Hướng đến nền tài chính quốc gia phát triển nhanh, toàn diện, bền vững

Minh Hà

Ngày 20/9/2018, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 với chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam” do Bộ Tài chính tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, tái cấu trúc nền tài chính công là một nhiệm vụ then chốt quan trọng của cả giai đoạn 2016 - 2020 đối với lĩnh vực tài chính nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh, toàn diện và bền vững.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018.

Qua 3 năm thực hiện nhiệm vụ tái cấu trúc nền tài chính công, đến nay Việt Nam đã chặn được đà giảm sút nguồn lực huy động vào ngân sách nhà nước (NSNN). Giai đoạn 2010 - 2015 là giai đoạn tỷ lệ huy động nguồn lực vào NSNN suy giảm chỉ đạt khoảng 20 - 21%, thuế, phí đạt 18 - 22%. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội tăng dẫn tới bội chi, nợ công tăng khá cao. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, tạo thuận lợi môi trường đầu tư, mở rộng cơ sở thuế, đến nay, tỷ lệ động viên nguồn lực vào NSNN đã đạt trên 23%.

Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn do được điều chỉnh theo hướng tăng tỷ trọng các khoản thu gắn trực tiếp với hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tổng thu NSNN. Cơ cấu chi NSNN cũng được điều chỉnh theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển với việc đa dạng hóa, xã hội hóa nguồn lực đầu tư, chi cho y tế, giáo dục nhằm mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội.

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 đã thu hút sự tham dự của khoảng 300 đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước.
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 đã thu hút sự tham dự của khoảng 300 đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước.

Cùng với đó, chính sách tài chính cho an sinh xã hội cũng tiếp tục được sửa đổi; các chính sách về bảo vệ môi trường cũng được tăng cường như thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, chi sự nghiệp bảo vệ môi trường...

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều biện pháp đổi mới, tăng cường quản lý nợ công đã được quyết liệt triển khai thực hiện, qua đó nợ công đã được kiểm soát tốt hơn, chỉ tiêu an toàn nợ công vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công. Cơ cấu nợ được điều chỉnh hợp lý hơn, nghĩa vụ trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn.

Thị trường vốn, thị trường bảo hiểm từng bước được cơ cấu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng tổ chức kinh doanh chứng khoán, các doanh nghiệp bảo hiểm, phát triển nhà đầu tư có tổ chức, qua đó tăng cường huy động vốn, tạo nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế. Cùng với đó, việc cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp nhà nước cũng được chú trọng nhằm đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn,  bên cạnh những thành tựu đạt được, tái cấu trúc nền tài chính công cũng đối mặt với một số thách thức như: Tỷ lệ động viên vào NSNN chưa thực sự bền vững, một số nguồn thu ở địa phương vẫn còn phụ thuộc vào bán tài sản công, bán quyền sử dụng đất; tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại vẫn còn nguy cơ lớn; Chi NSNN ở mức cao, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn và là các khoản chi khó cắt giảm. Trong khi đó, nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội vẫn rất lớn; thị trường tài chính phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tính đồng bộ…

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018.

“Trước những khó khăn, thách thức trên, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 được tổ chức với chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhah và bền vững của Việt Nam” nhằm tập hợp trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong và ngoài nước để cùng tham gia thảo luận, chia sẻ các nghiên cứu, các quan điểm để hình thành một hệ thống các luận cứ khoa học cho việc đề xuất, kiến nghị về tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 đã thu hút sự tham dự của khoảng 300 đại biểu đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… các tổ chức quốc tế bao gồm Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, Viện Nghiên cứu chính sách (Bộ Tài chính Nhật Bản)…

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề: Tổng quan về phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và về nền tài chính quốc gia; Hiện trạng nền tài chính công của Việt Nam và sự cần thiết phải tái cấu trúc tài chính công nhằm hướng tới mục tiêu phát triển, toàn diện và bền vững của đất nước; Những thách thức đối với an sinh xã hội; Tái cấu trúc thị trường tài chính hướng dến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Thành công của Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2018 sẽ là động lực quan trọng để Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính trong các năm tiếp theo, mở rộng không gian khoa học của ngành Tài chính, tạo tiền đề cho những sáng kiến đối với các vấn đề về kinh tế - tài chính đang được quan tâm.