Hội nhập quốc tế: Động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng

PV.

Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Nguồn: chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Nguồn: chinhphu.vn

Thông điệp này tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 tổ chức tại Hà Nội ngày 20/12 với chủ đề “Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới”.

Kết quả ấn tượng từ hội nhập kinh tế quốc tế

Trong những năm qua, công tác hội nhập quốc tế đạt một số kết quả khả quan. Theo đó, thu hút FDI thành công lớn, với khoảng 24.000 dự án, tổng vốn trên 320 tỷ USD. Nhiều FTA thế hệ mới được ký kết, nhiều thị trường mới được mở ra. Giai đoạn 2007-2017 Việt Nam đã nỗ lực thực thi cam kết WTO và một loạt FTA có yêu cầu đa dạng, phù hợp với năng lực của nhiều nhóm doanh nghiệp.

Nhờ đó, xuất khẩu hàng hóa luôn có xu hướng tăng, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân đạt khoảng 16,6%/năm. Năm 2007, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, đến năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục lập mốc 200 tỷ USD và ghi nhận con số 300 tỷ USD vào năm 2015. Tính đến giữa tháng 12/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã chính thức lập kỳ tích mới, đạt mốc 400 tỷ USD. Như vậy, sau 10 năm gia nhập WTO, quy mô xuất nhập khẩu tăng gấp 4 lần, từ 100 tỷ USD lên 400 tỷ USD...

Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, tồn tại. Theo đó, sức cạnh tranh chưa bắt kịp với hội nhập. Khu vực doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI chưa có sự liên kết hiệu quả. Nhận thức và hành động của một số ngành, địa phương, đặc biệt của người dân, doanh nghiệp về hội nhập chưa đầy đủ, nên hành động chưa đủ quyết liệt để chuyển tình thế phù hợp với hội nhập quốc tế.

Kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện

Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, tư tưởng bảo hộ thương mại đang xuất hiện ở một số nước, Việt Nam vẫn quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ Chính phủ kiến tạo để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn.

Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển, đồng thời luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách để cùng tháo gỡ những khó khăn đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các FTA để xây dựng phương án kinh doanh, sáng tạo vượt qua thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường liên kết thông qua các hiệp hội, ngành hàng để bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình cạnh tranh và đối phó với những rào cản mới trong thương mại quốc tế. Trong thực thi các hiệp định FTA, Chính phủ sẽ có những biện pháp phù hợp với những lĩnh vực còn tạm thời khó khăn của nền kinh tế để từng bước vươn lên.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế cần phát huy và tăng cường hơn nữa kết nối, điều phối các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, cần rà soát các thỏa thuận hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cam kết trong các FTA; Đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế...

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập.

Trong đó, cần tập trung nghiên cứu các vấn đề mới như tác động của việc tham gia các FTA thế hệ mới, xu hướng chuyển dịch trọng tâm hợp tác trong các khung khổ khu vực và toàn cầu như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, tác động của tình hình kinh tế chính trị thế giới tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam...