Khơi thông vốn phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 10 kỳ 2-2015

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, kinh tế nông nghiệp được xác định là một trong những trụ cột vững chắc. Tuy nhiên, dưới những tác động khó lường từ biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và việc tìm kiếm các giải pháp tăng cường vốn đầu tư cho nông nghiệp là vấn đề đặt ra cần giải quyết…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng đầu tư phát triển vào ngành Nông nghiệp

Nông nghiệp Việt Nam sử dụng gần 80% diện tích đất tự nhiên, với lực lượng lao động khoảng trên 60%. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nông nghiệp trở thành ngành “cứu cánh” cho kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, với vai trò và tiềm năng như vậy những tỷ lệ đầu tư cho ngành Nông nghiệp Việt Nam lại chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Năm 2012, nông nghiệp chiếm 19,7% GDP nhưng chỉ nhận được 5% tổng vốn đầu tư của Chính phủ.

Giai đoạn từ 2001-2013, vốn đầu tư của toàn xã hội tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước (nếu như năm 2001: vốn đầu tư là 170.496 tỷ đồng, thì đến năm 2013: vốn đầu tư là 937.900 tỷ đồng, tăng gần 6,5 lần), nhưng vốn đầu tư cho ngành Nông nghiệp trung bình hàng năm mới chỉ đạt trên dưới 52.000 tỷ đồng (chủ yếu là từ ngân sách nhà nước (NSNN) và ODA). Ngoại trừ vốn ODA, thì hầu hết các nguồn vốn khác (kể cả NSNN và ngoài NSNN) đầu tư cho nông nghiệp đều chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, chứ chưa nói đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể các nguồn vốn:

Thứ nhất, nguồn vốn NSNN: Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2004 - 2013, tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn khoảng hơn 718.000 tỷ đồng, bằng 48,5% tổng vốn đầu tư phát triển cả nước.

Trước khi có Nghị quyết 26/NQ-TW, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn từ năm 2006 - 2008 là 146.575 tỷ đồng (bình quân mỗi năm là 48.858 tỷ đồng), bằng 45,2% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn vốn NSNN và trái phiếu chính phủ. Sau khi Nghị quyết 26/NQ-TW ra đời, mức đầu tư cho lĩnh vực này tăng lên rõ rệt: Năm 2009, tổng vốn đầu tư cho khu vực này là 90.006 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2008; Năm 2010 là 94.754 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2009; Năm 2011 là 100.615 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2010.

Bên cạnh đó, hằng năm, Nhà nước đều bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ các địa phương và nông dân, mỗi năm từ 7.000 - 8.000 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, dịch bệnh... Ngoài ra, nguồn thu từ xổ số kiến thiết cũng được đầu tư cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn mỗi năm khoảng 8.000 tỷ đồng. Nhà nước còn hỗ trợ nông dân thông qua chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp khoảng 2.000 tỷ đồng, miễn thu thủy lợi phí khoảng 4.000 tỷ đồng.

Thứ hai, nguồn vốn ODA: Cùng với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, nguồn vốn ODA cho lĩnh vực nông nghiệp cũng ngày càng được mở rộng và tăng cường. Trong 20 năm (1996-2015), tổng lượng vốn ODA huy động trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vào khoảng hơn 6 tỷ USD, chiếm khoảng 7-8% tổng ODA cả nước, góp phần đáng kể thúc đẩy, thay đổi bộ mặt của ngành nông nghiệp. Trong đó, thủy lợi chiếm tỷ lệ ODA cao nhất với 45%, tiếp theo là nông nghiệp (21%), phát triển nông thôn (15%), lâm nghiệp (15%) và ít nhất là thủy sản chỉ với 4%. Ngân hàng Phát triển châu Á là nhà tài trợ có vốn lớn nhất cho ngành Nông nghiệp, chiếm 26%, tiếp đó là Ngân hàng Thế giới 25%...

