Hoạt động bình ổn giá ở Việt Nam thời gian qua và kiến nghị trong Luật Giá (sửa đổi)

Phạm Minh Thụy - Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính

Bình ổn giá là một trong số những hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước Việt Nam. Thời gian qua, hoạt động bình ổn giá ở Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khi có biến động; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Bài viết đánh giá tổng quan kết quả của hoạt động bình ổn giá ở Việt Nam từ năm 2013-2022, qua đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện vấn đề bình ổn giá trong Luật Giá (sửa đổi).

Hoạt động bình ổn giá ở Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Hoạt động bình ổn giá ở Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Hoạt động bình ổn giá ở Việt Nam

Theo quy định tại điểm 10, Điều 4 của Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012: “Bình ổn giá là việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý”.

Luật Giá còn quy định 11 danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (BOG) và việc BOG được thực hiện trong các trường hợp sau: (i) Khi giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện BOG có biến động bất thường; (ii) Khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội…

Hoạt động BOG ở Việt Nam theo Luật Giá từ năm 2013-2022 được thực hiện qua 2 nhóm công việc lớn như sau:

Tổ chức bình ổn giá đối với 11 danh mục hàng hóa, dịch vụ được quy định trong Luật Giá

Nổi bật nhất trong nhóm công việc này là hoạt động BOG xăng dầu. Căn cứ quy định tại Luật Giá và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu; sau đó là Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/09/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu…

Theo đó, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước thực hiện quản lý giá xăng dầu thông qua quy định công thức tính và công bố giá cơ sở cụ thể, cơ chế điều chỉnh giá; Nhà nước công bố các biện pháp BOG thông qua điều hành thuế, quỹ BOG và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Kết quả là thời gian qua, khi giá xăng dầu thế giới biến động tăng cao liên tục, Nhà nước phải áp dụng linh hoạt các biện pháp điều hành giá để góp phần BOG. Cụ thể: (i) Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá cơ sở của xăng dầu 10 ngày/lần (trước ngày 02/01/2022 là 15 ngày/lần), các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được bán xăng dầu với giá cao hơn mức giá cơ sở này; (ii) Liên Bộ tăng cường sử dụng Quỹ BOG xăng dầu để hạn chế sự tăng giá rất mạnh của giá xăng dầu thế giới tác động vào giá xăng dầu trong nước; (iii) Sử dụng thêm các công cụ thuế (rõ nhất là giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 01/4/2022 và ngày 11/7/2022), phí… nhằm BOG xăng dầu.

Bảng 1: So sánh diễn biến giá một số loại xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới và ở Việt Nam

STT

 

Giá tại cảng Singapore

 

Giá bán lẻ tại Việt Nam

Xăng RON95 (USD/ thùng)

Diesel (USD/ thùng)

Mazut (USD/tấn)

Xăng RON95-III (VND/l)

Diesel 0,05S-II (VND/l)

Mazut 3,5S (VND /kg)

1

Giá BQ năm 2019

72,26

77,22

375,48

19.983

16.309

14.092

2

Giá BQ năm 2020

45,55

47,67

244,00

15.399

12.210

10.759

3

Giá BQ năm 2021

79,53

75,11

408,53

20.310

15.346

14.696

4

Giá BQ năm 2022

115,55

130,93

522,66

26.071

23.986

17.392

5

Giá BQ 2020 so 2019

0,6304

0,6172

0,6498

0,7706

0,7487

0,7635

5.1

Chênh lệch tăng (+)/giảm (-) giá của VN so TG (điểm%)

     

14,01

13,14

11,36

5.2

Chênh lệch tăng (+)/giảm (-) giá của VN so TG (VND)

     

2.802

2.143

1.601

6

Giá BQ 2021 so 2020

1,7458

1,5758

1,6743

1,3190

1,2568

1,3659

6.1

Chênh lệch tăng (+)/giảm (-) giá của VN so TG (điểm%)

     

-42,68

-31,89

-30,83

6.2

Chênh lệch tăng (+)/giảm (-) giá của VN so TG (VND)

     

-6.573

-3.895

-3.317

7

Giá BQ 2022 so 2021

1,4530

1,7431

1,2794

1,2837

1,5630

1,1834

7.1

Chênh lệch tăng (+)/giảm (-) giá của VN so TG (điểm%)

     

-16,92

-18,00

-9,59

7.2

Chênh lệch tăng (+)/giảm (-) giá của VN so TG (VND)

     

-3.438

-2.763

-1.410

Nguồn: Tính toán từ dữ liệu của Platt’s Singapore, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các công bố về điều hành kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương.

