Tài chính Việt Nam với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc
Từ năm 1945 - 1975, Việt Nam trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để bảo vệ nền độc lập. Trong thời kỳ này, ngành Tài chính đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng để tăng nguồn thu bảo đảm nhu cầu chi tiêu, cấp bách trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp của công cuộc chống ngoại xâm, góp phần vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954)
Giai đoạn mới thành lập chính quyền cách mạng (1945 - 1946)
Sau cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã đề ra chính sách tài chính mới để hoàn thành nhiệm vụ chính trị là diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, thúc đẩy tăng gia sản xuất ở miền Bắc và kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Thể hiện tinh thần đó, ngành Tài chính đề xuất Chính phủ xóa bỏ các loại thuế bất công và các hình thức bóc lột khác dưới thời cai trị của thực dân Pháp, đồng thời động viên nhân dân đóng góp để bảo vệ nền độc lập thông qua Quỹ Độc lập và Tuần lễ vàng, đề ra đảm phụ quốc phòng cũng như quy định lại thuế điền thổ, môn bài, sát sinh cho phù hợp với sức dân. Ngoài ra Chính phủ đã giảm biên chế và hợp lý hóa chế độ tiền lương để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.
Trong thời gian này, việc thực hiện chính sách tài chính mới gặp nhiều khó khăn do âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam của 20 vạn quân Tưởng (tháng 9/1945 - 3/1946) và âm mưu dùng vũ lực xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp (tháng 9/1945 ở miền Nam và tháng 3/1946 ở miền Bắc). Riêng ở miền Bắc, thực dân Pháp gây hấn ở Hải Phòng, xung đột ở Lạng Sơn và khiêu khích ở Hà Nội. Trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, nhân dân ta hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” kiên quyết chiến đấu chống thực dân xâm lược Pháp để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
Giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp (1947 - 1950)
Bước vào kháng chiến chống Pháp, sản xuất công, nông nghiệp bị ngừng trệ, thương nghiệp bị đình đốn, thị trường trong nước bị chia cắt thành từng vùng (Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình Trị Thiên, Liên Khu 4, Liên Khu 3, Việt Bắc và Tây Bắc). Vì vậy, đường lối tài chính là chuyển từ tài chính tập trung sang tài chính phân tán. Mỗi địa phương phải tự cung, tự cấp các khoản chi tiêu bằng cách dựa vào nhân dân, động viên nhân dân ủng hộ kháng chiến, Chính phủ trung ương chỉ trợ cấp một phần.
Để phù hợp với thời chiến, Chính phủ đã sửa đổi chế độ thuế như giữ lại thuế điền thổ, môn bài, sát sinh nhưng điều chỉnh một số thuế biểu phù hợp với thời giá. Mặt khác, Chính phủ đề ra Quỹ tham gia kháng chiến (sau này đổi lại là Quỹ công lương) thay cho Quỹ đảm phụ quốc phòng. Ngoài ra Chính phủ phát hành thêm công trái để huy động tài lực của nhân dân đóng góp cho kháng chiến. Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện tinh giảm biên chế, chuyển bớt nhân viên hành chính sang các ngành quân sự và sản xuất để giảm bớt chi tiêu cho bộ máy Nhà nước. Đặc biệt thuế điền thổ, quỹ công lương chuyển sang thu bằng thóc; công trái do Chính phủ phát hành năm 1950 cũng như chế độ lương thưởng của bộ đội, cán bộ, công nhân, viên chức cũng được tính bằng thóc gạo nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động và hạn chế tác động của lạm phát do phát hành giấy bạc để chi tiêu cho kháng chiến.
Trong giai đoạn này, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp, song mục tiêu nhiệm vụ tài chính đề ra không được như kỳ vọng do việc buông lỏng quản lý, nên việc thi hành chính sách tài chính có nhiều thiếu sót: Chính sách thuế còn huy động dè dặt, bình quân, thu không đủ chi, phải dựa vào phát hành giấy bạc để chi tiêu cho ngân sách, làm giá cả tăng ảnh hưởng đến đời sống bộ đội, cán bộ, công nhân, viên chức. Vì vậy công tác quản lý tài chính đòi hỏi phải có sự chuyển biến tích cực để bảo đảm thắng lợi cuối cùng cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Giai đoạn cuối kháng chiến chống Pháp (1951 - 1954)
Chính sách thống nhất quản lý thu chi tài chính được gấp rút triển khai, trong đó mọi khoản thu đều do Chính phủ quy định, bãi bỏ các khoản đóng góp nhỏ do địa phương đề ra. Theo đó, Chính phủ ban hành 7 sắc thuế mới (thuế nông nghiệp, công thương nghiệp, hàng hóa, xuất nhập khẩu, sát sinh, trước bạ và thuế tem) thay các thứ thuế và đảm phụ cũ. Về chi, Chính phủ thống nhất bảo đảm mọi khoản chi của Nhà nước đến huyện và quản lý theo biên chế, tiêu chuẩn định mức chặt chẽ. Cân đối thu chi ngân sách hằng năm có nhiều tiến bộ nhờ đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ và sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính. Cụ thể, thu bảo đảm 20% chi (năm 1950), 30% (năm 1951), 78% (năm 1952) và năm 1953 thu vượt chi 16%.
Kháng chiến chống Mỹ (1955 - 1975)
Giai đoạn xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hòa bình thống nhất nước nhà (1955 - 1965)
Trong giai đoạn 1955 - 1960, nền tài chính Việt Nam được xây dựng và phát triển trong hòa bình. Về kinh tế, Chính phủ chủ trương xây dựng lực lượng kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể vững mạnh kết hợp với sự viện trợ về thiết bị, vật tư, kỹ thuật, tiền vốn của các nước xã hội chủ nghĩa. Về tài chính, Chính phủ ban hành: Các cơ chế, chính sách mới (chế độ quản lý tài chính đối với các xí nghiệp quốc doanh, mở rộng phạm vi áp dụng chế độ hạch toán kinh tế, bổ sung các sắc thuế) nhằm khuyến khích phong trào hợp tác hóa trong nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; chế độ phân cấp quản lý tài chính thay cho chế độ thống nhất quản lý tài chính; điều lệ lập và chấp hành ngân sách nhà nước (NSNN) để đưa công tác quản lý NSNN vào nề nếp. Vì vậy, thu NSNN tăng nhanh về quy mô, năm sau cao hơn năm trước. Cơ cấu thu NSNN chuyển biến tích cực: Thu trong nước chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, tỷ trọng thu nước ngoài giảm xuống; thu từ kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể và cá thể trở thành nguồn thu chủ yếu của NSNN.
Bên cạnh đó, chi NSNN cũng tăng về quy mô và có chuyển biến tích cực về cơ cấu. Nếu trong kháng chiến chống Pháp chủ yếu phục vụ cho chiến đấu, nay đã tiết kiệm chi tiêu (nhất là chi về hành chính) để giành phần lớn cho kiến thiết kinh tế và văn hóa. Trong giai đoạn này, NSNN đã tập trung 50% tổng số chi hằng năm cho đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ chủ trương xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Thu chi NSNN trong giai đoạn này được cân đối, tuy nhiên năm 1961 - 1964 có bội thu.
Giai đoạn bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1966 - 1975)
Trong giai đoạn này, nền tài chính Việt Nam được xây dựng và phát triển trong hòa bình và chiến tranh, do đó Chính phủ đã bổ sung các chế độ, chính sách và phương thức hoạt động cho phù hợp với thời chiến.
Ở miền Bắc, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, ngành Tài chính đã phân cấp quản lý tài chính - ngân sách cho các địa phương, mở rộng diện áp dụng chế độ thu quốc doanh, cho phép xí nghiệp quốc doanh thành lập 3 quỹ, sắp xếp lại vốn xây dựng cơ bản theo kế hoạch điều chỉnh của Nhà nước, thực hiện quản lý chặt chẽ nguồn vốn viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa thống nhất thông qua NSNN. Trong giai đoạn này, ngoài việc bảo đảm nguồn tài chính cho miền Bắc, tài chính đã tập trung nguồn vốn lớn để đáp ứng cho chi viện miền Nam.
Ở miền Nam, trong những năm đấu tranh chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Trung ương cục, cách mạng miền Nam đã có những hoạt động thích hợp với từng giai đoạn (giai đoạn đấu tranh chính trị 1954 - 1960; chiến tranh đặc biệt 1960 - 1965; chiến tranh cục bộ 1966 - 1968; Việt Nam hóa chiến tranh 1969 - 1972), cùng với sự chi viện của miền Bắc, huy động nguồn động viên tại chỗ, kịp thời đáp ứng nhu cầu đấu tranh của lực lượng cách mạng miền Nam.