Hoàn thiện thể chế, tạo đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách có vai trò quan trọng trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ngăn chặn thất thoát lãng phí và tạo đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Chiều ngày 22/7/2021, thảo luận tại tổ của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 tác động đến kinh tế - xã hội cũng như ngân sách nhà nước. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 đạt 58% dự toán, tuy nhiên thu ngân sách đang có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã tiếp tục thực hiện chính sách giãn, hoãn thuế đến hết ngày 31/12/2021; giảm 30 loại phí, lệ phí; hỗ trợ các tỉnh, cấp kinh phí cho các bộ ngành thực hiện phòng, chống dịch; tập trung nguồn lực mua vắc xin.
Chính phủ đã thành lập Quỹ Vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 để huy động sự chung tay của cộng đồng phòng chống đại dịch. Đến nay, Quỹ đã tiếp nhận hơn 8,2 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã cùng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội tham mưu cho Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ quyết tâm dồn nguồn lực hỗ trợ địa phương, cùng các bộ ngành để tạo cơ sở tốt nhất cho các địa phương phòng chống dịch.
Hiện nay, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tài chính - ngân sách chủ động, chặt chẽ; tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi ngân sách; cắt giảm chi thường xuyên, các khoản chi không thực sự cần thiết để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh về vai trò của công tác hoàn thiện thể chế, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ngăn chặn thất thoát lãng phí và tạo đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế. Bộ trưởng thông tin, trong 6 đầu năm 2021, Bộ Tài chính đã tham mưu, trình Chính phủ 20 nghị định. Hiện nay, Chính phủ đã ký và ban hành 16 nghị định; 4 nghị định đã được trình tiếp; 2 nghị định đang được soạn thảo.
Trong đó, nhiều nghị định được đánh giá là mở đường cho sự phát triển như: Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về quỹ phát triển, tự chủ; hay Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021..., góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển...