Hướng đến nền tài chính số an toàn, hiệu quả
Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số đến năm 2030, phù hợp yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, ngành Tài chính đã định rõ phương hướng mang tính khác biệt để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Bộ Tài chính điện tử và hình thành Bộ Tài chính số vào năm 2025.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tài chính là chủ động áp dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, thực tế ảo, tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ số tiên tiến trong triển khai tài chính điện tử hướng tới tài chính số.
Bên cạnh đó, xây dựng các nền tảng quản trị thông minh nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Đặc biệt, xây dựng tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu mở, hệ sinh thái tài chính số, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước là yêu cầu bắt buộc, là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả. Trong đó, tập trung vào 3 vấn đề chính là: Thể chế, Công nghệ và Nguồn nhân lực, trong đó thể chế đi trước, công nghệ, con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển.
Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số đến năm 2030, phù hợp yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, ngành Tài chính đã định rõ phương hướng. Đó là tập trung hướng đến nền tài chính số hoạt động an toàn trên môi trường số; phát triển Bộ Tài chính số một cách tổng thể, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Bộ Tài chính điện tử và hình thành Bộ Tài chính số vào năm 2025.
Đồng thời, định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của Bộ Tài chính, tương tác với các cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội; phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt.
Theo TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), trong hơn 4 năm 2020-2024, mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Bộ Tài chính vẫn kiên trì thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chủ động, linh hoạt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.
Do vậy, dù triển khai nhiều gói giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với quy mô lớn, song tổng thu ngân sách nhà nước vẫn đạt kết quả tích cực. Kết quả này có được một phần quan trọng là do ngành Tài chính đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu ngân sách nhà nước.
Nhiều kết quả tích cực đã được thể hiện qua thực tiễn triển khai. Về quản lý thuế, đã có hơn 5,7 triệu lượt cá nhân sử dụng tài khoản VNeID vào hệ thống thuế điện tử eTax Mobile. Nhờ đó, trong kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023 (triển khai tháng 4/2024), hệ thống của cơ quan thuế đã tiếp nhận 536 nghìn tờ khai quyết toán của cá nhân, đạt 150% so với cùng kỳ năm trước.
Trong lĩnh vực hải quan, gần 60% số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; khoảng 30% được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần; còn lại đều được cung cấp thông tin trực tuyến.
Trong lĩnh vực chứng khoán, giao dịch trên thị trường chứng khoán đã hoàn toàn chuyển sang hình thức trực tuyến. Tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam đến cuối tháng 9 đạt 8,86 tài khoản chứng khoán, tương đương gần 9% dân số, tiệm cận mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Trong khi đó, 100% thủ tục hành của Kho bạc Nhà nước đã thực hiện toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối dịch vụ công trực tuyến với phần mềm kế toán của các 25% tổng số đơn vị sử dụng ngân sách.
Ghi nhận cho tới thời điểm hiện tại, các nền tảng hạ tầng dữ liệu toàn Ngành đã được xây dựng theo hướng tăng cường sự tương thích giữa các cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân.