Huy động nguồn lực tài chính triển khai hiệu quả chính sách an sinh xã hội

ThS. Phạm Thị Bảo Hà, TS. Bùi Tôn Hiến - Viện Khoa học Lao động và Xã hội

Chính sách an sinh xã hội là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, chăm lo cho con người, vì hạnh phúc con người, là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong 10 năm qua, chính sách an sinh xã hội đã góp phần phát triển đất nước, ổn định chính trị, xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong giai đoạn tiếp theo, cần huy động đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quan điểm, định hướng và các kết quả đạt được

Từ Đại hội lần thứ VII (năm 1991), Đảng yêu cầu: “Huy động mọi khả năng của Nhà nước và của Nhân dân, trung ương và địa phương để giải quyết các vấn đề của chính sách xã hội”. Đại hội lần thứ X (năm 2006) chỉ rõ: “Kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển”.

Văn kiện Đại hội lần thứ XI (năm 2011) nhấn mạnh: “Tạo môi trường và điều kiện để mọi lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn. Có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tạo động lực để phát triển; điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”.

Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội XIII yêu cầu: “Nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng XHCN trong các chính sách xã hội. Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người.... Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa”.

Mới đây, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII). Trong đó, Nghị quyết khẳng định mục tiêu đến năm 2030: “Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho Nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững.Nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân.”

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, việc thực hiện chính an sinh xã hội đã cho thấy các kết quả tích cực.

Thứ nhất, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân khắp mọi miền đất nước được nâng lên rõ rệt; diện mạo xã hội thay đổi căn bản; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hòa hơn; đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ XHCN ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, quá trình đổi mới nhận thức về chính sách xã hội của Đảng ta là một bước tiến dài mang tính lịch sử trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được lan tỏa và chuyển biến nhận thức rõ rệt trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, làm thay đổi về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về chính sách xã hội.

Thứ ba, việc đảm bảo an sinh xã hội từ chủ yếu nhận thức hỗ trợ nhân đạo sang đảm bảo quyền an sinh của công dân. Chính sách xã hội đã dần gắn với chính sách kinh tế trong từng bước, từng chính sách phát triển; phát triển hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của Nhân dân. Việc giải quyết các vấn đề xã hội từ Nhà nước đóng vai trò nòng cốt và chủ yếu chuyển sang Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đi đôi phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp, thị trường, các tổ chức xã hội và ý chí tự lực, tự cường của người dân.

Thứ tư, hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản hoàn thiện hướng tới đảm bảo công bằng, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo quyền an sinh của người dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. An sinh xã hội giữ vai trò nòng cốt trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro của người dân trong cuộc sống, nhất là qua đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ…

Thứ năm, Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, chỉ số phát triển con người (HDI) có sự cải thiện vượt bậc, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển con người cao.

- Tỷ lệ hộ nghèo gần 60% vào năm 1986, đã ngoạn mục giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2023 theo chuẩn nghèo mới tiếp cận đa chiều; GDP bình quân đầu người tăng hơn 10 lần từ gần 400 USD năm 2000 lên 4.280 USD.

- Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện, trở thành giải pháp cơ bản tạo việc làm bền vững. Tỷ lệ thất nghiệp chung ổn định dưới 3; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2023 đạt 27%.

- Diện bao phủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng, từng bước khẳng định vai trò là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội và 14,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tương ứng đạt 39,25% và 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi.

- Chính sách trợ giúp xã hội liên tục mở rộng. Trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng, bảo đảm người dân được hỗ trợ kịp thời khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng hàng năm, đạt 3,356 triệu người năm 2023 (chiếm 3,35% dân số). Bên cạnh đó, Việt Nam đã thực hiện rất thành công công tác phòng chống đại dịch COVID-19 đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội.

- Mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển nhanh, chính sách phổ cập giáo dục bảo đảm phát triển toàn diện cho trẻ em và hỗ trợ cho đối tượng yếu thế, phổ cập giáo dục đã hoàn thành trước thời hạn từ cấp mầm non đến trung học cơ sở. Tính đến hết năm học 2022-2023, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi ra lớp đạt 93,1%, tăng 6% so với 10 năm trước. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học cấp trung học cơ sở đạt 94,3%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở đạt 90,7%.

