Hội nhập quốc tế và sự cần thiết của kiểm soát an ninh tài chính
Một hệ thống tài chính ổn định có thể trở nên bất ổn nếu các chính sách kinh tế vĩ mô không bền vững, các thỏa thuận dàn xếp về tỷ giá thiếu tính tin cậy, giám sát tài chính yếu kém, tính minh bạch tài chính không đầy đủ, kỷ luật thị trường trong khu vực ngân hàng và doanh nghiệp lỏng lẻo. Do vậy, muốn đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững, cần nắm bắt được các nguyên nhân sâu xa gây ra những bất ổn để có giải pháp ngăn chặn kịp thời các nguy cơ gây tổn hại cho hệ thống tài chính trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.
Tầm quan trọng của cơ chế kiểm soát tài chính – tiền tệ
Để làm nổi bật sự cần thiết của việc kiểm soát an ninh tài chính nói riêng và an ninh kinh tế nói chung trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, bài viết nghiên cứu và nhận diện những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; của quá trình tự do hóa thương mại và tự do hóa tài chính đến tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.
Đối với tự do hoá thương mại
Trong điều kiện các quốc gia có mức lạm phát thấp, tỷ giá và cung tiền ổn định, không mở cửa tài chính đồng thời với mở cửa thương mại, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tự do hóa thương mại sẽ tác động đến an ninh tài chính và tăng trưởng kinh tế trên một số phương diện sau:
(i) Đối với nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN): Với các nước công nghiệp phát triển, mối liên hệ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách thương mại không thật sự khăng khít. Theo đó, Chính phủ có thể vay để bù đắp ngân sách mà không cần đến “cứu cánh” của ngân hàng trung ương, nguồn thu từ thuế nhập khẩu không phải là nguồn thu quan trọng của Chính phủ.
Ngược lại, ở các nước đang phát triển, chính sách tiền tệ và tài chính có liên quan chặt chẽ với nhau hơn, bởi khả năng tài trợ thâm hụt ngân sách hạn chế. Hơn nữa, tại các nước này (trong đó có Việt Nam), thuế xuất, nhập khẩu được coi là nguồn thu đáng kể cho NSNN. Nhìn chung, trong ngắn hạn, tự do hóa thương mại có những tác động tiêu cực đến thu ngân sách như sau:
- Trong thời gian đầu, việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu ngân từ thuế nhập khẩu. Tự do hóa thương mại thường gây ra chệch hướng thương mại làm giảm nguồn thu ngân sách. Mức thất thu từ thuế nhập khẩu do tác động này có xu hướng giảm dần theo quá trình gia nhập vào các khối, các liên minh kinh tế lớn hơn với số thành viên ngày càng nhiều.
- Nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp (DN) làm ăn có lãi từ khu vực sản xuất thay thế hàng nhập khẩu sẽ giảm sút và sự thâm hụt này chưa được bù đắp tức thời từ các DN xuất khẩu mới làm ăn hiệu quả.
- Việc thua lỗ của các DN nhà nước (DNNN) trong khu vực thay thế hàng nhập khẩu sẽ kéo theo sự suy giảm NSNN, đặc biệt là khi các DN cố kéo dài không giảm mức lương thực tế hoặc trợ cấp cho công nhân.
(ii) Đối với cán cân vãng lai: Các hoạt động của quá trình tự do hóa thương mại hầu hết được phản ánh trong các hạng mục của cán cân vãng lai, đặc biệt là cán cân thương mại. Cán cân thương mại một quốc gia sẽ thâm hụt hay thặng dư phụ thuộc chủ yếu vào khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu hay là giá quốc tế của hàng hóa xuất nhập khẩu, chính sách tỷ giá hối đoái, chính sách lãi suất, chính sách thương mại của Chính phủ.
Như vậy, tự do hóa thương mại có tác động đáng kể lên cán cân thương mại và cán cân vãng lai, gây nên thâm hụt hay thặng dư, tăng gánh nặng nợ nước ngoài, gây ra thiệt hại khác nhau cho ngân sách.
Đối với tự do hoá tài chính
Tự do hóa tài chính chứa đựng rất nhiều nguy cơ bất ổn sau cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Đông Nam Á năm 1997. Các nước ngày càng coi trọng vấn đề an ninh tiền tệ trong chiến lược an ninh quốc gia, đồng thời, đã đưa ra hàng loạt các biện pháp và cơ chế nhằm phòng ngừa rủi ro tiền tệ. An ninh tài chính cũng là nền tảng quan trọng trong hệ thống an ninh quốc gia, do đó trong chiến lược an ninh tài chính cần coi trọng và phòng tránh rủi ro tài chính.
