Hội nhập kinh tế quốc tế: Cơ hội và thách thức ngành Nông nghiệp
Với hàng loạt hiệp định thương mại đa phương, song phương giữa Việt Nam và các nước, khu vực đã đang, sẽ được ký kết, có hiệu lực trong năm 2015 này và trong những năm tới đang mở ra nhiều cơ hội ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không nhỏ khi thực trạng ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, năng lực cạnh tranh còn yếu…
Cơ hội lớn trong hội nhập
Sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 đã đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình tham gia vào nền kinh tế toàn cầu bình đẳng với tất cả các thành viên khác của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh. Kể từ thời điểm đó, Việt Nam liên tục tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác đa phương, khu vực và song phương.
Hiện, chúng ta đã tham gia đàm phán, ký kết và đang triển khai thực hiện 7 FTA, gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Ấn Độ, FTA ASEAN - Australia/New Zealand, FTA ASEAN - Hàn Quốc, FTA ASEAN - Nhật Bản và FTA Việt Nam - Nhật Bản. Việc ký kết các hiệp định sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường với thuế suất giảm đáng kể và ngược lại.
Điển hình như, theo cam kết cắt giảm thuế mở cửa thị trường của ATIGA, năm 2015, trong tổng số 1.539 dòng thuế nông, thủy sản, đã có 1.434 dòng thuế về 0%, còn lại 123 dòng thuế ở mức thuế 5% hoặc chưa cam kết cắt giảm.
Đến năm 2018, chỉ còn 55 dòng giữ mức thuế 5%. Đối với cam kết trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), năm 2015, có 21 dòng sản phẩm duy trì mức thuế cao 20% (lá chè xanh - đen, gạo, thịt và phụ phẩm sau mổ…), 80 dòng ở mức thuế 5%, 46 dòng chưa cam kết cắt giảm. Đến năm 2018, chỉ còn 67 dòng sản phẩm duy trì thuế, toàn bộ 80 sản phẩm áp thuế 5% sẽ giảm xuống còn 0%...
Có thể khẳng định, khi ký kết, thực hiện các cam kết thương mại song phương và khu vực sẽ góp phần tăng trưởng xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện phát triển sản xuất trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh nông, lâm, thủy sản và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo cơ hội để thay đổi cơ cấu sản xuất và phát huy cao hơn lợi thế của các ngành, hàng…
Thực tế trong thời gian qua cũng cho thấy, với việc tham gia hội nhập ngành Nông nghiệp cũng đã đạt được nhiều thành tích trong hoạt động xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu nông sản trong xuất khẩu hàng hóa của nước ta luôn chiếm vị thế khá quan trọng, và giữ ổn định ở mức cao, đạt 26 - 27%.
Nông nghiệp là ngành duy nhất xuất siêu ra thị trường thế giới với mức 8,5 tỷ USD năm 2013 và 9,5 tỷ USD năm 2014. Hiện, ta đã có 10 sản phẩm xuất khẩu với kim ngạch trên 1 tỷ USD. Kể từ khi tham gia hội nhập, Việt Nam đã có quan hệ thương mại ổn định với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh những cơ hội mang lại từ các Hiệp định song phương, đa phương trên, năm 2015 cũng đánh dấu bước tiến quan trọng hội nhập kinh tế của Việt Nam khi tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đặc biệt, trong các phiên đàm phán Hiệp định, nông nghiệp luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nước tham gia. Việt Nam là nước nông nghiệp, do vậy, việc tham gia Hiệp định rất có ý nghĩa khi nhiều cơ hội lớn mở ra.
Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp sẽ có cơ hội lớn với 4 lợi thế chính là: Một là có thị trường rộng lớn 800 triệu dân, sẽ giúp tiêu thụ nông sản lớn cho Việt Nam, giảm áp lực phụ thuộc thị trường truyền thống là Trung Quốc.
Hiện nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc rất lớn, trong những tháng đầu năm chiếm tới 35% giá trị, trong đó riêng cao su chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu, rau quả chiếm tới 64%, gỗ chiếm hơn 12%; và nhập khẩu từ thị trường này cũng chiếm tới 62,5% đầu vào cho nông nghiệp.
Đây là thị trường, là bạn hàng lớn nên chính sách phải luôn luôn linh hoạt. Mở ra thị trường mới rộng lớn trong khuôn khổ TPP thì Việt Nam có thể điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu lĩnh vực nông nghiệp, có điều kiện linh hoạt hơn, tốt hơn.
Ngay sau khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản của 12 nước đã giảm thuế xuống hơn 90%, có mặt hàng chỉ còn 0%. Trong đó có mặt hàng Việt Nam duy trì lợi thế tốt như thủy sản và đồ gỗ. Những tháng đầu năm, đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chiếm tới 39%, Nhật Bản 19%...
Rõ ràng khi vào TPP, thông thương thuận lợi sẽ thu hút được vốn đầu tư của các quốc gia vào Việt Nam. Thuế bằng 0% thì nhiều cơ hội mở ra, trong khi nông nghiệp đang rất thiếu vốn đầu tư nên sẽ là cơ hội để thu hút được vốn đầu tư trong thời gian tới.
