Hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền
(Tài chính) Trước những tác hại do rửa tiền gây ra, các quốc gia ngày càng nhận thấy phải có các chương trình phòng, chống rửa tiền tổng thể. Trong đó, các hoạt động hợp tác song phương và đa phương chống nạn rửa tiền ở nhiều cấp độ khác nhau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
Yêu cầu cấp thiết từ thực tế
Theo cách hiểu phổ biến nhất thì rửa tiền là hành động chuyển lợi nhuận thu được từ những hoạt động phạm pháp sang lợi nhuận hợp pháp. Đối tượng rửa tiền thường chuyển tiền đan xen với các nguồn tiền hợp pháp và chuyển qua lại giữa các hoạt động kinh doanh bằng nhiều tài khoản khác nhau, hoặc giữa tài khoản trong nước với tài khoản nước ngoài.
Rửa tiền gây ra những hậu quả kinh tế - xã hội nghiêm trọng, ảnh hưởng tới an ninh và uy tín quốc gia, làm suy yếu nền kinh tế, cũng như quá trình cải tổ nền kinh tế. Trước những tác hại do rửa tiền gây ra, cộng đồng quốc tế cũng như từng quốc gia ngày càng nhận thấy phải có các chương trình chống rửa tiền tổng thể.
Công cuộc chống rửa tiền được các quốc gia tiến hành bắt đầu từ những năm 1970. Tuy nhiên, các biện pháp chống rửa tiền thời gian này hầu như mới chỉ dừng lại ở các quy định hành chính và phòng ngừa. Những kẻ phạm tội đã sử dụng hệ thống tài chính quốc tế cởi mở để thu lợi từ dòng vốn dịch chuyển tự do trên toàn thế giới, che giấu các nguồn gốc bất hợp pháp của các khoản tiền tội lỗi và tiếp tục những hoạt động phi pháp của chúng.
Hợp tác quốc tế chống rửa tiền
Phòng, chống rửa tiền thực sự được quốc tế hóa từ những năm 1980 và một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên được thành lập nhằm hạn chế, ngăn ngừa loại tội phạm này là Lực lượng đặc nhiệm tài chính chống rửa tiền, hay còn gọi là FATF vào năm 1989. Tổ chức này do các ngân hàng, các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà lãnh đạo của nhóm G7 thành lập, đến nay có 34 quốc gia thành viên trải khắp các châu lục. Đây là một tổ chức liên chính phủ có uy tín và thực lực, đi tiên phong trong việc điều tra, ngăn cản hoạt động rửa tiền, tư vấn cho các quốc gia về các biện pháp chống lại nạn rửa tiền đang ngày càng hoành hành trên thế giới. FATF có sự hợp tác chặt chẽ với Interpol – Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế.
FATF có trách nhiệm kiểm soát những mánh khoé và xu hướng rửa tiền, giám sát hoạt động quốc nội và quốc tế, xác định các nguyên nhân phát sinh và đưa ra các biện pháp ngăn ngừa tệ nạn này. Việc các quốc gia tham gia vào tổ chức này là mang tính tự nguyện, nhưng 40 khuyến nghị của FATF được tiếp nhận trong pháp luật nhiều nước, thậm chí nhiều trong số khuyến nghị đó đã được quy định bắt buộc trong một số điều ước quốc tế.
Hiện nay, với nỗ lực tạo sức mạnh đồng bộ của cả cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc đã có Chương trình chống rửa tiền toàn cầu. Chương trình toàn cầu chống rửa tiền ra đời từ năm 1997 với phương châm giúp các nước thành viên nâng cao trình độ áp dụng các biện pháp chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, đồng thời hỗ trợ các nước thành viên phát hiện, bắt giữ, tịch thu các khoản tiền bất hợp pháp thông qua việc hỗ trợ đào tạo và kỹ thuật.
Trong bối cảnh của cuộc chiến chống rửa tiền dựa trên quan điểm toàn cầu, các cơ quan ở các quốc gia khác nhau trên toàn cầu đã nhanh chóng trao đổi thông tin và tiến hành hợp tác quốc tế đã và đang trở thành một điều kiện tiên quyết cho thành công.
Hợp tác quốc tế ngày càng cần thiết ở mọi giai đoạn điều tra chống rửa tiền (đó là các giai đoạn thu thập thông tin tình báo tài chính, điều tra và truy tố). Ví dụ, ở giai đoạn thu thập thông tin tình báo tài chính đối với một vụ rửa tiền, các đơn vị tình báo tài chính (FIU) cần phải trao đổi thông tin với các đối tác của họ ở nước ngoài để có thể phân tích một cách đúng đắn các báo cáo về hoạt động đáng ngờ và các thông tin tài chính được tiết lộ khác. Có thể nói là những việc đúng như vậy cũng cần thiết cho giai đoạn điều tra để cảnh sát có thể điều tra thành công các vụ rửa tiền. Khả năng trao đổi thông tin nhanh chóng với các đối tác nước ngoài mà không gặp phải một trở ngại hoặc chậm trễ phi lý nào đang ngày càng trở thành một nét chủ yếu của bất kỳ một FIU, cơ quan thi hành pháp luật hoặc công tố nào.
Việt Nam và vấn đề hợp tác quốc tế chống rửa tiền
Phòng chống rửa tiền là một vấn đề mới đối với Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã có những bước đi cần thiết để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực trên như việc Quốc hội thông qua Luật phòng chống rửa tiền, Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định hướng dẫn thực thi luật… qua đó tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho hoạt động phòng chống rửa tiền và chống cung cấp vốn cho khủng bố.
Thời gian gần đây, Việt Nam cũng đã có sự hợp tác chặt chẽ với các nước và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này. Theo đó, NHNN Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm về phòng, chống rửa tiền, đáp ứng được thông lệ quốc tế, phù hợp với hệ thống khuôn khổ pháp lý cũng như thực tiễn hệ thống ngân hàng tài chính của Việt Nam.
Từ năm 2007 Việt Nam cũng đã trở thành thành viên chính thức của Nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (APG) có nghĩa vụ cùng các thành viên khác thực hiện 40+9 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).