Hồng Kông có ý nghĩa như thế nào với kinh tế thế giới?
(Tài chính) Biểu tình kéo dài ảnh hưởng tới các hoạt động thương mại của Hồng Kông, gây nên những hiệu ứng đối với mọi mặt của kinh tế toàn cầu, từ ngân hàng đến bảo hiểm, hoạt động thương mại và đồng nhân dân tệ.
Trong những ngày này, Hồng Kông là địa danh thu hút được nhiều sự chú ý của báo chí thế giới với phong trào biểu tình “Chiếm trung tâm” (Occcupy Centre).
Cuộc biểu tình ở Hồng Kông xuất phát từ việc Trung Quốc đã không thực hiện lời hứa để người dân Hong Kong tham gia trực tiếp bầu trưởng đặc khu vào năm 2017. Hàng chục nghìn người rầm rộ xuống đường biểu tình, khiến khu trung tâm của thành phố này gần như tê liệt. Trường học và các cửa hàng đóng cửa, hoạt động kinh doanh của một số ngân hàng và nhà bán lẻ bị ảnh hưởng. Nhân viên văn phòng ở khu trung tâm phải đi bộ hoặc đi tàu điện ngầm tới nơi làm việc vì các con đường đã bị chặn.
Các hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch và Standard & Poor’s nhận định trong ngắn hạn, các cuộc biểu tình sẽ không có ảnh hưởng đến xếp hạng của Hồng Kông. Tuy nhiên, rõ ràng là biểu tình kéo dài sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động thương mại của Hồng Kông, từ đó gây nên những hiệu ứng đối với mọi mặt của kinh tế toàn cầu, từ ngân hàng đến bảo hiểm, hoạt động thương mại và đồng nhân dân tệ.
Nhờ vị trí là cửa ngõ giúp nhà đầu tư quốc tế tiếp cận với Trung Quốc đại lục, Hồng Kông vẫn là trung tâm tài chính và thương mại mang tầm cỡ toàn cầu. Giá trị hàng hóa được giao dịch qua Hồng Kông đạt 977 tỷ USD trong năm 2013, tương đương 5,2% tổng giá trị thương mại toàn cầu.
Hồng Kông hiện được coi là trung tâm tài chính quan trọng thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau London và New York. Thậm chí trong những năm gần đây, đặc khu này đang dần thu hẹp khoảng cách với các đối thủ ở phương Tây nhờ những lợi thế về môi trường kinh doanh, luật thuế và nguồn nhân lực.
Biểu đồ: Bảng xếp hạng các trung tâm tài chính thế giới theo Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI*)
Hồng Kông vẫn là cửa ngõ đón dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc thu hút 124 tỷ USD vốn đầu tư toàn cầu, và dựa theo các năm trước đó, khoảng một nửa trong số này chảy qua Hồng Kông. Đồng thời, khoảng 60% số vốn Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài cũng chảy qua Hồng Kông.
Hồng Kông cũng là “nhà” của hơn 3.700 văn phòng khu vực của các công ty nước ngoài. Hơn 80% trong số này chịu trách nhiệm cho các công ty hoạt động ở Trung Quốc.
Hồng Kông là mảnh đất màu mỡ đối với các ngân hàng đầu tư. Theo số liệu của Reuters, 6 tháng đầu năm nay, các ngân hàng đầu tư đã thu được 502 triệu USD tiền phí – cao gấp đôi so với các đại điểm khác như Singapore, Hàn Quốc và Malaysia trong cùng kỳ.
Đây là trung tâm giao dịch ngoại tệ lớn thứ 5 thế giới và là trung tâm giao dịch nhân dân tệ lớn nhất. Tháng 4 năm ngoái, giao dịch bằng nhân dân tệ chiếm 49,5 tỷ USD trong số 275 tỷ USD khối lượng ngoại tệ được giao dịch trung bình trong 1 ngày.
Khối lượng ngoại tệ được giao dịch trung bình trong 1 ngày
Vừa qua, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã chọn New York làm nơi niêm yết cổ phiếu thay cho Hồng Kông bởi có một số điểm bất đồng trong quy định về quyền bỏ phiếu của cổ đông. Tuy nhiên, Hồng Kông vẫn là điểm đến ưa thích cho các vụ IPO. Hồng Kông đứng thứ hai thế giới về tổng giá trị các vụ IPO được thực hiện tại đây trong 1 thập kỷ vừa qua.
Hồng Kông cũng nằm trong top 5 các cảng container lớn nhất thế giới, với khối lượng hàng hóa lớn gấp 5 lần cảng lớn nhất nước Mỹ là Los Angeles. Hầu hết hàng hóa đi qua đây là những nguyên liệu thô nhập vào Trung Quốc và hàng hóa đã hoàn thành mà Trung Quốc xuất khẩu ra nước ngoài.
* Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (The Global Financial Centres Index – GFCI) là chỉ số xếp hạng mức độ cạnh tranh của các trung tâm tài chính dựa trên hơn 26.000 đánh giá thu được từ một cuộc khảo sát trực tuyến, kết hợp với các chỉ số công bố bởi World Bank, OECD và Economist Intelligence Unit. Chỉ số này được tính toán và công bố hai lần mỗi năm.