Hoạt động hội nhập tài chính năm 2015 và những chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo

TS. VŨ NHỮ THĂNG - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính)

Hội nhập kinh tế quốc tế đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế và vị thế chính trị của Việt Nam với thế giới. Trong năm 2015, công tác hội nhập và hợp tác tài chính của Bộ Tài chính đã góp phần tích cực thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách kinh tế trong nước thông qua việc thúc đẩy các hoạt động thương mại quốc tế, chuyển đổi cơ cấu ngành, vùng.

Công tác hội nhập và hợp tác tài chính của Bộ Tài chính đã góp phần tích cực thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách kinh tế trong nước.
Công tác hội nhập và hợp tác tài chính của Bộ Tài chính đã góp phần tích cực thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách kinh tế trong nước.
Năm 2015, ngành Tài chính đã tích cực triển khai xây dựng phương án đàm phán, phương án kết thúc các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA song phương với Liên minh châu Âu (EU); Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc (có hiệu lực từ ngày 20/12/2015), Hiệp định FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á Âu (đã ký kết và dự kiến có hiệu lực trong năm 2016); đồng thời, tiếp tục rà soát, chuyển đổi biểu thuế và ban hành Thông tư ban hành Biểu thuế cho các FTA đang thực hiện và vừa ký kết.

Cam kết thương mại hàng hóa

Tiếp tục cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình

Xét về thương mại hàng hóa, theo số liệu xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, các đối tác FTA của Việt Nam đều là các đối tác thương mại quan trọng, thể hiện ở giá trị thương mại lớn và tỷ trọng cao trên tổng số liệu thương mại với thế giới của Việt Nam hàng năm. Thương mại của Việt Nam với các đối tác đã và đang đàm phán luôn chiếm trên 80% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam. Trong năm 2015, quan hệ thương mại với các đối tác FTA theo tỷ trọng như sau: Trung Quốc đứng đầu chiếm 20% tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với thế giới, tiếp đó là ASEAN khoảng 12,8%; Hoa Kỳ khoảng 12,7%; EU khoảng 12,5%, Hàn Quốc khoảng 11,3%, Nhật Bản khoảng 8,7%...

Năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu trong khuôn khổ 8 FTA đã có hiệu lực theo các Thông tư ban hành Biểu thuế ưu đãi đặc biệt cho giai đoạn 2015-2018. Cụ thể: Thông tư số 162/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam - Chi Lê; Thông tư số 165/2014/TT-BTC, 166/2014/TT-BTC, 167/2014/TT-BTC, 168/2014/TT-BTC, 169/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN – Australia – NewZiland, ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015-2018; Thông tư số 24/2015/TT-BTC, 25/2015/TT-BTC ngày 14/02/2015 về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2015-2019; Thông tư số 44/2015/TT-BTC ngày 30/3/2015 sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với một số nhóm mặt hàng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2015-2018.

Bộ Tài chính cũng tích cực trao đổi, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến các Biểu thuế FTA đang thực hiện để kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, ngành hàng trong nước nhưng vẫn đảm bảo được cam kết của Việt Nam với các đối tác FTA.

Đối với 2 FTA vừa ký kết, Hiệp định Việt Nam-Hàn Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 và Hiệp định Việt Nam-Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực từ 01/01/2016 phụ thuộc vào quy trình nội bộ trong nước của các bên. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng lộ trình giảm thuế, lấy ý kiến doanh nghiệp và các bộ ngành liên quan để có thể ban hành Thông tư ban hành biểu thuế đúng thời điểm khi Hiệp định có hiệu lực.

Trong hầu hết các FTA Việt Nam đã ký kết thì mức độ tự do hóa về thuế nhập khẩu trung bình khoảng 90% số dòng thuế, trừ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là Hiệp định nội khối với mức cam kết tự do hóa xấp xỉ 98%. Về lộ trình, FTA hoàn thành lộ trình sớm nhất là ATIGA (2018), tiếp đó là FTA ASEAN – Trung Quốc (2020) và FTA ASEAN Hàn Quốc (2021). Năm 2015 mức độ tự do hóa thuế quan của Việt Nam với các đối tác FTA đã ở mức khá cao: Trong ATIGA đạt khoảng 93%, ASEAN-Trung Quốc có 84% số dòng thuế về 0%, ASEAN-Hàn Quốc có 78% và ASEAN - Nhật Bản là 62%. Theo đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn từ ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc được hưởng thuế 0% từ năm 2015 như sắt thép, phân bón, sản phẩm điện tử, xe tải, đồ điện gia dụng, máy móc thiết bị…

Cam kết về thuế nhập khẩu trong 2 khuôn khổ FTA thế hệ mới là TPP và Việt Nam - EU có tỷ lệ tự do hóa cao hơn với lộ trình ngắn hơn, hướng tới cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 100% số dòng thuế, cụ thể như: Với EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.

Trong khi đó, với TPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế đối với khoảng 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ đối với 86,5% số dòng thuế sau 3 năm Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình giảm thuế cơ bản từ 4-10 năm. Một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam cam kết lộ trình trên 10 năm hoặc hạn ngạch thuế quan.

Như vậy, cho đến nay phạm vi đối tác FTA của Việt Nam đã khá rộng và toàn diện, trong 3-5 năm tới sẽ chạm đến các dấu mốc quan trọng của nhiều Hiệp định và dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết các mặt hàng nhập khẩu với các đối tác thương mại chính. Với việc ký kết 2 Hiệp định (FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu và tuyên bố kết thúc 2 Hiệp định quan trọng TPP và Việt Nam - EU, năm 2015 đã phác ra một bức tranh rõ ràng về khả năng tiếp cận thị trường ngày càng tăng của hàng ngoại nhập và bức tranh thương mại của Việt Nam trong các năm tới đây.

Cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu

Về thuế xuất khẩu, với WTO và các FTA đã ký kết, Việt Nam không có nghĩa vụ phải xóa bỏ thuế xuất khẩu. Duy nhất Việt Nam chỉ cam kết đối với nhóm hàng sắt thép, phế liệu kim loại sẽ được giảm thuế sau 5 năm gia nhập WTO đến mức 17% và 22%, thực hiện từ năm 2007.

Trong các FTA thế hệ mới với đặc thù là đàm phán với các nước phát triển nên các nước đều ủng hộ quan điểm xóa bỏ thuế xuất khẩu vì cho rằng thuế xuất khẩu là một hình thức trợ cấp cho sản xuất trong nước, gây bóp méo thương mại quốc tế. Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng phương án cam kết về thuế xuất khẩu với EU và các nước TPP nhằm phù hợp với xu hướng quốc tế đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu NSNN, cụ thể:

- Đối với EU, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu với hàng xuất khẩu sang EU với lộ trình dài nhất là 15 năm. Những mặt hàng quan trọng còn lại sẽ tiếp tục được duy trì thuế xuất khẩu và áp dụng một mức trần thuế suất thuế xuất khẩu: (i) 546 mặt hàng sẽ xóa bỏ thuế xuất khẩu với lộ trình 5-7-10-12-15 năm, trong đó có quặng titan và tinh quặng titan; (ii) 57 mặt hàng sẽ áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 10-20% đối với nhóm mặt hàng khoáng sản, quặng kim loại, than đá, vàng và vàng trang sức.

- Trong TPP, Việt Nam bảo lưu đối với khoảng 70 mặt hàng thuế xuất khẩu sẽ có mức thuế suất từ 2-40%, trong đó quan trọng nhất là bảo lưu được đối với nhóm than đá, dầu mỏ và một số nhóm khoáng sản khác; Các mặt hàng còn lại có lộ trình xóa bỏ thuế xuất khẩu ngay hoặc trong vòng 5-7-10-15 năm.

Cam kết tự do hóa dịch vụ tài chính

Cam kết về dịch vụ bảo hiểm và chứng khoán của Việt Nam đã ở mức tự do hóa cao trong WTO, chỉ bảo lưu một số ít các hạn chế về mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài như: Chưa cho phép thành lập chi nhánh bảo hiểm nhân thọ của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, chưa cho phép cung cấp dịch vụ qua biên giới đối với dịch vụ nhượng tái bảo hiểm…

Việc gia nhập WTO tạo cơ hội cho việc phát triển nhiều sản phẩm mới và thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Trong lĩnh vực bảo hiểm, đến nay Việt Nam đã thu hút được 30 doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, góp phần nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ bảo hiểm. Các dịch vụ bảo hiểm đã được đa dạng hóa, bao quát hầu hết các loại hình tài sản của mọi thành phần kinh tế, mọi ngành kinh tế.

Trong các FTA đã ký kết, Việt Nam không mở cửa thêm dịch vụ bảo hiểm và chứng khoán so với cam kết WTO. Tuy nhiên, các đối tác phát triển như EU và Hoa Kỳ thường có nền dịch vụ phát triển và đưa ra yêu cầu cao về mở cửa thị trường cũng như các quy định mang tính nguyên tắc nhằm ràng buộc chặt chẽ hơn nữa trách nhiệm của các nước thành viên với nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, quy mô thị trường chứng khoán và bảo hiểm của Việt Nam còn hạn chế, vì vậy Bộ Tài chính đã xây dựng phương án và tham gia đàm phán với EU và TPP trên nguyên tắc thận trọng, có bước đi phù hợp. Cam kết về dịch vụ trong các FTA thế hệ mới có một số điểm mới sau:

- Về phương thức cam kết: Trước đây trong WTO và các FTA đã ký kết, Việt Nam cam kết các ngành dịch vụ theo phương thức của GATS/WTO, phương thức “chọn cho” (chỉ mở cửa lĩnh vực nào thì mới đưa ra trong biểu cam kết), tuy nhiên TPP yêu cầu cam kết theo phương thức “chọn bỏ” (lĩnh vực nào không nêu ra thì mặc nhiên là mở cửa hoàn toàn, không có bảo lưu nào) cũng dẫn đến những vấn đề thực thi sau này khi chính sách ban hành không được vượt ra khỏi những biện pháp “không tương thích” (NCM) mà mỗi nước đã bảo lưu trong TPP.

- Các cam kết mang tính nguyên tắc: Ngoài các cam kết mang tính nguyên tắc của WTO thì TPP và EU đưa ra một số nội dung mới, trong đó có:

+ Quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài kiện chính phủ (ISDS);

+ Cơ chế “ratchet” (chỉ tiến không lùi) ràng buộc các nước thành viên khi tiến hành sửa đổi các biện pháp bảo lưu thì việc sửa đổi và mức độ sửa đổi sẽ tự động trở thành nghĩa vụ ràng buộc mức độ tự do hóa thị trường của nước thành viên đó.

- Cam kết mới về mở cửa thị trường:

+ Mở cửa chi nhánh tái bảo hiểm;

+ Nghĩa vụ cấp phép dịch vụ tài chính mới cho bất kì nước thành viên TPP/EVFTA nào;

+ Dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng;

+ Mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.

Ngoài dịch vụ tài chính thì dịch vụ kế toán, kiểm toán và dịch vụ thuế theo cam kết WTO cũng đã ở mức tự do hóa rất cao, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường, tăng cường minh bạch hóa quản trị doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Các chuẩn mực kế toán kiểm toán của Việt Nam hiện nay đều được xây dựng trên cơ sở tiệm cận và phù hợp với các tiêu chuẩn kế toán kiểm toán quốc tế, các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới như Big 4 và nhiều hãng kiểm toán nước ngoài đã có đại diện tại Việt Nam.

Trong ASEAN, với mong muốn xây dựng một Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đa phương cho các dịch vụ kế toán, kiểm toán để thúc đẩy việc trao đổi thông tin và chuyên môn, kinh nghiệm và các thông lệ tốt nhất phù hợp với nhu cầu cụ thể của các nước thành viên ASEAN và tạo thuận lợi cho việc di chuyển giữa các nước thành viên ASEAN của các chuyên gia cung cấp các dịch vụ kế toán, kiểm toán; Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN (MRA) đã được ký kết bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 46 vào tháng 8/2014. Bộ Tài chính đang xây dựng kế hoạch triển khai như xây dựng biểu mẫu hồ sơ, quy trình thủ tục, báo cáo đánh giá tiêu chuẩn ứng viên, thiết lập Ủy ban giám sát…

Định hướng hội nhập tài chính trong bối cảnh mới

Năm 2016, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế và vị thế chính trị của Việt Nam với thế giới. Trong bối cảnh mốc tự do hóa cuối cùng của một số FTA đang đến gần, đồng thời chuẩn bị thực hiện cam kết trong các FTA mới, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam sẽ được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng và toàn diện. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách 2016 theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, công tác hội nhập và hợp tác tài chính của Bộ Tài chính sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục triển khai và theo dõi việc thực hiện các cam kết về thuế nhập khẩu trong các FTA đã ký kết theo lộ trình đã ban hành.

Trong năm 2016, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai các cam kết về thuế nhập khẩu theo các Thông tư đã ban hành các Biểu FTA, theo dõi việc thực thi và tăng cường trao đổi, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp. Năm 2016 cũng là mốc tự do hóa của một số các mặt hàng trong một số khuôn khổ như: ATIGA (15 dòng thuế xăng dầu về 0% trong đó có dầu Diesel, thuế ô tô nguyên chiếc tiếp tục giảm xuống 40%); FTA ASEAN – Hàn Quốc (thêm 362 dòng thuế về 0%); FTA ASEAN – Australia – New Zealand (thêm 2.453 dòng thuế về 0%); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (thêm 6 dòng thuế về 0%) và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (thêm 312 dòng về 0%).

Hai là, xây dựng lộ trình cam kết về thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu; nghiên cứu cam kết trong các lĩnh vực của Bộ Tài chính trong TPP và EU để chuẩn bị sẵn sàng thực thi khi Hiệp định có hiệu lực.

Năm nay, Hiệp định TPP và Việt Nam-EU được ký kết, mặc dù có thể chưa có hiệu lực ngay nhưng do đây là các Hiệp định FTA thế hệ mới với mức độ tự do hóa cao và cam kết trên phạm vi rộng, nên Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để nghiên cứu, rà soát hệ thống chính sách trong nước, từ đó đề xuất sửa đổi nhằm phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định.

Ba là, tiếp tục xây dựng phương án và tham gia đàm phán các lĩnh vực thuế nhập khẩu, dịch vụ tài chính và dịch vụ khác trong các FTA đang và sẽ đàm phán.

Bộ Tài chính tiếp tục phát huy tinh thần chủ động trong đàm phán để xây dựng bước đi phù hợp, cân bằng lợi ích của Việt Nam và đối tác của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), ASEAN - Hồng Kông. Hiện nay, một số FTA song phương như FTA Việt Nam - Israel và Việt Nam - Cuba đang chuẩn bị khởi động đàm phán. Vì vậy, Bộ Tài chính cũng chuẩn bị nguồn lực và chủ động tham vấn với các bộ, ngành, hiệp hội và địa phương để tích cực tham gia đàm phán trong các lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách, góp phần mở rộng thêm bức tranh hội nhập của Việt Nam.

Bốn là, theo dõi và đánh giá tác động hội nhập để kịp thời kiến nghị điều chỉnh chính sách.

Trong bối cảnh Việt Nam đã và chuẩn bị ký FTA với hầu hết các đối tác thương mại lớn trên thế giới, rào cản về thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ các nước sẽ dần dần được xóa bỏ, mốc tự do hóa cuối cùng của một số FTA đang đến gần (ATIGA 2018, FTA ASEAN – Trung Quốc 2020, FTA ASEAN – Hàn Quốc 2021). Vì vậy, Bộ Tài chính sẽ tập trung nguồn lực để tiếp tục theo dõi, nghiên cứu và đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế trong các FTA đến thu ngân sách, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước và tác động đến một số ngành hàng quan trọng, từ đó kịp thời kiến nghị điều chỉnh các chính sách liên quan.

Năm là, tăng cường công tác đối thoại chính sách, hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước tận dụng các cơ hội và hạn chế tác động tiêu cực từ các thách thức, do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Bộ Tài chính Việt Nam sẽ tăng cường đối thoại chính sách về tài chính với các đối tác phát triển/các tổ chức quốc tế nhằm minh bạch thông tin, tạo sự đồng thuận của các nhà tài trợ đối với các chính sách phát triển của ngành Tài chính và của quốc gia, thu hút sự tham gia hỗ trợ của các nhà tài trợ;

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin thường xuyên về cam kết của Việt Nam trong các FTA để nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, nhất là những cơ hội và lợi ích trong các Hiệp định, các điều kiện để hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế quan, các cải cách về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…