- Thực hiện thành công bảo hiểm y tế toàn dân, bao phủ 93,35% dân số vào năm 2023; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn khoảng 10%.

- Nhà ở và điều kiện ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và học sinh, sinh viên từng bước được cải thiện.

- Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%, trong đó, 54% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.

- Từ năm 2016 đã hoàn thành mục tiêu 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất; đến năm 2020, 100% các xã có đài truyền thanh xã.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chính sách vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế như: Phạm vi bao phủ và khả năng giải quyết rủi ro của các chính sách xã hội còn thấp; Kết quả giảm nghèo có nơi, có lúc chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao, phân hoá giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, bất bình đẳng thu nhập duy trì mức khá cao. Thị trường lao động phát triển chưa thực sự đồng bộ và tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức còn lớn; Các dịch vụ xã hội cơ bản chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năng lực và nguồn lực bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu còn hạn chế với các biện pháp hỗ trợ, cứu trợ chủ yếu mang tính truyền thống, chưa hiệu quả với các cú sốc trên diện rộng.

Nguồn lực huy động cho thực hiện chính sách

Nhà nước đã giành nguồn lực ngày càng lớn chi cho an sinh xã hội trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn; đồng thời, huy động sâu rộng sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện chính sách xã hội.

Tổng chi từ ngân sách trong giai đoạn 2012-2022 cho ưu đãi người có công và an sinh xã hội ước khoảng 1,96 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 3,5% GDP với mức chi tăng đều hàng năm. Ngoài các chính sách ưu đãi người có công (18,1%), các chương trình an sinh xã hội lớn được đảm bảo bởi ngân sách nhà nước gồm: Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người nghỉ hưu trước 1995 (24,4%), Hỗ trợ BHYT cho các nhóm đối tượng (17,2%), các chương trình mục tiêu quốc gia (16,6%), Chính sách TGXH gồm thường xuyên, đột xuất và chăm sóc xã hội (8,3%), các chương trình hỗ trợ giáo dục (7,2%). Tuy nhiên, đây là con số chưa đầy đủ do khoản chi ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội được phân cấp mạnh về địa phương, số liệu trên chỉ bao gồm phần ngân sách trung ương cân đối theo báo cáo của Bộ Tài chính và tổng hợp từ một số bộ ngành, chưa bao gồm toàn bộ các nguồn địa phương tự cân đối cũng như phần ngân sách địa phương bố trí cho các chương trình riêng được cấp tỉnh ban hành.

Đặc biệt, trong các năm 2020-2022, Chính phủ đã tập trung nguồn lực để chăm lo cho người dân vượt qua đại dịch COVID-19. Theo tổng hợp từ các địa phương, ngân sách nhà nước huy động để hỗ trợ cho người dân trong giai đoạn này ước khoảng 53 nghìn tỷ đồng, chưa bao gồm ngân sách cho thực hiện chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc, các chi phí chăm sóc, điều trị y tế cho bệnh nhân nhiễm và các đối tượng thuộc diện cách ly theo quy định.

Để người dân không bị thiếu đói, hàng năm, Chính phủ hỗ trợ hàng nghìn tấn gạo cho người dân thiếu lương thực... Riêng năm 2023, hỗ trợ 16,9 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 1,1 triệu nhân khẩu trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão; 4,6 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 309,8 nghìn nhân khẩu thiếu đói kỳ giáp hạt.

Các nguồn chi từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là nguồn lực lớn nhất đảm bảo an sinh xã hội. Tổng chi từ 3 quỹ này trong giai đoạn 2012-2022 ước đạt khoảng 2,66 triệu tỷ đồng. Nhóm các chính sách này ngày càng khẳng định vai trò quan trọng là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, là biện pháp hữu hiệu để người dân chủ động tự đảm bảo an sinh dựa trên nguyên tắc đóng hưởng và chia sẻ rủi ro.