Nhờ những biện pháp điều hành này, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam từ năm 2020-2022 đã được bình ổn hơn so với sự biến động mạnh của giá xăng dầu trên thị trường thế giới khá nhiều (Bảng 1). Cụ thể: Năm 2020 so với năm 2019, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới giảm từ 35,12 - 38,28% (dòng 5), nhưng giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam chỉ giảm 22,94 - 25,13%; Năm 2021 so với năm 2020, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng từ 57,58 - 74,58% (dòng 6), nhưng giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam chỉ tăng 25,68 - 36,59%; Năm 2022 so với năm 2021, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng từ 27,94 - 74,31% (dòng 7), nhưng giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam chỉ tăng 18,34 - 56,30%…

Ngoài ra, thực hiện hoạt động BOG trong nhóm công việc này mới chỉ được triển khai một lần đối với giá sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi (năm 2014-2015) và một lần thí điểm đối với giá dịch vụ bốc dỡ container khu vực cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (năm 2015-2017).

Tổ chức triển khai công tác bình ổn giá cả thị trường trong các thời điểm trước, trong và sau Tết

TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên khởi xướng, triển khai liên tục chương trình bình ổn thị trường kể từ năm 2002 và sau đó được nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước. Từ khi Luật Giá có hiệu lực (01/01/2013), hoạt động BOG này ngày càng được tổ chức chủ động, có kế hoạch chặt chẽ với quy mô, diện mặt hàng mở rộng hơn.

Chương trình bình ổn thị trường này về cơ bản là được xã hội hoá, dựa trên sự tự nguyện của các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên thị trường; giúp tạo cầu nối giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng. Sự liên kết này giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa với giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm; đồng thời tạo đầu ra ổn định cho sản xuất, bảo đảm lợi ích cho người sản xuất; tạo nguồn cung ổn định, bền vững cho thị trường.

Chương trình thực hiện điều chỉnh giá bán linh hoạt, kịp thời; bảo đảm hợp lý, có khả năng dẫn dắt thị trường, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng… Từ đó, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu, phát triển đồng bộ hệ thống phân phối; giúp kiểm soát hiệu quả thị trường, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá.

Căn cứ quy định trong Luật Giá, tại Nghị quyết của Chính phủ về điều hành kinh tế xã hội hàng năm đều có các nội dung về giá cả. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị để chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác bình ổn giá cả thị trường trong các thời điểm trước, trong và sau Tết, Chương trình bình ổn thị trường được triển khai tại nhiều địa phương đã giúp đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, giá một số vật tư đầu vào quan trọng của nền kinh tế đã được kiểm soát để tránh có biến động tăng đột biến, tác động dây chuyền đến toàn bộ mặt bằng giá.

Nhìn chung trong thời gian qua, hoạt động BOG ở Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khi có biến động, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, các quy định về BOG trong Luật Giá số 11/2012/QH13 còn có một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Việc giải thích từ ngữ về BOG (khoản 10, Điều 4 của Luật Giá) vẫn chưa được lượng hoá cụ thể, gây khó khăn khi quyết định thế nào là giá biến động bất thường hoặc có ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội để triển khai. Mặc dù trong Luật Giá có nêu Chính phủ quy định chi tiết trường hợp thực hiện BOG (khoản 2, Điều 16 của Luật Giá), nhưng tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá chưa giải thích được cụ thể những từ khá trừu tượng như: “biến động bất thường” hoặc “có ảnh hưởng lớn”…

- Về phạm vi và biện pháp BOG chưa linh hoạt, hiệu quả chưa cao khi có phát sinh biến động giá của những mặt hàng thiết yếu, quan trọng đối với đời sống nhân dân và toàn xã hội (nhất là trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh). Phạm vi thực hiện biện pháp chưa thật sự rõ ràng khiến cho cơ quan quản lý khó khăn trong việc quyết định triển khai.

