Hơn 30.000 tỷ đồng nợ xấu được thu hồi
Trong năm 2017, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã phối hợp với các tổ chức tín dụng (TCTD) thu hồi được 30.700 tỷ đồng nợ xấu.
Năm 2017, VAMC đã mua nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt đạt 32.377 tỷ đồng, dư nợ gốc nội bảng với giá mua là 31.831 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt đầu năm.
Lũy kế từ khi thành lập đến hết 31/12/2017, VAMC đã thực hiện mua được 26.221 khoản nợ của 16.269 khách hàng tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 307.932 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong năm qua VAMC cũng đã ký hợp đồng với 5 TCTD để mua nợ theo giá thị trường đối với 6 khách hàng với tổng giá mua nợ là 3.142,07 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch mua nợ thị trường đã được NHNN phê duyệt.
Trong đó, VAMC đã thanh toán dứt điểm cho 3 TCTD trong năm 2017. Số tiền phải thanh toán còn lại, VAMC đã thỏa thuận với các TCTD cho VAMC chậm trả với thời hạn từ 6 – 9 tháng để VAMC có đủ thời gian thực hiện xử lý, thu hồi nợ và thanh toán cho các TCTD.
Sau khi mua nợ, VAMC đã và đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, triển khai công tác xử lý nợ và đã thu hồi được 130,38 tỷ đồng từ các khoản nợ mua theo giá thị trường. Dự kiến sẽ thu hồi đủ số tiền mua nợ trong quý I và quý II năm 2018.
Về thu hồi nợ, năm 2017, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được 30.700 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch thu hồi nợ năm 2017 được NHNN giao (22.000 tỷ đồng) tăng 2.700 tỷ đồng so với năm 2016.
Tại Hội nghị triển khai triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2018 của VAMC, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã đề nghị VAMC tập trung xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2018, tập trung mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường; chỉ thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng bán nợ xấu trong việc thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm… đối với nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo hết năm 2018 xử lý được tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua. Hoàn thành mua nợ xấu theo giá trị thị trường tối thiểu 6.600 tỷ đồng thông qua các giải pháp được phê duyệt tại Đề án cấu lại và nâng cao năng lực hoạt động của VAMC giai đoạn 2017 – 2020 hướng tới 2022.
Trước đó, lãnh đạo VAMC đã chia sẻ giải pháp đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, theo đó để thực hiện được một trong những biện pháp hỗ trợ TCTD bị kiểm soát đặc biệt trong việc xử lý khoản nợ không có tài sản bảo đảm hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên, không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, cần có các quy định đặc thù hơn để VAMC có thể xử lý các khoản nợ mua theo các trường hợp này.
Ngoài ra, nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xử lý nợ xấu, VAMC kiến nghị, sửa đổi, bổ sung Nghị định 53/2013/NĐ-CP quy định Công ty Quản lý tài sản là doanh nghiệp hạng đặc biệt. Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 42 cũng như sửa đổi Khoản 6 Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về quy định việc ủy quyền nội dung kháng cáo phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp là những quy định có ý nghĩa quan trọng để đẩy nhanh thời gian giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo.