chấm điểm được áp dụng không chính xác, làm sai lệch kết quả chấm điểm và phân loại nợ.

-  Đăng ký các thông tin chung khác. Thông tin được lấy tự động từ module CIF, các thông tin còn thiếu phải được nhập bổ sung tại module CIF.

- Trường hợp đặc biệt. Đối với "khách hàng mới", Người chấm điểm phải khai báo (tích) tại ô khách hàng mới. Nếu Người chấm điểm không tích vào ô khách hàng mới kiểm. Hệ thống không cho chấm điểm. Khi khách hàng phát sinh dư nợ, hệ thống tự động huỷ chọn dấu tích ô khách hàng mới.

- Đăng ký thông tin DN:

Các mục nhập thông tin DN được chia thành các nhóm tương ứng với các bộ chỉ tiêu chấm điểm như sau:

+ Xác định hình thức sở hữu của khách hàng: Căn cứ vào đối tượng sở hữu, Người chấm điểm lựa chọn 1 trong 3 hình thức sở hữu dưới đây: DN nhà nước (các tổ chức kinh tế có vốn chủ sở hữu thuộc nhà nước từ 50% trở lên); DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài), và DN khác (không phải DN nhà nước và DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài).

+ Xác định lĩnh vực kinh doanh của khách hàng: Việc xác định lĩnh vực kinh doanh của khách hàng dựa vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính của khách hàng là hoạt động đem lại doanh thu từ 50% trở lên trong tổng doanh thu hàng năm. Trường hợp khách hàng kinh doanh đa ngành nhưng không có ngành nào có tỷ trọng doanh thu từ 50% trở lên, Người chấm điểm chọn ngành có tỷ trọng doanh thu lớn nhất hoặc ngành có tiềm năng phát triển nhất. Trường hợp khách hàng kinh doanh đa ngành nhưng thường xuyên biến động về tỷ trọng doanh thu của ngành thì Người chấm điểm xác định ngành của khách hàng theo nguyên tắc duy trì 2 năm liên tục ở một ngành, sau đó nếu vẫn thấy biến động thì xác định lại như trên.

+ Xác định quy mô của khách hàng: Quy mô của khách hàng được xác định dựa trên việc chấm điểm 4 chỉ tiêu sau: Vốn chủ sở hữu, Số lượng lao động, Doanh thu thuần và Tổng tài sản.

+ Nhập các thông tin khác của DN: Ngày đi vào hoạt động của DN, Ngày bắt đầu quản lý DN của người quản lý, Trình độ học vấn của người quản lý.

+ Phê duyệt thông tin khách hàng: Có thể thực hiện phê duyệt tại bước này hoặc thực hiện tại Bước 4.

Bước 2: Nhập các chỉ tiêu tài chính

Người chấm điểm thực hiện nhập thông tin tài chính của BCTC năm, quý gần nhất theo trình tự được nêu dưới đây: Thông tin chung; Bảng cân đối kế toán; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thông tin khác; Chỉ số tài chính; Phê duyệt các thông tin tài chính.

Trong bước này, cần lưu ý một số vấn đề như: Khách hàng đã chấm điểm các kỳ trước, tại kỳ chấm điểm này nếu khách hàng chưa cung cấp BCTC quý/năm thì bỏ qua bước này và chuyển qua thực hiện bước 3; Đối với khách hàng chấm điểm lần đầu, người chấm điểm phải nhập BCTC (năm) tối thiểu 2 năm liên tiếp gần nhất (trừ trường hợp khách hàng mới thành lập chỉ có một kỳ báo cáo tài chính năm).

Bước 3: Chấm điểm, xếp hạng và phân loại nợ khách hàng

- Các chỉ tiêu tự động: Hệ thống tự động tính ra giá trị dựa vào các thông tin đã được nhập ở các bước trên.

- Các chỉ tiêu không tự động: Người chấm điểm tiến hành lựa chọn hoặc nhập thông tin theo các tiêu chí cho phép trên màn hình.

- Phê duyệt kết quả chấm điểm, xếp hạng khách hàng (có thể thực hiện phê duyệt tại bước này hoặc thực hiện tại Bước 4).

Bước 4: Phê duyệt

Sau khi hoàn tất việc chấm điểm và xếp hạng khách hàng, Người chấm điểm báo cáo kết quả chấm điểm từ hệ thống xếp hạng, trình người phê duyệt kiểm tra và phê duyệt trên hệ thống xếp hạng.

Về trình tự phê duyệt được thực hiện như sau: Phê duyệt Thông tin khách hàng (nếu chưa thực hiện tại bước 1), Phê duyệt Thông tin tài chính (nếu chưa thực hiện tại bước 2), Phê duyệt kết quả chấm điểm, xếp hạng khách hàng (nếu chưa thực hiện tại bước 3).

Bước 5: Lập báo cáo tổng hợp kết quả chấm điểm, xếp hạng và phân loại nợ khách hàng

Bộ phận chấm điểm lập báo cáo tổng hợp kết quả chấm điểm, xếp hạng và phân loại nợ để trình Giám đốc.

Bước 6: Phê duyệt Báo cáo kết quả chấm điểm, xếp hạng và phân loại nợ của chi nhánh

Giám đốc chi nhánh sau khi nhận được Báo cáo kết quả chấm điểm, xếp hạng và phân loại nợ của Bộ phận chấm điểm: Phê duyệt báo cáo và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc về việc thực hiện chấm điểm, xếp hạng khách hàng; Báo cáo phải được gửi Tổng giám đốc.

Bước 7: Tổng hợp, báo cáo kết quả chấm điểm, xếp hạng và phân loại nợ của toàn hệ thống

Bộ phận chấm điểm, xếp hạng khách hàng thuộc Trung tâm Phòng ngừa và Xử lý rủi ro chịu trách nhiệm lập Báo cáo tổng hợp kết quả chấm điểm, xếp hạng và phân loại nợ khách hàng toàn hệ thống trình Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Giải pháp hoàn thiện quy trình thẩm định tín dụng khách hàng trong tài trợ thương mại

Từ việc khảo sát về quy hoạt động tài trợ thương mại trong ngân hàng, tác giả đề xuất một số vấn đề nhằm hoàn thiện quy trình thẩm định tín dụng khách hàng trong tài trợ thương mại như sau:

- Cần chú trọng công tác thẩm định khách hàng: Tổn thất sẽ xảy ra khi ngân hàng đánh giá chưa đúng mức về khách hàng, nhu cầu vay vốn, phương án sử dụng vốn, đặc thù của từng ngành, lĩnh vực kinh tế, xem nhẹ khâu kiểm tra năng lực tài chính để trả nợ hiện tại và tương lai.

- Tuân thủ quy định nội bộ và trình độ của cán bộ tín dụng: Trình độ chuyên môn nghiệp vụ yếu kém, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, thẩm định khách hàng vay vốn sơ sài, qua loa, hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng, giảm thời gian thẩm định, đánh giá sai khả năng tài chính, vi phạm đạo đức nghề nghiệp (lập hồ sơ giả, nể nang trong quan hệ với khách hàng…) đều có thể làm tăng thêm rủi ro tín dụng.

- Chi nhánh tuyệt đối tuân thủ quy định về thẩm định, kiểm tra trước khi cho vay, không để tình trạng khách hàng hợp thức hóa bề mặt hồ sơ chứng minh thu nhập, tạo nguồn trả nợ không phù hợp, không có thật, định giá giá trị tài sản bảo đảm không phù hợp, không đúng quy định như: Xác nhận thu nhập từ các DN thực tế không có trụ sở tại địa chỉ đã đăng ký, thực tế không hoạt động; phối hợp, liên kết các DN nhằm xác nhận khống thu nhập cho khách hàng; sử dụng nguồn thu từ cho thuê tài sản thuộc quyền sở hữu của khách hàng nhưng giá thuê không thực tế, cao hơn rất nhiều so với mặt bằng giá thị trường...).

- Chú ý đến lập báo cáo thẩm định; Báo cáo thẩm định gồm 2 phần chính: đánh giá tình hình chung của khách hàng (tư cách pháp lý và tình hình tài chính) và bản thân phương án, dự án (tính hợp pháp và hiệu quả). Đối với khách hàng đã có giới hạn tín dụng, báo cáo thẩm định chỉ tập trung vào đánh giá bản thân phương án, dự án. Phần đánh giá chung cho DN đã được thực hiện khi xác định giới hạn tín dụng nên không cần thiết phải lặp lại toàn bộ trong báo cáo thẩm định. Chỉ cần nêu lên những thay đổi lớn so với khi xác định giới hạn tín dụng. Việc đánh giá mức độ rủi ro của một giao dịch cụ thể được thực hiện thông qua các khía cạnh: tính hợp pháp của giao dịch; phương thức thanh toán và vận chuyển; tình hình thị trường.    

Tài liệu tham khảo:

1. Đào Minh Tú (2006), Rủi ro và quản lý rủi ro trong hợp đồng tín dụng, Tạp chí Ngân hàng số 4/2006;

2. Nguyễn Minh Kiều (2008), Tín dụng và thẩm định tín dụng ngân hàng, NXB Tài chính;

3. Nguyễn Thị Quy. (2012), Tài trợ thương mại Quốc tế. Đại học Ngoại thương. NXB Thống kê;

4. Trần Đình Định, Đinh Văn Thanh (2006), Những quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, NXB Tư Pháp;

5. Peter S.Rose (2001), Quản trị ngân hàng thương mại, NXB tài chính.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2022