- Các biện pháp để thực hiện BOG vẫn chưa có tính thực tế cao, hiệu quả chưa rõ ràng. Do đó, khi lựa chọn phương pháp thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, gây tranh cãi…

- Đối với việc thực hiện BOG tại địa phương, mặc dù tại Luật Giá cũng như các văn bản dưới Luật có quy định về quyền, trách nhiệm và các trường hợp thực hiện BOG tại địa phương theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các cấp; Tuy nhiên, lại ràng buộc khi Chính phủ triển khai BOG thì các địa phương mới thực hiện theo chủ trương chung và hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành làm giảm tính linh hoạt trong thực hiện chính sách BOG ở các địa phương (nhất là những vấn đề có tính cục bộ tại địa phương, khi xảy ra các trường hợp đặc biệt, khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh chỉ phát sinh trên các địa bàn cụ thể).

Một số kiến nghị về vấn đề bình ổn giá trong Luật Giá (sửa đổi)

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Giá dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, khoá XV, bài viết đề xuất một số kiến nghị về vấn đề BOG trong Luật Giá (sửa đổi) như sau:

Thứ nhất, về mặt nguyên tắc cần thống nhất mục tiêu của BOG.

- Kết quả của hoạt động BOG hàng hoá, dịch vụ (thuộc danh mục cần BOG) sẽ là giá hàng hoá, dịch vụ đó trở nên ổn định hơn (không hoặc ít thay đổi) so với thực tế trước khi hoặc nếu không thực hiện hoạt động BOG. Nếu so với biến động giá của hàng hoá, dịch vụ tương tự ở thị trường thế giới hoặc địa bàn không thực hiện BOG, thì giá của hàng hoá, dịch vụ thực hiện BOG sẽ trở nên ổn định hơn rất rõ (giá của hàng hoá, dịch vụ thực hiện BOG càng ổn định thì chứng tỏ biện pháp BOG càng có hiệu quả cao). Như vậy, hiệu quả của biện pháp BOG sẽ được đánh giá qua sự chênh lệch về biến động giá giữa hàng hoá, dịch vụ thực hiện BOG với hàng hoá, dịch vụ tương tự nhưng không thực hiện BOG. Do đó, không thể đưa ra yêu cầu: thực hiện BOG 1 loại hàng hoá, dịch vụ nào đó ở Việt Nam, mà vẫn cần giá của hàng hoá, dịch vụ đó bám sát sự biến động giá của loại hàng tương tự trên thị trường thế giới.

- Thực hiện BOG hàng hoá, dịch vụ ở Việt Nam cần tuân theo quy luật của kinh tế thị trường và phải đảm bảo hài hoà lợi ích chính đáng của các bên tham gia thị trường là doanh nghiệp (tất cả các khâu cần thiết trong chuỗi kinh doanh), người tiêu dùng và Nhà nước (không thể để cho lợi ích chính đáng của bất cứ bên nào bị xâm phạm). Thêm nữa, cần ưu tiên bảo vệ lợi ích của những đối tượng yếu thế trong xã hội. Có như vậy, hoạt động BOG mới có cơ sở kinh tế bền vững, triển khai được ổn định trong thời gian dài.

Thực tế hoạt động BOG xăng dầu thời gian qua ở Việt Nam cho thấy, đã có những khoảng thời gian mà lợi ích chính đáng của thương nhân bán lẻ xăng dầu (cây xăng) bị xâm phạm (cây xăng không có hàng để bán hoặc bị lỗ do giá bán ra không bù đắp đủ chi phí, nhưng vẫn phải tổ chức bán hàng, nếu không sẽ bị phạt…). Tình trạng này đã dẫn tới hàng loạt cây xăng phải đóng cửa, người tiêu dùng không mua được xăng dầu để vận hành phương tiện giao thông hoặc tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đây là hậu quả của những biện pháp BOG xăng dầu chưa phù hợp, cần được khắc phục trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Vì vậy, đề nghị sửa nguyên tắc BOG tại điểm a, khoản 1, Điều 18 là: “a) Công khai, minh bạch; hài hòa lợi ích chính đáng giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng và Nhà nước;”

Thứ hai, cần cụ thể hoá hơn nữa các trường hợp thực hiện BOG.

Trong điểm 10, Điều 4 của Dự thảo có ghi: “10. Giá biến động bất thường là giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian nhất định” và khoản a) điểm 2, Điều 18 của Dự thảo có ghi: “a) Mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ BOG biến động bất thường...”. Giải thích của Luật Giá về “giá biến động bất thường” vẫn còn chưa rõ ràng, cụ thể… dẫn tới tình trạng thực hiện biện pháp BOG tuỳ tiện, gây tranh luận không cần thiết.

