Hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hiện đại
(Taichinh) - Tình trạng được mùa - mất giá của nông sản đã diễn ra trong nhiều năm nhưng đến nay hầu như chưa khắc phục được nhiều. Tình trạng này được lý giải là do nông dân vẫn canh tác theo phong trào, trong khi tiêu thụ thường phụ thuộc vào một vài thị trường chính. Phụ thuộc vào một vài thị trường không chỉ do hạn chế từ công tác xúc tiến thương mại, mà quan trọng là hàng xuất khẩu không đủ tiêu chuẩn để vào thị trường khó tính.
Trong quý I.2015, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta chỉ đạt đạt 6,13 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái; riêng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 2,92 tỷ USD, giảm hơn 15%. Nhưng giảm mạnh nhất phải kể đến các mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,27 tỷ USD, giảm 20,6%. Tốc độ tăng trưởng của toàn ngành trong quý I đã lùi về mức 2,14%, thay vì mức 2,68% của năm 2014. Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm do thị trường thế giới có những biến động bất ngờ, cân đối cung cầu trên thị trường thế giới có thay đổi nhiều so với cùng kỳ. Một số sản phẩm như gạo, thủy sản, cao su… có lượng cung tăng đột biến so với các năm trước, trong khi giá xuất khẩu nông sản lại liên tục bị giảm, thậm chí giảm sâu như cà phê, thủy sản. Một số mặt hàng khác, mặc dù sản lượng không thay đổi nhưng cầu tương đối yếu do suy thoái kinh tế, nên lượng tiêu thụ thấp.
Tất nhiên, tình trạng cũng do hạn chế cố hữu của sản xuất trong nước như: công nghệ trong chế biến nông sản trong nước chưa phát triển; tổ chức sản xuất dựa chủ yếu quy mô hộ cá thể dẫn tới quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và năng suất lao động, chất lượng sản phẩm thấp, trong khi đây là những yếu tố quan trọng hình thành chuỗi giá trị nông sản. Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đều hạn chế về khả năng tài chính, xúc tiến tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới. Doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, chưa xây dựng được thương hiệu, nên thâm nhập thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn.
Nhưng có thể thấy, thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có nhiều khó khăn không phải là nguyên nhân của hình ảnh hàng dài xe ô tô chở dưa hấu chờ thông quan qua Trung Quốc, tình trạng ứ đọng 6.000 tấn hành tím ở Sóc Trăng... Và cũng không phải do người nông dân tự mò mẫm thực hiện, không được tiếp cận các thông tin về thị trường, quy hoạch trước canh tác, dù rằng trồng theo phong trào khiến nguồn cung dễ lớn hơn so với nhu cầu tiêu thụ. Điều cần thẳng thắn thừa nhận là trừ một số hàng nông sản xuất khẩu được canh tác theo tiêu chuẩn hiện đại, thì nhiều loại khác được canh tác tự phát, không tuân thủ tiêu chuẩn canh tác VietGap, chưa nói đến tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu khó tính. Hàng hóa xuất khẩu không có chất lượng cao nên thường chỉ vào được thị trường dễ tính, khó có thể đưa đến hai, ba thị trường khác nhau để giảm rủi ro như nhiều quốc gia lân cận vẫn thực hiện. Đây cũng là lý do vì sao người trồng vẫn kiên cường chịu đựng dù bị thương lái ép giá, thậm chí phải bỏ dưa cho bò ăn trong vụ trước, vụ sau vẫn tiếp tục trồng với hy vọng giá bán sẽ được cải thiện.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, hệ thống siêu thị Coopmart đã không thể hỗ trợ tiêu thụ hành tím Sóc Trăng, dưa hấu Quảng Ngãi... dù rất muốn giúp nông dân giảm bớt khó khăn khi thiên tai xảy ra hay thị trường tiêu thụ biến động. Bởi các vùng sản xuất không canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, trong khi hệ thống siêu thị đã cam kết cung cấp sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy, chưa kể đến việc chuẩn bị nhiều thị trường xuất khẩu khác nhau để giảm rủi ro, thì ngay cả thị trường trong nước cũng khó san sẻ cho người trồng nếu sản xuất không theo một tiêu chuẩn nào. Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, cần coi sản xuất hàng hóa nông nghiệp không theo tiêu chuẩn VietGap hay các tiêu chuẩn tiên tiến khác cũng như là sản xuất hàng giả.
Siết chặt tiêu chuẩn canh tác không phải làm khó nông dân, mà bởi điều này đã được các quốc gia cạnh tranh khác thực hiện, nên chúng ta không thể đứng ngoài khi đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, các Bộ Nông nghiệåp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp chặt chẽ với nhau, phối hợp với doanh nghiệp để có thể giúp các vùng nông sản canh tác theo tiêu chuẩn VietGap hay của thị trường tiêu thụ có thể dễ dàng đáp ứng đủ yêu cầu xuất khẩu, không bị đội chi phí sản xuất lên quá cao như hiện nay.