TPP - nhân tố quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu

Theo daibieunhandandan.vn

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ giúp nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển thương mại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại buổi công bố Báo cáo Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, trong số các nước thành viên TPP, Việt Nam là nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất và được đánh giá là có nhiều lợi thế tương đối trong các ngành chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động.

TPP dự kiến sẽ giúp nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển thương mại. Đây là yếu tố quan trọng bởi hàng xuất khẩu của nước ta dự kiến sẽ thay thế ngày càng nhiều hàng của Trung Quốc vào các thị trường TPP, nhất là Mỹ và Nhật Bản.

Trên thực tế, quá trình này đã và vẫn đang diễn ra khi TPP còn chưa chính thức hoàn tất đàm phán và ký kết. Ngoài ra, TPP dự kiến cũng sẽ làm tăng thêm dòng vốn FDI vốn đã khá cao và góp phần làm tăng năng lực xuất khẩu, trong đó bao gồm cả các nhà cung cấp thượng nguồn cho những ngành chịu sự kiểm soát khắt khe về nguồn gốc xuất xứ.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, ông Sandeep Mahajan chia sẻ thêm, TPP sẽ không chỉ cải thiện tiếp cận thị trường mà còn là một nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của các cải cách cơ cấu ở nước ta.

Theo kết quả nghiên cứu mô phỏng của WB, trong 20 năm tới, TPP sẽ đóng góp khoảng 8% vào GDP, 17% vào giá trị xuất khẩu thực tế và 12% vốn đầu tư của cả nước.

Khoảng một nửa con số đó được tạo ra bởi cắt giảm thuế quan và một nửa bởi các biện pháp phi thuế quan như tự do hóa các ngành dịch vụ cơ bản. Các ngành công nghiệp chế tạo sử dụng nhiều lao động, nhất là những ngành hiện đang chịu thuế nhập khẩu cao sẽ được lợi nhiều nhất.

Đó là các ngành dệt, may mặc, giày dép và ở một mức độ thấp hơn - công nghiệp chế biến thực phẩm và điện tử. Ngược lại, các ngành xuất khẩu hàng hóa cơ bản và nguyên liệu thô, kể cả nông nghiệp và dịch vụ, dự tính sẽ bị co hẹp do đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu (yếu tố sản xuất được tái phân bổ sang ngành sản xuất, chế biến, chế tạo).

Tuy tác động của TPP đối với nước ta là tích cực nhưng để có thể thực hiện hiệp ước này một cách đầy đủ và hiệu quả là vấn đề không đơn giản. TPP có thể gây tác động từ bên ngoài lên quá trình tái cơ cấu.

Hiệp định này không chỉ xóa bỏ các rào cản thương mại, tăng cường tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn mà còn tác động rõ nét lên chất lượng thể chế, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, cạnh tranh, quản lý doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn lao động và môi trường, an toàn thực phẩm, mua sắm công, tự do hóa dịch vụ, kể cả dịch vụ tài chính và viễn thông.

Trong TPP có nhiều chương có quy định khuyến khích cải cách thể chế nhằm tăng cường và chuẩn hóa các quy định, minh bạch và hỗ trợ xây dựng thể chế hiện đại ở nước ta.

Tuy nhiên, việc thực hiện những cam kết này là thách thức lớn do nước ta đi theo con đường “cải cách từ từ” và chịu ảnh hưởng của các yếu tố lịch sử về thể chế.

Chẳng hạn như sự tồn tại của các doanh nghiệp nhà nước lớn, hệ thống thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh... Song có thể thấy, cho đến nay, nước ta cũng đã thể hiện khả năng tận dụng các cam kết quốc tế để thúc đẩy cải cách trong nước, nhất là trong những lĩnh vực khó thực hiện.

Muốn tận dụng tối đa những cơ hội do TPP mang lại, việc thực hiện cam kết phải đi cùng với tăng cường năng lực cạnh tranh, như đầu tư vào giao thông, điện lực, cảng, dịch vụ kho vận và nâng cao hiệu quả thủ tục thông quan.