Hiện nay, kinh tế - xã hội Việt Nam đang phát triển ổn định với mặt bằng giá hàng năm tăng khoảng 4%/năm (được coi là biến động bình thường). Như vậy, coi việc giá tăng bất thường là tăng gấp 3 lần mức tăng bình thường này. Do vậy, nên cụ thể hoá vấn đề này theo hướng, sửa điểm 10, Điều 4 của Dự thảo là: “10. Giá biến động bất thường là giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao (tăng quá 12% so với mức giá cùng kỳ năm trước hay có 2 tháng tăng giá liên tiếp và bình quân mỗi tháng tăng quá 3% so với tháng trước liền kề) hoặc giảm quá thấp (giảm quá 10% so với mức giá cùng kỳ năm trước hay có 2 tháng giảm giá liên tiếp và bình quân mỗi tháng giảm hơn 2,5% so với tháng trước liền kề) trong một khoảng thời gian nhất định”.

Thứ ba, về các biện pháp BOG (điểm 1, Điều 19 của Dự thảo), đề nghị quy định cụ thể hơn.

- Thực tế BOG xăng dầu thời gian qua cho thấy, biện pháp quy định giá bán tối đa theo công thức tính giá trung bình trượt (của giá vốn hàng hoá, dịch vụ) là có tác dụng BOG mạnh nhất (thời gian tính trung bình trượt càng dài thì tác dụng BOG càng mạnh). Vì vậy, cần đưa cách tính giá này vào làm biện pháp chủ yếu khi triển khai hoạt động BOG. Trong đó, sẽ xác định giá trung bình trượt định hướng (làm mục tiêu cho hoạt động BOG) là giá trung bình trượt được tính trong thời gian đủ dài (từ 2 - 4 tháng); sau đó thực hiện điều chỉnh giá theo từng chu kỳ ngắn xoay quanh giá trung bình trượt định hướng này.

- Trong Dự thảo có quy định hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục BOG phải thực hiện kê khai giá và điểm 2, Điều 28 của dự thảo có ghi: “2. Nội dung kê khai giá gồm mức giá gắn với tên, chủng loại, nước sản xuất (nếu có), chỉ tiêu chất lượng (nếu có) và nguyên nhân điều chỉnh giá bán giữa các lần kê khai”.

Cần bổ sung thêm nội dung: nhãn hiệu hoặc tên doanh nghiệp sản xuất. Đây là thông tin rất quan trọng, mang tính quyết định tới mức giá cụ thể của hàng hoá (quan trọng hơn nội dung “nước sản xuất”). Vì vậy, đề nghị điểm 2, Điều 28 nên sửa là: “2. Nội dung kê khai giá gồm: mức giá gắn với tên; chủng loại; nhãn hiệu hoặc tên doanh nghiệp sản xuất (nếu có); nước sản xuất (nếu có); chỉ tiêu chất lượng (nếu có) và nguyên nhân điều chỉnh giá bán giữa các lần kê khai.”

- Về cơ chế quản lý Quỹ BOG, điều kiện thành lập Quỹ BOG… nên quy định theo hướng: Trên cơ sở quy định cách tính giá trung bình trượt làm biện pháp chính khi triển khai hoạt động BOG (đã nêu ở trên), sẽ quy định cơ chế tự động trích và sử dụng quỹ BOG như sau: Khi giá vốn hàng hoá, dịch vụ giảm thấp hơn giá trung bình trượt định hướng (giảm quá 2,5%/tháng) thì sẽ thực hiện trích lập quỹ (trích lập phần chênh lệch giữa giá trung bình trượt định hướng với giá vốn hàng hoá vào quỹ); Khi giá vốn hàng hoá, dịch vụ tăng cao hơn giá trung bình trượt định hướng (tăng quá 3%/tháng) thì sẽ thực hiện sử dụng quỹ để bù cho doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá, dịch vụ (sử dụng phần chênh lệch giữa giá vốn hàng hoá với giá trung bình trượt định hướng từ quỹ để bù cho doanh nghiệp).

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2012), Luật Giá số 11/2012/QH13;
  2. Chính phủ (2014), Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu;
  3. Chính phủ (2021), Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
  4. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, Các thông báo về điều hành giá xăng dầu, Quỹ bình ổn giá xăng dầu;
  5. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Các thông báo về giá xăng dầu.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2023