Hướng đi nào cho thị trường logistics Việt Nam?
Ngành logistics Việt Nam còn bị trói buộc bởi nhiều khó khăn và thách thức, tốc độ phát triển của ngành này ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, phát triển thương mại.
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại FTA thế hệ mới, mở ra cánh cửa lớn cho các ngành xuất, nhập khẩu trong nước cũng như thị trường cung ứng tại Việt Nam.
Còn nhiều vướng mắc
Theo ông Nguyễn Tương - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, 97% các doanh ngiệp (DN) logistics của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí siêu nhỏ. Do vậy đa phần các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về vốn và nhân lực, đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin để ứng dụng vận hành trong hoạt động khai thác đơn hàng và điểm cuối cùng của các khâu yếu vẫn là công nghệ quản trị kho, chuỗi dây chuyền cung ứng lạnh.
Về thủ tục hành chính, doanh nghiệp logistics chưa được hỗ trợ thoả đáng tại các chi cục hải quan, thủ tục thông quan còn rườm rà và chi phí bôi trơn còn tồn tại hầu hết ở các khâu.
"Hiện tại doanh nghiệp logistics của chúng ta còn thiếu nhân lực về công nghệ, trong khi đó doanh nghiệp logistics ngoại không có thế mạnh về kho bãi, nhưng họ sở hữu được nhiều đơn hàng lớn có liên kết với doanh nghiệp nước ngoài do họ nắm bắt được công nghệ và nguyên nhân do tập quán bán hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy để cạnh tranh sòng phẳng trên sân nhà thì ngành logistics Việt phải nỗ lực hơn nữa trong công cuộc điều hành, quản lý đơn hàng, đặc biệt là sự hỗ trợ từ Chính phủ để có một lộ trình cải cách cụ thể giúp logistics phát triển", ông Tương chia sẻ.
Giải pháp nào?
Trước những thực trạng trên, ông Phan Đình Quân - Giám đốc Công ty TNHH tiếp vận EZ Shipping nhận định, để giải quyết thực trạng này, doanh nghiệp Việt Nam cần phải được sử dụng một hệ thống hạ tầng logistics, đầu tư hoàn chỉnh để hoạt động hiệu quả và cắt giảm đáng kể chi phí.
Thêm vào đó, Chính phủ cũng quan tâm hơn nữa tới ngành logistics, tạo cơ chế thông thoáng về môi trường kinh doanh, khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, hoạt động logistics cần được giao cho các phòng ban tại sở, bộ nào đó để quản lý quy hoạch cho đồng bộ, minh bạch và hiệu quả.
Điều đáng chú ý cần thay đổi là đa phần doanh nghiệp nhập khẩu là doanh nghiệp quốc doanh với tập quán mua CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập) bán FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất), làm giảm cầu trên thị trường và đẩy thị trường sang bạn hàng ngoại. Giả sử giá trị thương mại của nhóm ngành này là 50 tỷ USD, chi phí Logistics chiếm 20%, tương đương 10 tỷ USD.
"Như vậy, chỉ bằng cách thay đổi các tập quán, thói quen mua bán ngoại thương cộng với các rào cản kỹ thuật hoặc các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thì chúng ta có thể kiếm thêm đc ít nhất là 10 tỷ USD cho thị trường logistics" - ông Phan Đình Quân nhấn mạnh.
Qua đó có thể thấy được, ngoài việc xuất khẩu được hàng hóa thì chúng ta còn có thể xuất khẩu được thêm dịch vụ logistics. Làm được điều này sẽ giảm được chi phí cho khối doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu và tăng thị phần logictics Việt Nam.
Cũng theo ông Tương, chúng ta có tới 17 loại hình dịch vụ cung ứng chính như Nghị định số 163/2017 của Chính phủ đã quy định. Trong đó các dịch vụ logistics nội địa như, vận tải đường bộ, vận tải ven biển Bắc Nam, đường sắt, dịch vụ giao nhận, giám định hàng hóa, đại lý hải quan, dịch vụ cảng biển, dịch vụ kho bãi…là thị phần quan trọng mà ngành logistics Việt đang cung cấp. Do đó, dịch vụ logistics được coi dịch vụ không thể thiếu của doanh nghiệp và là xương sống của nền kinh tế thương mại....