Hơn 3.700 sản phẩm bất động sản được giao dịch trong quý II/2023
Ngày 14/7, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Theo dữ liệu báo cáo của VARS, trong quý II có khoảng 3.704 sản phẩm được giao dịch (xấp xỉ 18% tổng nguồn cung mở bán mới), tăng hơn 30% so với quý I/2023, nhưng vẫn giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Giao dịch giảm 40% so với cùng kỳ
Theo VAR, thị trường BĐS quý II/2023 đã có chuyển biến tích cực hơn so với quý I/2023, nhưng vẫn cần thêm các động lực mạnh mẽ hơn để có thể tạo sức bật, giúp thị trường sớm “đảo chiều”. Nguồn cung ra thị trường trong quý đạt khoảng 20.000 sản phẩm.
Lượng giao dịch trong quý II/2023 ghi nhận phục hồi nhẹ, đạt khoảng 3.704 giao dịch (xấp xỉ 18% tổng nguồn cung mở bán mới), tăng hơn 30% so với quý I/2023, nhưng giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Các sản phẩm được giao dịch đều là các sản phẩm có chất lượng xây dựng cao, pháp lý minh bạch với giá thành phù hợp. Trong đó, 80% lượng giao dịch là căn hộ chung cư có pháp lý “sạch”, phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín. Phát sinh từ cả các khách hàng mua phục vụ nhu cầu ở thực và cả nhà đầu tư.
Lượng giao dịch chỉ có thể bật tăng nếu nguồn cung trên thị trường được cải thiện với nhiều sản phẩm đa dạng, với mức giá phù hợp với thu nhập trung bình cũng như tài sản đã tích lũy của đại đa số người dân. Nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính do tình hình kinh tế chung, bị chôn vốn ở các dự án trước đó trong khi điều kiện vay mua ngày càng siết chặt.
Dữ liệu của VARS cũng cho thấy, trong quý II/2023, giá BĐS nhà ở thứ cấp, đặc biệt là sản phẩm đất nền trong dân có sự phân hóa theo phân khúc giá. Dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu thực có giá dưới 2 tỷ đồng/sản phẩm ghi nhận mức giá tăng khoảng 5% - 7% so với quý I, một số khu vực ghi nhận hàng trăm giao dịch thành công.
Phân khúc căn hộ chung cư tiếp tục tăng cao với nhu cầu thuê, mua tăng vọt, nhất là ở phân khúc bình dân và trung cấp.
Trong khi các sản phẩm cao cấp, đầu tư giá tiếp tục có sự điều chỉnh giảm từ 20% - 30% so với đỉnh sốt với tốc độ thanh khoản chậm, đây vẫn là mức giá “cắt lãi" khi mua trực tiếp từ chủ đầu tư của các nhà đầu tư trung, dài hạn.
Phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận mức giảm kỷ lục tới 90% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ giao dịch trong quý II/2023 đối với các sản phẩm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng giảm tới 97% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính tổng 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giao dịch giảm khoảng 96% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với phân khúc BĐS văn phòng, bán lẻ cho thuê, trên thị trường có hiện tượng tồn kho mặt bằng cho thuê, đặc biệt là ở các căn nhà phố riêng lẻ. Cùng với việc các doanh nghiệp thu hẹp dần quy mô, nguy cơ “dư cung” có thể xảy ra với phân khúc BĐS văn phòng, bán lẻ cho thuê.
Về loại hình BĐS công nghiệp vẫn tiếp tục “sáng cửa”, VAR cho rằng, thị trường BĐS công nghiệp vẫn tiếp tục “sáng cửa” bất chấp khó khăn chung của thị trường.
Nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo.
Thị trường chứng kiến sự xuất hiện của các khu công nghiệp mới, được đầu tư theo hướng hiện đại, tự động hóa, đặc biệt chú trọng đến tiêu chí “xanh” với các biện pháp nhằm giảm phát thải CO2. Đây là yếu tố quan trọng góp phần tăng tính cạnh tranh và sức hút cho các khu công nghiệp Việt Nam trong cuộc đua thu hút FDI.
Nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn ngoại
Qua theo dõi, đánh giá thị trường BĐS thời gian qua, VARS cho rằng, vấn đề vướng mắc chủ yếu của thị trường BĐS hiện nay liên quan đến nguồn vốn, quỹ đất, chính sách, tạo thế kiềng ba chân nhưng không phải là trụ đỡ giúp thị trường vực dậy mà đang như lưới bủa vây, khiến thị trường chưa thể khởi sắc.
Để đạt được mục tiêu xoay chuyển thị trường, VARS kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể rõ ràng và chi tiết về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của các đối tượng trong việc soát xét, thẩm định, phê duyệt hồ sơ; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giãn, hoãn các khoản nợ vay, thuế và một số nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ngoại từ các quỹ đầu tư nước ngoài; đồng thời, có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động M&A.
“Cơ quan quản lý nhà nước cần phải xác định đúng vị trí các điểm nghẽn và xử lý theo đúng trình tự vẫn là yếu tố cốt lõi. Bởi lẽ, nếu điểm nghẽn trước chưa thông thì việc thông điểm nghẽn sau về bản chất không giải quyết được vấn đề”, báo cáo của VARS nêu rõ.