Tỷ trọng vốn không hoàn lại trong lĩnh vực nông nghiệp tương đối cao trong tổng nguồn vốn huy động được, khoảng 350-400 triệu USD/năm. Tuy nhiên, do lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường xuyên đối mặt với rủi ro thiên tai, địch họa, thị trường bấp bênh nên hiệu quả của việc sử dụng vốn ODA chưa cao. Việc ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 61/2010/NĐ-CP về ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chính là cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư của các thành phần kinh tế, từ FDI, các DN trong nước và thu hút vốn ODA vào nông nghiệp nhiều hơn.

Thứ ba, nguồn vốn FDI: Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI đầu tư vào nông, lâm, thủy sản năm 2012 chỉ chiếm 0,6% trên tổng vốn đầu tư và đang có xu hướng giảm. Số liệu 9 tháng đầu năm 2014, ngành nông nghiệp chỉ nhận được 1,4% trong tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Thứ tư, nguồn vốn tư nhân: Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vốn đầu tư tư nhân rót vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn hạn chế, chiếm tỷ lệ rất thấp. Năm 2014, tỷ trọng DN đầu tư nông nghiệp chỉ chiếm 1,01% trong tổng số DN trên cả nước, chủ yếu là quy mô nhỏ; trong số này, số DN có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm đến 55%.

Trong 5 năm (2008 – 2013) chỉ có 3.486 DN nông nghiệp được thành lập nhưng có tới gần 475 DN bị giải thể. Bên cạnh số ít DN đầu tư bài bản, đa phần DN chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lực tài nguyên mà chưa quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại cho chế biến sâu. Liên kết giữa nông dân và DN còn lỏng lẻo.

Những thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Tóm lại, mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng trên thực tế mới chỉ đáp ứng được 55% - 60% yêu cầu, vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn. Tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, một số nơi vẫn xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư khiến vốn đầu tư đã ít lại bị lãng phí. Hệ số ICOR trong nông nghiệp cao hơn các ngành kinh tế khác, và cao hơn ICOR chung của cả nước, năng suất lao động chưa cao.

Việc thiếu vốn đầu tư vào nông nghiệp dẫn đến cở sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn lạc hậu. Điều này càng trở thành thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết tiêu cực trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng nông nghiệp, vốn đã yếu kém sẵn của Việt Nam. Cơ sở hạ tầng yếu, vừa đặt gánh nặng lên vai NSNN, vừa khó khăn trong thu hút FDI, vốn tư nhân, lại vừa hạn chế khả năng huy động các DN tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của nông sản.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng là đầu tư có tác động kép, nó không chỉ có tác dụng tăng cường sức chịu đựng cho nền sản xuất nông nghiệp trước các yếu tố thiên tai mà còn là động lực để chuyển dịch cơ cấu nông thôn, kéo theo sự thu hút đầu tư vào khu vực này. Thực tế cho thấy, những địa phương nào mà cơ sở hạ tầng yếu kém thì khó thu hút các nhà đầu tư và khi không thu hút được các nhà đầu tư thì khả năng cải tạo cơ sở hạ tầng càng hạn chế, khả năng chống chịu thiên tai không cao tạo nên một vòng luẩn quẩn là vùng nào cơ sở hạ tầng yếu kém thì ngày càng tụt hậu tạo nên sự phát triển không đồng đều giữa các vùng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ và Việt Nam là quốc gia chịu nhiều tác động trực tiếp thì các hạn chế trong đầu tư cho phát triển bền vững ngành Nông nghiệp ngày càng rõ nét. Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ngành nông nghiệp – ngành dễ tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.

Theo dự báo, tới cuối thế kỷ XXI trung bình nước biển dâng 78 - 95cm ở nước ta. Nếu nước biển dâng 1m thì sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập. Tính trên phạm vi cả nước, sẽ có 22 triệu người mất nhà cửa với thiệt hại lên đến 10% GDP. Từ năm 2005 đến 2014, trung bình hàng năm ở Việt Nam có đến khoảng 649 đợt thiên tai xảy ra như lũ lụt, mưa đá, bão, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở.

Về tổng thiệt hại kinh tế được đo lường bằng tiền, trung bình hàng năm trong vòng 10 năm từ 2005 đến 2014, nền kinh tế Việt Nam phải gánh chịu khoảng 5,2 tỷ USD. Tính trung bình trong 15 năm qua, thiên tai đã gây tổn hại khoảng 1,5% GDP hàng năm.

Biến đổi khí hậu với biểu hiện nước biển dâng, mức độ xâm thực mặn sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp cũng như chất lượng đất, vì thế, sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, sản lượng đầu ra của ngành nông nghiệp; Biến đổi khí hậu còn làm thay đổi thành phần đất nông nghiệp ảnh hưởng đến chất lượng đất và năng suất cây trồng, đồng thời làm thay đổi thời vụ cây trồng.

Giải pháp khơi thông vốn đầu tư phát triển nông nghiệp

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải hướng đến phát triển bền vững, đảm bảo ngành Nông nghiệp có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra, đảm bảo an toàn, an ninh lương thực, sinh kế cho người dân và ổn định, gia tăng quy mô xuất khẩu. Muốn vậy, cần đẩy mạnh thu hút và khơi thông các nguồn vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.

Một là, tiếp tục rà soát các dự án đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp đảm bảo vốn được phân bổ đúng vào các vùng, các lĩnh vực có khả năng tạo ra năng suất lao động cao, góp phần tạo ra động lực để thu hút các nguồn vốn khác đầu tư vào nông nghiệp. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư công.

Việc phê duyệt dự án mới phải dựa trên nguyên tắc lấy hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường làm mục tiêu ưu tiên lựa chọn dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và phân bổ vốn hàng năm. Ưu tiên phân bổ vốn đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, thủy lợi, nghiên cứu đầu tư khoa học công nghệ nhằm phát triển giống cây con mới có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần tăng năng suất cây trồng vật nuôi.

Hai là, Nhà nước cần có các cơ chế chính sách đột phá trong thu hút, tìm kiếm không chỉ vốn ODA lãi suất thấp mà còn cả vốn ODA lãi suất cao vào nông nghiệp và nông thôn để đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của nông dân. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả vốn ODA.

Ba là, cũng cần triển khai rất nhiều công việc có liên quan như đầu tư cơ sở hạ tầng tưới tiêu, hoàn thiện chính sách thúc đẩy đầu tư; có các chính sách mở rộng thêm các lĩnh vực như khai thác thị trường, bảo đảm các kênh bán hàng, áp dụng công nghệ chế biến… Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ hoặc tham gia trực tiếp vào lĩnh vực bảo hiểm trong nông nghiệp.

Bốn là, tăng cường hợp tác công tư để thu hút vốn đầu tư tư nhân vào nông nghiệp.

Năm là, điểm nghẽn lớn nhất khiến vốn FDI khó vào nông nghiệp là sự yếu kém của cơ sở hạ tầng và sự minh bạch của chính sách về những lĩnh vực đang khuyến khích DN FDI đầu tư vào nông nghiệp. Vì thế, Nhà nước cần xây dựng quy hoạch phát triển ngành gắn với các lĩnh vực cần ưu tiên trong thu hút FDI, đồng thời tăng cường đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Mậu Dũng (2010), “Biến đổi khí hậu và sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng: Thực trạng và Giải pháp”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 159, tháng 9/2010;

2. Nguyễn Thế Chinh và cộng sự (2006), “Bài giảng Phát triển bền vững”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại học Kinh tế Quốc dân, Chương trình Lồng ghép nội dung giảng dạy phát triển bền vững trong chương trình đào tạo hiện có ở Đại học Kinh tế Quốc dân;

3. Oxfam (2008), “Việt Nam: Biến đổi khí hậu, sự thích ứng và người nghèo”, Báo cáo của Oxfam;

4. Tô Văn Trường (2008), “Tác động của Biến đổi khí hậu đến An ninh lương thực quốc gia”, Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước KC 08/06-10.