Hội nhập tài chính có thể làm tăng tính bất ổn theo hai cách: Có thể mở rộng nền kinh tế của các nước đang phát triển làm cho nền kinh tế tiếp cận trực diện với những nguồn gốc mới của những cú sốc trong kinh tế quốc tế; Khuếch đại và làm trầm trọng thêm những cú sốc trong nước. Trong thực tế, các nước thường gặp phải những rủi ro tài chính điển hình sau:
Thứ nhất, rủi ro tài chính đối với các khoản nợ nước ngoài không kiểm soát: Các nước đang phát triển với nền kinh tế hầu như không có tích lũy rất cần một lượng vốn lớn, đặc biệt là vốn bên ngoài để làm động lực phát triển kinh tế – xã hội. Huy động nguồn ngoại lực để phát triển là một hướng đi đúng đối với các nước này.
Tuy nhiên, nợ nước ngoài lại tiềm ẩn nhiều rủi ro tác động tiêu cực đến an ninh tài chính quốc gia. Vấn đề đặt ra đối với mọi quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển là phải đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong lĩnh vực vay nợ nước ngoài, tức là đảm bảo cho tài chính ổn định, an toàn, vững mạnh và phát triển, có khả năng tiếp nhận sự di chuyển của các luồng vốn vay quốc tế trên cơ sở các luồng vốn được thu hút hợp lý, sử dụng hiệu quả, đảm bảo khả năng hoàn trả nợ kết hợp với sự đảm bảo quốc gia có một cán cân thanh toán quốc tế bền vững, tỷ giá hối đoái ổn định và dự trữ ngoại hối đáp ứng yêu cầu dự phòng của nền kinh tế.
Xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa tài chính góp phần tăng mạnh luồng vốn rót vào các nước đang phát triển và phân bổ có hiệu quả hơn các khoản tiết kiệm và đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, cơ chế kiểm soát vốn thiếu hiệu quả, không có “van an toàn” bằng khuôn khổ pháp lý đồng bộ quy định mức lãi suất, cơ chế giám sát phân loại nợ, trích lập quỹ dự phòng, đã làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính tiền tệ khi các nhà đầu tư đột ngột rút vốn.
Bên cạnh các khoản nợ nước ngoài của tư nhân, nợ nước ngoài của Chính phủ nếu không có khả năng trả nợ cũng có thể đưa đến rủi ro và châm ngòi cho khủng hoảng tài chính. Các cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra liên tiếp ở các nước đang phát triển vừa qua, đặc biệt là khủng hoảng nợ ở Arghentina hồi đầu năm 2002 là những hồi chuông cảnh báo về yêu cầu đảm bảo an ninh vay nước ngoài.
Nền kinh tế Việt Nam đang trong tiến trình đổi mới, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều chính sách kinh tế – tài chính đang cần được đổi mới cho phù hợp và việc nghiên cứu chủ trương, chính sách, biện pháp đảm bảo an ninh vay nợ nước ngoài là một yêu cầu cấp thiết để phát triển nền kinh tế nước ta một cách bền vững.
Thứ hai, rủi ro tài chính trong kinh doanh chứng khoán: Khi thị trường biến động xấu, sự giảm sút của giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ kéo theo việc rút vốn đột ngột ra khỏi các tài sản đầu tư gián tiếp, gây nên áp lực rất lớn đối với tỷ giá ngoại tệ, nhất là khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chuyển đổi tiền tệ thu được từ bán cổ phiếu thành ngoại tệ mạnh. Theo đó, tính ổn định của hoạt động tài chính trong nước sẽ bị đe dọa nếu như hệ thống tài chính này không có khả năng đảm bảo để chống lại các rủi ro.
Thứ ba, rủi ro tài chính tập trung thể hiện ở rủi ro về công nợ như: Nợ quá hạn trong các tổ chức tín dụng; DN bao gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng thua lỗ; tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng và các DN yếu kém chứa đựng nguy cơ mất khả năng thanh toán; hiệu quả sử dụng vốn vay thấp, khó thu hồi vốn để trả nợ; nợ nước ngoài so với GDP vượt mức độ an toàn...
Sự bất ổn gây tác hại cho quá trình hoạt động của nền kinh tế thể hiện dưới nhiều góc độ khác nhau. Nó có thể làm suy yếu tình trạng tài chính của những đơn vị phi tài chính như các hộ gia đình, các DN và các chính phủ. Nó cũng có thể làm gián đoạn hoạt động của những thể chế và thị trường tài chính đặc biệt. Một điều khó tránh khỏi đó là những thay đổi trong giá cả chứng khoán hoặc lãi suất mang lợi ích cho một vài người và bất lợi cho người khác.
Tóm lại, những nguy cơ trên có thể dễ dàng chuyển hóa thành các cuộc khủng hoảng đe dọa an ninh tài chính. Vì thế, thiết lập một cơ chế kiểm soát tài chính – tiền tệ để phòng ngừa, phát hiện kịp thời và ngăn chặn các dấu hiệu xấu trong nền kinh tế – tài chính là một điều hết sức cần thiết hiện nay. Từ đó cho thấy, an ninh tài chính là một khái niệm cơ bản, là điều kiện thiết yếu đặt ra với tất cả các quốc gia nhất là những quốc gia đang và chậm phát triển để giữ cho nền tài chính tồn tại và phát triển nói riêng, đảm bảo an ninh kinh tế và phát triển bền vững nói chung.
Yêu cầu kiểm soát an ninh tài chính tại Việt Nam
Kinh nghiệm của các nước trong kiểm soát an ninh tài chính đã chỉ rõ, việc thực hiện tự do hóa tài chính khi chưa tạo lập đầy đủ các điều kiện và tiền đề cần thiết có thể gây ra những hậu quả không tốt cho nền kinh tế, thậm chí có thể dẫn tới khủng hoảng. Do đó, để tránh được những rủi ro, hạn chế được những tác động tiêu cực có thể xảy ra của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tự do hóa tài chính đến nền kinh tế nhằm đảm bảo an ninh tài chính thì trong quá trình áp dụng Việt Nam cần nghiên cứu một cách toàn diện những kinh nghiệm và bài học của thế giới, đặc biệt là các nước có tình hình kinh tế tương tự Việt Nam.
Nhìn sang các nước trong khu vực có thể thấy, iệc ra đời của các công nghệ mới, áp dụng các công cụ tài chính phức tạp, xu hướng chấp nhận tự do hoá tài khoản vốn, cơ chế tỷ giá thả nổi… đã làm cho hệ thống tài chính cũ của các nước ASEAN không còn phù hợp, buộc các nước ASEAN áp dụng những chính sách, hệ thống tài chính mới và các hoạt động giám sát thận trọng hỗ trợ tự do hoá hệ thống tài chính. Chính vì vậy, cần có sự giám sát và cơ chế giám sát khu vực hoạt động như hệ thống cảnh báo sớm, bổ sung cho cơ chế giám sát toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cuối năm 1997 đầu năm 1998, Hội nghị Bộ trưởng tài chính ASEAN đã quyết định thành lập Cơ chế giám sát ASEAN.
Theo đó, các lĩnh vực giám sát cụ thể bao gồm: Các luồng vốn quốc tế và tự do hoá tài chính (bao gồm các khoản nợ, đầu tư trực tiếp và gián tiếp, tỷ giá, chứng khoán phái sinh...); Ngân hàng và tài chính quốc tế (chính sách tiền tệ, tài khoá, tỷ giá...); Các chỉ số thị trường tài sản; Các chỉ số khu vực du lịch; Các chỉ số hội nhập khu vực (kim ngạch thương mại trong khối ASEAN về hàng hoá, dịch vụ, di chuyển vốn, lao động...); Các chỉ số về năng suất và cạnh tranh.
Kiểm soát an ninh tài chính là một vấn đề không mới nhưng hết sức cần thiết đối với Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Tác động của tự do hóa thương mại và tự do hóa tài chính kết hợp với những bài học kinh nghiệm về kiểm soát an ninh tài chính ở các nước cho thấy, ổn định của hệ thống tài chính là điều cần thiết.
Để duy trì an ninh tài chính cần có một cơ chế vững chắc nhằm ngăn ngừa và kiểm soát rủi ro thông qua xây dựng hệ thống giám sát tài chính, từ đó phân tích các vấn đề khủng hoảng tài chính bao gồm: những bất ổn tiềm ẩn xoay quanh cán cân thanh toán, cấu trúc các dòng vốn và vấn đề nợ quốc gia…
Mặt khác, cũng cần nâng cao tính minh bạch và duy trì năng lực phản ứng với các kiệt quệ tài chính, mất khả năng chi trả của hệ thống ngân hàng. Những kinh nghiệm phát triển thành công nhất đều dựa trên vai trò lãnh đạo quyết đoán của Chính phủ trên cơ sở được cung cấp đầy đủ thông tin đáng tin cậy về những thách thức phát sinh trong quá trình phát triển đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1. PGS., TS. Trần Ngọc Thơ, “Kinh tế Việt Nam trên đường hội nhập – Quản lý quá trình tự do hóa tài chính”, NXB Thống kê 2005;
2. TS. Nguyễn Thị Ngọc Trang “Chống rửa tiền và chủ trương tự do hóa dòng chu chuyển vốn quốc tế”, Tạp chí Phát triển Kinh tế, tháng 7 năm 2005;
3. CIFP Risk assessment Template, Assessing country risk: Creating an Index of Severity – 2001;
4. Fanie Gagiano, Changes in country risk and capital flows due to Asian crisis;
5. Aswath Damodaran, Measuring company exposure to country risk: Theory and practice – 9/2003. IMF, World economic outlock 2003;
6. Hye Jee Cho, Political Risk, Labor Standards, and Foreign Direct Investment.