Hoạt động gia công tại Việt Nam
(Tài chính) Gia công là hoạt động thương mại không còn quá mới mẻ tại Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, PLF chỉ đề cập đến những vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý khi thuê gia công ở Việt Nam.
Trong quá trình hợp tác với những nhà đầu tư nước ngoài thuê gia công tại Việt Nam, PLF nhận thấy mối quan tâm hàng đầu của những nhà đầu tư này là quyền sở hữu trí tuệ (bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại,…).
Bởi lẽ, trong quá trình hợp tác, việc nhà đầu tư phải cung cấp những thông tin thuộc loại bí mật này cho bên gia công sử dụng là điều tất yếu. Do đó, trước khi cung cấp thông tin về sản phẩm hay mẫu thiết kế cho bên gia công, nhà đầu tư cần có một sự am hiểu nhất định đối với bên gia công. Đồng thời, hợp đồng gia công cần ràng buộc trách nhiệm của hai bên một cách chi tiết, cụ thể.
Một vấn đề khác mà nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý là chính sách thuế của Việt Nam áp dụng đối với hoạt động thuê gia công. Thông tư 60/2012/TT-BTC có những hướng dẫn chi tiết về nghĩa vụ thuế của nhà đầu tư nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài thuê gia công tại Việt Nam cần nắm rõ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung và Thông tư này nói riêng để hoạt động gia công được tiến hành thuận lợi và hợp pháp.
Hơn nữa, đối với những hợp đồng gia công mà nhà đầu tư nước ngoài cung cấp nguyên, vật liệu, máy móc cho bên gia công, nhà đầu tư cần xem xét cách giải quyết nguyên vật liệu thừa cũng như số máy móc đã cung cấp sau khi hợp đồng gia công chấm dứt. Phương thức xử lý khác nhau sẽ dẫn đến nghĩa vụ của nhà đầu tư khác nhau. Do đó, nhà đầu tư cần lựa chọn phương thức tốt nhất để giảm thiểu mức nghĩa vụ của mình.
Một vấn đề có khả năng liên quan đến việc thuê gia công của nhà đầu tư nước ngoài là hoạt động xuất khẩu tại chỗ. Nói một cách đơn giản thì xuất khẩu tại chỗ là việc nhà đầu tư nước ngoài thuê gia công tại Việt Nam nhưng không nhận sản phẩm gia công, mà yêu cầu phía gia công giao sản phẩm gia công cho một bên thứ ba tại Việt Nam. Các vấn đề về thuế và nghĩa vụ khác của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp này có nhiều điểm khác biệt so với việc nhà đầu tư nước ngoài thuê gia công tại Việt Nam và trực tiếp nhận sản phẩm gia công.
Ngoài ra, khi thuê gia công tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần chú ý đến những vấn đề về lao động nếu có sử dụng lao động tại Việt Nam, cụ thể như những lưu ý khi nhà đầu tư nước ngoài cử người đến giám sát hoạt động gia công, những vấn đề liên quan đến việc thành lập văn phòng đại diện/ chi nhánh của nhà đầu tư tại Việt Nam để thuận lợi hơn cho việc thuê gia công, …