Tiêu chí phân bổ kinh phí hỗ trợ huyện nghèo được quy định thế nào?
Giải đáp vướng mắc của ông Võ Chí Công (Kon Tum) về những nội dung liên quan đến nguyên tắc, tiêu chí và định mức nào để phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện dự án giảm nghèo, Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Theo phản ánh của ông Võ Chí Công, công tác tại Sở Tài chính tỉnh Kon Tum, ông Công đã tham khảo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 4618/BTC-HCSN ngày 6/4/2016, trong đó có nội dung, trong quá trình phân bổ kinh phí (nguồn vốn sự nghiệp) được giao thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2016; các địa phương dành nguồn để thực hiện các nội dung mới dự kiến bổ sung trong giai đoạn 2016-2020 (như: hỗ trợ phát triển sản xuất cho các huyện hưởng cơ chế huyện nghèo theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 5/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ,…).
Tuy nhiên, đến nay Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Ông Công muốn biết, căn cứ dự toán Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2016 được giao, địa phương dựa trên nguyên tắc, tiêu chí và định mức nào để phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện các nội dung mới theo định hướng của Bộ Tài chính tại Văn bản số 4618/BTC-HCSN nêu trên?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Theo hướng dẫn tại Công văn số 4618/BTC-HCSN ngày 6/4/2016 của Bộ Tài chính, đối với các nội dung mới phát sinh trong giai đoạn 2016-2020 (như: hỗ trợ phát triển sản xuất cho các huyện hưởng cơ chế huyện nghèo theo các Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 5/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25/4/2011; hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; nâng cao năng lực cho cộng đồng tại xã thuộc Chương trình 135..), địa phương dành kinh phí để thực hiện sau khi Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có văn bản hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện của Bộ Tài chính.
Ngày 2/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo đối với huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn ven biển và hải đảo (dự án 1); xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn (dự án 2) và các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 (dự án 3).
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định ban hành tiêu chí xét bổ sung huyện nghèo và xét công nhận huyện thoát nghèo.
Trường hợp các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao quy định tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 5/2/2013 đủ điều kiện được xét bổ sung huyện nghèo thì việc hỗ trợ phát triển sản xuất như đối với huyện nghèo (theo dự án 1). Nếu không đủ điều kiện để được bổ sung là huyện nghèo, các xã thuộc các huyện này sẽ được xem xét hỗ trợ phát triển sản xuất theo dự án 3.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương.
Căn cứ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, HĐND tỉnh quyết mức phân bổ cụ thể cho từng huyện, xã, thôn của địa phương.
Do đó, đối với kinh phí năm 2016 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thông báo bổ sung có mục tiêu cho địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2016, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định mức phân bổ cụ thể cho từng huyện, xã, thôn theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách hiện hành.