Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 lần thứ 13 thành công tốt đẹp

Theo Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài chính

TCTC Online - Ngày 2/5/2010 tại Tashkent, Uzơbekistan đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 lần thứ 13 dưới sự đồng chủ toạ của Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Xie Xuren.

Tham dự Hội nghị có sự góp mặt của Bộ trưởng Tài chính của 13 nước thành viên ASEAN+3, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á và Phó Tổng Thư ký ASEAN.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN với 6 nước thành viên Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Niuzilân và Ấn Độ không chính thức lần thứ nhất đã diễn ra dưới sự chủ toạ của Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh.

Các Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 đã tập trung kiểm điểm việc triển khai các sáng kiến hợp tác tài chính khu vực bao gồm Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), Sáng kiến Phát triển Thị trường Trái phiếu Châu Á (ABMI) và hoạt động của Nhóm Nghiên cứu ASEAN+3. Các Bộ trưởng cũng trao đổi quan điểm về triển vọng phát triển kinh tế thế giới, khu vực và của các nước thành viên và thảo luận về các định hướng hợp tác tài chính khu vực tương lai nhằm đưa hợp tác khu vực lên tầm cao mới.

Vận hành Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM)

Hội nghị vui mừng tuyên bố việc Thoả thuận CMIM với quy mô góp vốn trị giá 120 tỷ USD đã có hiệu lực từ ngày 24/03/2010. Sự vận hành CMIM đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hợp tác tài chính khu vực ASEAN+3 với mục tiêu giải quyết các khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán và thanh khoản ngắn hạn cho các nước thành viên trong khu vực. CMIM sẽ góp phần tăng cường hơn nữa năng lực tự vệ của khu vực trước những rủi ro và thách thức của kinh tế toàn cầu.

Các Bộ trưởng đã nhất trí thành lập Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nhằm tăng cường cơ chế giám sát kinh tế vĩ mô khu vực hỗ trợ cho sự vận hành của CMIM. Văn phòng AMRO sẽ được đặt tại Singapore với chức năng giám sát và phân tích tình hình kinh tế khu vực, góp phần sớm chống lại những rủi ro, thực hiện các hành động kịp thời và quá trình ra quyết định hiệu quả trong CMIM. Đáng chú là tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã đạt được sự đồng thuận đối với các cấu phần chính về thành lập AMRO và khẳng định quyết tâm sớm đưa Cơ quan này vào hoạt động vào tháng 5/2010.

Tuyên bố thành lập Cơ chế bảo lãnh tín dụng và Đầu tư với quy mô 700 triệu USD

Các Bộ trưởng đã rà soát các hoạt động của Sáng kiến Phát triển thị trường trái phiếu Châu Á và khẳng định tầm quan trọng của Sáng kiến trong việc thúc đẩy thị trường trái phiếu có mệnh giá bằng đồng bản tệ và tăng cường ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô. Trong khuôn khổ Sáng kiến này, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 đã tuyên bố thành lập Cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIF) với quy mô vốn ban đầu là 700 triệu USD.

Trong đó, Nhật Bản và Trung Quốc đóng góp 200 triệu đôla, Hàn Quốc đóng góp 100 triệu đôla, ADB đóng góp 130 triệu đôla. 5 nước thành viên cũ của ASEAN là Malaysia, Thái Lan, Inđônesia, Phillippin và Singapore đóng góp mỗi nước 12.6 triệu đôla, Brunei cam kết 5,6 triệu USD, Việt Nam đóng 1,1 triệu đôla, còn lại 3 nước Lào, Campuchia và Myanma mỗi nước đóng góp 100.000 đôla. Cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư sẽ hoạt động dưới hình thức là một Quỹ tín thác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Mục tiêu hoạt động của CGIF là nhằm cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp trong khu vực phát hành trái phiếu và qua đó góp phần phát triển các thị trường trái phiếu khu vực. Quỹ sẽ chính thức vận hành vào đầu năm 2011. Với mức cam kết đóng góp của Việt Nam là 1,1 triệu đôla, các doanh nghiệp Việt Nam có quyền được nhận bảo lãnh tín dụng từ CGIF với hạn mức là 140 triệu USD.

Song song với các tiến triển trong Sáng kiến Phát triển thị trường trái phiếu Châu Á, các Bộ trưởng đã nhất trí thành lập Diễn đàn Phát triển Thị trường Trái phiếu ASEAN+3 (ABMF) để tạo thuận lợi cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý thị trường và các nhà đầu tư cùng chia xẻ quan điểm về các giao dịch trái phiếu qua biên giới nhằm thúc đẩy sự chuẩn mực hoá các thị trường và hài hoà hoá khung khổ pháp lý củac các thị trường trái phiếu trong khu vực.