Hiện nay vốn FDI vào nông nghiệp khá ít, giá trị vốn cam kết chỉ có chiếm 1,4% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đây là cơ hội để đẩy nhanh thu hút đầu tư, thu hút khoa học công nghệ, cách quản lý mới với nông nghiệp. Ngoài ra, TPP cũng là cơ hội thúc đẩy tái cấu trúc nền nông nghiệp trong chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm định hướng mong muốn là đưa công nghệ mới, quản lý mới vào trong nông nghiệp.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong xuất khẩu nông sản, nhiều sản phẩm đã thâm nhập được vào những thị trường khó tính và chứng minh được vị thế độc tôn nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, nhất là các sản phẩm của ngành chăn nuôi.
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã bảo hộ sản phẩm trong nước bằng thuế nhưng tới đây chỉ còn thịt gà giữ thuế suất 5% với các nước ASEAN, còn lại là về 0%. Áp lực cạnh tranh là rất lớn, nếu không có biện pháp, chiến lược phù hợp, chúng ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của các nước khác, nông dân buộc phải thu hẹp sản xuất”, Bộ trưởng nói.
Đối mặt với thách thức
Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp và người dân phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, tổ chức sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh.
Thách thức lớn nhất của các mặt hàng nông sản Việt Nam trong quá trình hội nhập là mở rộng và giữ vững thị trường xuất khẩu. Bản thân hàng Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài, ngay cả tâm lý người dùng cũng sính ngoại.
Vì vậy, nếu không tổ chức lại sản xuất, chúng ta có thể mất cả thị trường nội địa. Hội nhập là xu hướng tất yếu, với những sản phẩm yếu thế, chúng ta chấp nhận phải thụt lùi, phải thua đau để từ đó rút ra bài học, chủ động đổi mới sản xuất.
Một thực tế, sức cạnh tranh của nông sản Việt giảm đôi khi từ chính quan hệ sản xuất trong nước khi mà khâu trung gian quá nhiều khiến giá thành sản xuất đội lên đáng kể.
Ví dụ, thức ăn cho tôm doanh nghiệp cung ứng cho đại lý giá 28.000 đồng/kg nhưng đến tay nông dân, giá bị đội lên 33.000 đồng/kg, chiếm đến hơn một nửa giá thành sản xuất. Việc cắt giảm các dòng thuế sẽ không thành vấn đề nếu Việt Nam làm tốt khâu phân phối, giảm chi phí trung gian, từ đó giảm giá thành sản phẩm.
Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm cũng là một rào cản trong quá trình hội nhập. Minh chứng cho điều này là tại Đắk Lắk, có đến 80% diện tích cà phê là của các hộ gia đình, chỉ có 20% là thuộc về doanh nghiệp được sản xuất theo quy trình kỹ thuật an toàn, đảm bảo về chất lượng. Điều này cho thấy sự mạnh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất.
Vì vậy, xây dựng mối liên kết nông dân - doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, tiêu thụ và nâng cao chất lượng sản phẩm là đòi hỏi bức thiết, không chỉ của ngành càphê.
Mối liên kết lỏng lẻo cũng thể hiện rõ trong ngành ong mật khi mà ở nước ngoài, nhiều doanh nghiệp, trang trại sẵn sàng thuê đàn ong đến để thụ phấn cho cây thì ở ta, nhiều địa phương, người dân sẵn sàng xua đuổi đàn ong vào mùa lấy mật, gây khó khăn hơn trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra, một bất cập mà ngành Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt là thiếu thông tin về hội nhập sẽ làm mất đi nhiều cơ hội cho địa phương và doanh nghiệp. Khi thuế không còn là rào cản thì hàng rào an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được các nước dựng lên.
Vì vậy, Nhà nước cần cho xây dựng thêm các trung tâm phân tích, kiểm nghiệm mẫu ở các vùng sản xuất hàng hóa lớn; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh.
Đặc biệt, khi thực hiện các cam kết TPP, thách thức cũng đặt ra không hề nhỏ. Bởi rõ ràng so với các nước thì Việt Nam có nền sản xuất nhỏ, chủ yếu quy mô hộ gia đình. Hiện chúng ta có khoảng 3.500 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp và hầu hết là doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65% nên rất khó trong cạnh tranh. Do sản xuất quy mô hộ là chính, công nghệ còn kém cho nên sẽ có mặt hàng rất khó khăn khi mở cửa.
Đã là “sân chơi” chung, luật chung thì ai mạnh người ấy thắng, nên nông sản cũng sẽ rất khó khăn về tiêu thụ nếu vẫn duy trì quản lý như hiện nay. Trong đó, chăn nuôi là lĩnh vực rất khó khăn. Nếu sản xuất duy trì quy mô nhỏ như hiện nay thì chắc chắn sẽ thua.
Hội nhập kinh tế quốc tế là phù hợp với lợi ích lâu dài của đất nước, không thể xây dựng nền kinh tế vững mạnh nếu không có mở cửa hội nhập và đây là quá trình không thể đảo ngược. Để thực hiện được mục tiêu đề ra cần làm tốt tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nắm vững yêu cầu hội nhập, cụ thể hóa trong các chương trình kế hoạch, trên cơ sở đó lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên thực hiện.