Nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, ngân sách nhà nước qua chuyển đổi số

Minh Hà

Nhằm cải cách mạnh mẽ hoạt động quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, tạo thuận lợi, gia tăng hài lòng cho người dân, doanh nghiệp (DN), thời gian qua, ngành Tài chính đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các hoạt động nghiệp vụ thuế, hải quan, kho bạc và đạt nhiều kết quả tích cực. Đây là tiền đề quan trọng để ngành Tài chính hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Cơ quan hải quan sẽ chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Cơ quan hải quan sẽ chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

“Quả ngọt” từ cải cách hành chính thuế, hải quan, kho bạc

Thời gian qua, ngành Tài chính đẩy mạnh cải cách hành chính trong các hoạt động nghiệp vụ của lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, trong lĩnh vực kho bạc, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ đối với các đơn vị sử dụng ngân sách.

Theo đó, KBNN hoàn thiện Đề án nâng cấp TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và các hệ thống ứng dụng liên quan để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); xây dựng dịch vụ lưu trữ hồ sơ, chứng từ chi điện tử KBNN và tích hợp với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Chương trình quản lý kiểm soát chi đầu tư ĐTKB-GD.

Hệ thống KBNN triển khai Chương trình quản lý văn bản điều hành tập trung của KBNN và chương trình thông tin chỉ đạo, điều hành của KBNN.

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước và tiến tới kho bạc số vào năm 2030, KBNN thực hiện nâng cấp quy trình nhận, xử lý hồ sơ chứng từ chi đầu tư (từ ĐTKB-GD sang TABMIS và Hệ thống thanh toán điện tử với ngân hàng).

Về triển khai dịch vụ công trực tuyến, hệ thống KBNN đã tiếp nhận, giải quyết kịp thời 100% yêu cầu hỗ trợ cho các đơn vị, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị tác nghiệp nhanh chóng trên các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện giao dịch chi ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến.

Đến nay, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực kho bạc được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách đối với nhà cung cấp nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian tổ chức thu.

Trong lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, tính đến ngày 30/6/2024, đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với 7,43 triệu bộ hồ sơ của hơn 72 nghìn DN. Về cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN...

Về Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, ngành Hải quan tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu…

Trong lĩnh vực thuế, ngành Thuế đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử tại 63 tỉnh, thành phố. Kết quả từ ngày 01/7/2022 đến ngày 30/6/2024, tổng số hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là gần 8,3 tỷ hóa đơn; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền tính đến ngày 30/6/2024 có 71.329 DN, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công.

Về triển khai Chính phủ điện tử, chính phủ số quốc gia, ngành Thuế đã triển khai thành công ứng dụng E-tax mobile, số lượt tải, cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax mobile là 1.170.779 lượt, số giao dịch qua ngân hàng thương mại là 1.867.349 giao dịch với tổng số tiền đã nộp thành công là 4.376 tỷ đồng...

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực kho bạc, thuế, hải quan

Trong thời gian tới, cơ quan kho bạc, thuế, hải quan các cấp sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong cải cách hành chính để xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Trong lĩnh vực kho bạc, thời gian tới, hệ thống KBNN sẽ tiếp tục duy trì các hệ thống công nghệ thông tin hoạt động ổn định, thông suốt, đáp ứng hoạt động nghiệp vụ; hỗ trợ người sử dụng vận hành hệ thống; tổng hợp, hoàn thiện Đề án nâng cấp TABMIS và các hệ thống ứng dụng liên quan hình thành hệ thống thông tin ngân sách và VDBAS theo tiến độ.

Đồng thời, KBNN đăng ký bổ sung kế hoạch, danh mục dự toán với Bộ Tài chính đối với việc xây dựng dịch vụ lưu trữ hồ sơ, chứng từ chi điện tử KBNN và tích hợp với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, chương trình quản lý kiểm soát chi đầu tư ĐTKB-GD; báo cáo kết quả triển khai thí điểm chương trình quản lý văn bản điều hành tập trung của KBNN để chuẩn bị triển khai diện rộng...

Trong lĩnh vực thuế, cơ quan thuế sẽ nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền đưa vào hoạt động Cổng kê khai cho người kinh doanh trực tuyến; đồng thời, tăng cường tuyên truyền về nội dung này.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế sẽ hướng dẫn người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế bằng cách có thư gửi cộng đồng người kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, để hướng dẫn cách đăng ký kê khai, nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ thực hiện sàng lọc trường hợp người cố tình không thực hiện và chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Các cục thuế địa phương cũng đẩy mạnh quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, tránh thất thu ngân sách.

Trong lĩnh vực hải quan, cơ quan hải quan cũng đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong toàn Ngành để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Theo đó, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, DN. Cải cách thủ tục hành chính phù hợp với tình hình thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn, hiện đại, hiệu quả.

Ngoài các nhiệm vụ trên, ngành Hải quan tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hải quan số, cơ quan hải quan phục vụ, lấy người dân và DN làm trung tâm, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn Ngành thông qua các công cụ số hóa...

Như vậy, việc quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc đã mang lại những kết quả tích cực trong quản lý tài chính, ngân sách của ngành Tài chính, qua đó góp phần cũng toàn Ngành hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.