Triển vọng phát triển tài chính và kinh tế khu vực

Bên cạnh việc rà soát các sáng kiến hợp tác tài chính hiện hành, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 c ũng đã trao đổi quan điểm về triển vọng kinh tế khu vực và thế giới trong bối cảnh sau khủng hoảng. Hội nghị nhận định kinh tế thế giới đã bắt đầu phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng mặc dù còn nhiều vấn đề cần giải quyết như cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp, sự thâm hụt ngân sách tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, các khó khăn về giải quyết việc làm. Thương mại toàn cầu đã gia tăng mạnh trở lại. Lạm phát tại các nước phát triển tiếp tục trong tầm kiểm soát.

Khu vực Đông Á tiếp tục duy trì đà phục hồi nhanh và ấn tượng theo “mô hình chữ V”. Tăng trưởng GDP của ASEAN+3 dự kiến sẽ lên tới 4,6% trong năm 2010 so với mức 0,9% của năm 2009. Đông Á đã trở thành động lực của kinh tế toàn cầu trong quá trình phục hồi kinh tế và đóng góp tới 1/3 mức tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2009. Trong đó, các nước ASEAN+3 đã có những phản ứng kịp thời vượt qua khủng hoảng. Các Bộ trưởng định tiếp tục duy trì sự thận trọng đối với những phát triển của thị trường, để đảm bảo tính nhất quán và ổn định của các chính sách kinh tế vĩ mô, và áp dụng chiến lược rút lui thích hợp, dựa trên nền tảng kinh tế của từng nước, để thúc đẩy sự bền vững tài khoá và ổn định tài chính trong trung và dài hạn. Các Bộ trưởng nhắc lại cam kết đẩy nhanh cải cách cơ cấu kinh tế sâu rộng, khuyến khích cầu nội địa và tạo công ăn việc làm, chống lại chủ nghĩa bảo hộ và tăng cường hơn nữa thương mại và đầu tư.

Để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu trong khu vực, các Bộ trưởng đã thông qua  ba chủ đề cho hoạt động Nhóm Nghiên cứu giai đoạn 2010/2011 như sau: (1) Khả năng sử dụng đơn vị tiền tệ của khu vực – xác định các vấn đề gặp phải khi sử dụng thực tế; (2) Những bài học từ kinh nghiệm của Châu Á đối với các dòng luân chuyển vốn đổi hướng và (3) Tác động tài khoá và tài chính của biến đổi khí hậu và những thách thức về mặt chính sách ở Đông Á.

Định hướng phát triển hợp tác tài chính khu vực trong tương lai

Đối mặt với nhiều thách thức mới và nhằm duy trì sự ổn định tài chính toàn cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững đặt ra, các Bộ trưởng cam kết sự cần thiết đưa hợp tác tài chính khu vực lên một tầm cao chiến lược mới. Các Bộ trưởng đã nhất trí thành lập “Nhóm Đặc trách ưu tiên hợp tác tài chính ASEAN +3” để xây dựng các chiến lược hợp tác tài chính ASEAN+3 trong tương lai.

Cuộc đối thoại đầu tiên giữa các Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 với các nước Úc, Niuzilân và Ấn Độ

Các Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 cũng đã có cuộc gặp với các nước Úc, Niuzilân và Ấn Độ vào chiều ngày 2/05/2010 tại Tashkent. Đây là cuộc gặp không chính thức đầu tiên giữa các Bộ trưởng Tài chính khu vực Đông Á nhằm thảo luận về các vấn đề quan tâm chung của khu vực trong bối cảnh phục hồi sau khủng hoảng. Các Bộ trưởng đã chia xẻ thẳng thắn và cởi mở về các quan điểm của Đông Á đối với các vấn đề G20, vị trí và vai trò mới của Đông Á sau khủng hoảng và sự cần thiết tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực. Các Bộ trưởng cho rằng khu vực Đông Á ngày càng có vai trò quan trọng đối với bản đồ kinh tế thế giới, đặc biệt kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Các Bộ trưởng nhấn mạnh cần tích cực triển khai các chương trình cải cách cơ cấu ở cấp quốc gia để đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế thế giới mạnh mẽ, cân bằng và bền vững. Các nước thành viên của G20 tham dự Hội nghị đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam với tư cách là đại diện của ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao G20 vào tháng 11/2010 tại Hàn Quốc.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 và với các nước Úc, Newzilân và Ấn Độ đã thành công tốt đẹp. Các Bộ trưởng đều bày tỏ sự đánh giá cao đối với vai trò chủ trì điều hành của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh tại các Hội nghị Bộ trưởng nêu trên. Các đại biểu đều mong chờ gặp lại tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 năm sau tại Việt Nam.