Hướng tới mục tiêu quốc gia khởi nghiệp
Với việc hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm và đầu tư từ các doanh nghiệp trên khắp thế giới. Hệ sinh thái khởi nghiệp theo đó cũng dần được hình thành, hướng tới mục tiêu quốc gia khởi nghiệp với khởi nghiệp sáng tạo là trung tâm. Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đề án hướng tới mục tiêu tạo dựng hình ảnh quốc gia khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Quốc gia khởi nghiệp là thuật ngữ được đề cập đến trong cuốn sách cùng tên của Dan Senor và Saul Singer (2009) viết về sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Israel từ lúc lập quốc cho đến khi trở thành quốc gia có nền công nghệ hàng đầu thế giới.
Chỉ bắt đầu hình thành từ năm 1948 với tài nguyên là con số không, 2/3 diện tích là hoang mạc, còn lại là đồi núi cùng sự thù địch và bao vây của thế giới Ả-rập, tại sao Israel lại có sự phát triển thần kỳ như ngày nay với GDP đầu người đứng thứ 23 và chỉ số phát triển con người đứng thứ 18 thế giới? Câu trả lời chính là ở tinh thần khởi nghiệp.
Theo businessdictionary.com, khởi nghiệp là giai đoạn đầu trong vòng đời của một doanh nghiệp (DN) khi chủ DN đó chuyển từ giai đoạn ý tưởng sang giai đoạn đảm bảo được nguồn tài chính, hình thành cơ cấu cơ bản của DN và bắt đầu có những hoạt động hoặc trao đổi thương mại. Theo Cơ quan phát triển DN nhỏ và vừa Hoa Kỳ: Khởi nghiệp lại là đơn vị kinh doanh với đặc thù phát triển dựa trên định hướng công nghệ và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Tại Việt Nam, thuật ngữ “khởi nghiệp” được đề cập đến trong vài năm gần đây. Tuy nhiên chưa có văn bản nào nêu rõ khái niệm “khởi nghiệp” cũng như còn nhiều quan điểm khác nhau về khởi nghiệp. Thời gian gần đây “khởi nghiệp” đã được thể hiện trên thực tế qua một số chương trình và hoạt động cụ thể do các tổ chức thực hiện như: Hội đồng Anh; Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh; Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan…
Có thể nói, khởi nghiệp tại Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên trên con đường hướng tới mục tiêu tạo dựng hình ảnh quốc gia khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Quá trình hội nhập và khởi nghiệp ở Việt Nam
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Khởi đầu với sự khẳng định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Việt Nam “độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”. Năm 1995, Việt Nam đã chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và 3 năm sau đó là thành viên của Tổ chức Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Dấu mốc hội nhập thực sự là việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới từ năm 2007. Cho đến nay, Việt Nam đã ký 10 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 8 hiệp định đã có hiệu lực gồm: FTA ASEAN- Trung Quốc, FTA ASEAN - Hàn Quốc, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản, FTA ASEAN - Australia/New Zealand, FTA ASEAN - Ấn Độ, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản, FTA Việt Nam - Chi Lê, FTA Việt Nam - Hàn Quốc và 2 hiệp định đã ký kết, gồm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam liên minh kinh tế Á - Âu. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã kết thúc đàm phán một FTA với Liên minh châu Âu và đang đàm phán về 4 FTA khác.
Với việc hội nhập ngày càng sâu, rộng, Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm và đầu tư từ các DN trên khắp thế giới, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ các quốc gia, khu vực có cam kết tự do thương mại, đầu tư với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU... Đây cũng chính là một trong những tác nhân để môi trường kinh doanh Việt Nam trở nên sôi động hơn, tạo ra sức hấp dẫn và lực kéo đối với hoạt động khởi sự, đặc biệt là đối với DN thuộc khu vực tư nhân trong nước.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đang dần được hình thành và hướng tới mục tiêu quốc gia khởi nghiệp với khởi nghiệp sáng tạo là trung tâm. Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đề án gồm có những nội dung chính sau:
1) Xây dựng Cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia;
2) Xây dựng các khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương;
3) Tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia với quy mô quốc tế và các sự kiện khởi nghiệp quy mô địa phương, liên kết viện trường;
4) Tiếp tục triển khai Đề án Thương mại hoá công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam;
5) Phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các cơ sở giáo dục đào tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ;
6) Phát triển cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung;
7) Hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng chương trình truyền thông trên đài truyền hình Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài về hoạt động khởi nghiệp;
8) Kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với khu vực và thế giới thông qua các đoàn vào, đoàn ra;
9) Giới thiệu đối tác, nhà đầu tư, hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh, thủ tục mở văn phòng đại diện cho tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư, DN khởi nghiệp trong nước thông qua các đại diện khoa học và công nghệ, đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài;
10) Khuyến khích sử dụng các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, địa phương, DN để tài trợ, hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, góp vốn đầu tư vào DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;
11) Nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đề án “Quốc gia khởi nghiệp, DN khởi nghiệp” đang được Chính phủ triển khai. Đây là lần đầu tiên Chính phủ xây dựng một kế hoạch cụ thể thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là khuyến khích khởi nghiệp một cách quy mô.
Những kết quả đạt được
Khung pháp luật về kinh doanh dần được hoàn thiện và là cơ sở cho nhiều cơ sở kinh doanh mới ra đời, trong đó có các DN khởi nghiệp. Luật DN ra đời năm 1999 và có hiệu lực từ năm 2000, thay thế cho các quy định của Luật Công ty, Luật DN tư nhân 1990 đã tạo bước khởi đầu cho làn sóng đầu tư vào kinh doanh của khu vực tư nhân với việc gỡ bỏ nhiều rào cản mà các DN gặp phải. Tính đến cuối năm 1999, cả nước có khoảng 35.000 DN. Sau khi Luật DN ra đời 1999, số lượng DN đăng ký mới đã tăng lên nhanh chóng thể hiện (Hình 1).
Với những chính sách cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nói riêng, Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên để hướng tới hình ảnh một “Quốc gia khởi nghiệp”. Lần đầu tiên Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam được thực hiện vào năm 2014, với 9 yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến hệ sinh thái khởi nghiệp, gồm: (1) Chính sách, quy định của Chính phủ; (2) Văn hóa và chuẩn mực xã hội; (3) Giáo dục; (4) Cơ sở hạ tầng; (5) Thị trường; (6) Tài chính cho kinh doanh; (7) Chuyển giao công nghệ; (8) Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh; (9) Chương trình hỗ trợ của Chính phủ.
Các DN khởi nghiệp sáng tạo có đặc trưng là gắn với công nghệ, sở hữu trí tuệ, mà công nghệ với trí tuệ luôn phát triển, thay đổi với tốc độ rất nhanh. Hệ sinh thái cho khởi nghiệp sáng tạo phát triển khá mạnh trong 2 năm qua. Nhiều tổ chức hỗ trợ, cơ sở hạ tầng cho khởi nghiệp được thành lập (Đề án Vietnam Silicon Valley, Vườn ươm Đà Nẵng, Topica, Toong, Dreamplex, Up, Hatch…); Các nhà đầu tư khởi nghiệp trong và ngoài nước (FPT Ventures, CyberAgent, Golden Gate Ventures, 500 Startups, Unitus Impact, 1337 Ventures…);
Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo (Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, Dự án đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ, Dự án xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo DN)...; Các sự kiện cho khởi nghiệp diễn ra khá rầm rộ (Techfest, Demoday, HatchFair, Venture Cup, StartupWeekend, Startup Fair Danang…).
Kết quả là nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo đã hình thành và thu hút được những khoản đầu tư rất lớn. Ví dụ như: Momo (28 triệu USD), Cốc Cốc (14 triệu USD), Foody, KAfe Group (5,5 triệu USD)... Như vậy, có thể nói hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp sáng tạo đã từng bước được hình thành và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Khó khăn và thách thức
Tuy nhiên, môi trường khởi nghiệp Việt Nam cũng đang gặp không ít những hạn chế, thách thức, cụ thể:
Thứ nhất, các chỉ số về khởi nghiệp không có nhiều thay đổi trong 3 năm 2013-2015 cả về mức độ và thứ tự xếp hạng của các chỉ số. Theo Báo cáo khởi sự Việt Nam 2014, ba chỉ số: Cơ sở hạ tầng, sự năng động của thị trường nội địa, văn hóa và chuẩn mực xã hội có điểm số cao nhất trong số 12 nhân tố nhưng cũng chỉ đạt mức trung bình với giá trị lần lượt là 3,75; 3,71 và 3,13 điểm theo thang điểm 1- 5,9, chỉ số còn lại được đánh giá dưới mức trung bình và chỉ số về Giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông đạt điểm thấp nhất ở mức 1,83.
Thứ hai, tâm lý lo ngại về thất bại trong kinh doanh dẫn đến tỷ lệ khởi nghiệp thấp. Theo Báo cáo Khởi nghiệp Việt Nam 2014 (VCCI), tỷ lệ khởi sự kinh doanh ở Việt Nam năm 2014, chỉ đạt 2%, giảm so với mức 4% của năm 2013 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 12,4% ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực.
Cũng theo báo cáo này, mặc dù tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam lo sợ thất bại trong kinh doanh đã giảm từ 56,7% năm 2013 xuống còn 50,1% năm 2014, song vẫn còn rất cao so với mức 31,4% ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực và 31,6% ở các nước dựa trên hiệu quả. Chỉ có 18,2% người trưởng thành ở Việt Nam có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng 3 năm tới, thấp hơn mức trung bình 40,2% ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực.
Thứ tư, năng lực sáng tạo của các DN Việt Nam còn rất hạn chế. Theo Lương Minh Hà, Đỗ Thu Hằng, Vương Thu Trang (2015), chỉ có chưa tới 7% trong tổng số bằng sáng chế được cấp tại Việt Nam trong giai đoạn 1995-2014 là của người Việt, cấp cho các cá nhân và DN nước ngoài.
Bên cạnh đó, các tác giả cũng dẫn chứng kết quả từ khảo sát trong nghiên cứu của Napier, Vu và Vuong (2012) cho thấy, có tới 42,3% các dự án khởi nghiệp tự nhận thấy không có – hoặc không cần đến – năng lực sáng tạo nào và chỉ có 14,1% tự đánh giá rằng, hàm lượng ý tưởng đổi mới sáng tạo trong kế hoạch khởi nghiệp là đáng kể.
Thứ năm, huy động vốn cho khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn. Với bản chất rủi ro lớn, thiếu tài sản đảm bảo của các DN khởi nghiệp thì dường như kênh phù hợp và hiệu quả nhất là các kênh đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp ở Việt Nam không nhiều.
Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 10-20 DN khởi nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ đầu tư này. Trong khi đó, việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đang gặp không ít khó khăn cả về khía cạnh quy định pháp luật cũng như trên thực tế triển khai.
Thứ sáu, nhiều quốc gia khác (Singapore, Hồng Kông…) có chính sách thu hút DN khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo với nhiều ưu đãi hơn rất nhiều so với Việt Nam, dẫn đến tình trạng một số DN khởi nghiệp sáng tạo chỉ sau một thời gian ngắn đã chuyển sang đăng ký hoạt động tại các quốc gia này.
Nguyên nhân dẫn tới những khó khăn và thách thức ở trên là do những yếu tố sau:
Một là, mặc dù đã có những nghiên cứu, chương trình, đề án liên quan đến khởi nghiệp song đến nay Việt Nam vẫn chưa có văn bản nào nêu rõ khái niệm về khởi nghiệp và vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau về khởi nghiệp.
Hai là, Việt Nam chưa hình thành được một hệ thống khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp đồng bộ, nhất quán, hoạt động có hiệu quả. Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp chỉ mới chủ yếu thực hiện qua các chương trình riêng lẻ với các mục tiêu, tiêu chí rất khác nhau. Phần lớn các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đang được lồng ghép trong chính sách hỗ trợ đối với DN nhỏ và vừa.
Nhiều chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích và chung chung, chưa có những quy định hỗ trợ rõ ràng. Các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa chủ yếu là hỗ trợ theo ngành chứ chưa thiết kế dành cho đối tượng khởi nghiệp.
Ba là, hệ thống chính sách, quy định tại Việt Nam chưa thực sự khuyến khích khởi nghiệp. Điều này thể hiện ở một số khía cạnh như: Sự thiếu minh bạch tại nhiều văn bản khiến DN và nhà đầu tư lo ngại về tính hợp pháp của các hoạt động kinh doanh, đầu tư của mình; chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với khởi nghiệp còn thiếu và chưa nhất quán không có sự khác biệt đáng kể giữa DN khởi nghiệp và các DN đã hoạt động lâu năm…
Bốn là, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương còn yếu, thiếu cơ chế điều phối hoạt động hỗ trợ hiệu quả.
Năm là, năng lực của các đơn vị đầu mối thực hiện hỗ trợ còn yếu và thiếu. Việc triển khai các chương trình hỗ trợ hiện nay chủ yếu do các cơ quan quản lý nhà nước tự thực hiện, do đó không đủ lực lượng chuyên nghiệp để triển khai, dẫn đến hiệu quả và tiến độ triển khai rất hạn chế.
Đề xuất về chính sách
Để có được hình ảnh của quốc gia khởi nghiệp Việt Nam cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường tự do, trong đó trọng tâm là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo ra một sân chơi thực sự bình đẳng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế.
Thứ hai, xây dựng và thực thi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó cần thể hiện quan điểm hỗ trợ có trọng điểm, hỗ trợ có chọn lọc trong đó có ưu tiên đối với khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng nhằm thúc đẩy các doanh nhân trẻ, doanh nhân có nhiệt huyết kinh doanh tham gia vào hoạt động kinh doanh.
Thứ ba, kiên định định hướng chuyển từ Chính phủ điều hành sang Chính phủ kiến tạo phát triển. Chính phủ cần xác định lại vai trò của mình nhằm phù hợp với yêu cầu và thực tiễn phát triển của đất nước, phải chuyển từ vị thế quản lý sang vai trò mới là “phục vụ” DN, người dân với mục đích để phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Thứ tư, xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, minh bạch nhằm khuyến khích việc hình thành và phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các DN, đặc biệt là DN khởi sự có tiềm năng lớn.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách khu vực DN nhà nước theo hướng chỉ giữ lại những DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực chiến lược có giá trị gia tăng cao, mang tính dẫn dắt, định hướng phát triển đất nước về dài hạn, mà khu vực tư nhân không muốn hoặc không có khả năng tham gia. Các DN nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh thương mại thuần túy cần tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước xuống tỷ lệ thiểu số.
Theo Báo cáo Khởi nghiệp Việt Nam 2014 (VCCI), tỷ lệ khởi sự kinh doanh ở Việt Nam năm 2014, chỉ đạt 2%, giảm so với mức 4% của năm 2013 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 12,4% ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực.
Thứ bảy, cải cách hệ thống đào tạo, đặc biệt là đào tạo khởi nghiệp tại các trường, các trung tâm đào tạo…, mời những nhà DN nổi tiếng, các doanh nhân trẻ giảng dạy, để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để đem đến những bài học quý cho những doanh nhân tương lai khi bắt đầu khởi nghiệp.
Thứ tám, có chính sách nhập tịch cho công dân nước ngoài cũng như người gốc Việt phù hợp. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách khuyến khích người Việt ở nước ngoài có đóng góp lớn hơn cho sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt là thông qua các chương trình đóng góp sáng kiến cho phát triển, hỗ trợ, liên kết kinh doanh.
Tài liệu tham khảo:
1. Senor, D., và Singer, S (2013), Quốc gia khởi nghiệp, Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel, NXB Thế giới, Hà Nội 2013;
2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2015), Báo cáo khởi nghiệp Việt Nam 2014;
3. Lương Minh Hà, Đỗ Thu Hằng, Vương Thu Trang (2015), Khởi nghiệp Việt Nam: Từ niềm tin tới thực tế, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 19/2015;
4. https://www.sba.gov/.