Sự gia tăng của đối tượng tham gia cùng với sự điều chỉnh của tiền lương tối thiểu vùng khiến cho tổng thu và tổng chi BHXH và BHTN đều có mức tăng vượt bậc hàng năm. Riêng giai đoạn 2020-2022, nguồn Quỹ BHTN đã góp phần hỗ trợ cho một số lượng lớn người tham gia bị mất việc làm do tác động của đại dịch COVID-19 và các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, vấn đề rút BHXH một lần còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội toàn dân.

BHYT ngày càng mở rộng, năm 2012 có 121,9 triệu lượt người đi khám chữa bệnh BHYT với tổng chi từ quỹ là 32,5 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2023, cả nước có hơn 174,8 triệu lượt KCB BHYT, với số chi khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.

Các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội có vai trò quan trọng. Các khoản vay có lãi suất ưu đãi thấp hơn rất nhiều lãi suất của các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ hàng triệu hộ nghèo, hộ khó khăn và các đối tượng yếu thế có nguồn vốn để tạo sinh kế, đầu tư cho giáo dục và ổn định đời sống. Tổng nguồn vốn của Chương trình tín dụng ưu đãi trong giai đoạn 2012-2022 ước đạt khoảng 1,97 triệu tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng khoảng 9,7%/năm, từ 113,9 nghìn tỷ (1,6% GDP) năm 2012 lên 298,9 nghìn tỷ (3,1% GDP) năm 2022. Trong năm 2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 346 nghìn tỷ đồng.

Nguồn huy động từ cộng đồng: Phát huy tinh thần tương thân tương ái, truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc ta, mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng đã được để hỗ trợ kịp thời cho những trường hợp khó khăn, các trường hợp rủi ro đột xuất, đặc biệt là trong thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, các nguồn tài trợ, từ thiện do các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tự thực hiện; các chương trình, dự án hỗ trợ từ các chính phủ và tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hiện không có số liệu và báo cáo đầy đủ.

Định hướng huy động nguồn lực tiếp tục thực hiện chính sách xã hội

Quan điểm trước sau như một của Đảng, Chính phủ là tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội; tạo điều kiện để Nhân dân thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo động lực để phát triển. Để thực hiện được chủ trương trên, cần phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội, người dân và giữa các nhóm dân cư, bảo đảm bền vững và công bằng xã hội.

Như vậy, nguồn lực tài chính huy động cho ASXH cũng cần thiết phải được mở rộng, tăng tương xứng với trình độ phát triển của nền kinh tế. Do đó, cần “Đổi mới cơ chế huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội theo hướng linh hoạt, hiệu quả; nguồn lực nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời huy động hợp lý nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế; tăng cường xã hội hoá, hợp tác công - tư trong thực hiện chính sách xã hội” như Nghị quyết số 42-NQ/TW đã chỉ ra. Đặc biệt, trong giai đoạn tới, nguồn lực từ ngân sách vẫn tiếp tục đảm bảo thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng với mức hưởng cao nhất trong các chính sách xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng hỗ trợ cho các nhóm khó khăn nhất được bao phủ bởi các chính sách an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng.

Trong khi nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng, các chương trình mang tính đóng hưởng (BHXH, BHTN, BHYT) và các chương trình hỗ trợ có điều kiện, trên cơ sở khuyến khích, hoàn trả, có sự tham gia của đối tượng thụ hưởng (như tín dụng ưu đãi) cần được tiếp tục mở rộng. Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cần thực hiện đúng mục tiêu, phù hợp với khả năng của nền kinh tế, thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, phân quyền; phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng và Nhân dân để đảm bảo tính chia sẻ và bền vững của hệ thống chính sách.

Trong thiết kế chính sách ASXH, cần xác định đầy đủ nhu cầu về ngân sách để đảm bảo thực hiện được mục tiêu chính sách; không để các hạn chế về ngân sách làm co hẹp chương trình mà cần tìm các giải pháp phù hợp để lấp đầy các khoảng thiếu hụt này. Tuy vậy, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, cần tập trung vào những chương trình hiệu quả nhất, giảm bớt hoặc tích hợp các chương trình nhỏ lẻ, không có nhiều tác động thực sự đến đối tượng để tập trung cho những chương trình mang tính toán diện, bao trùm và có hiệu quả hơn.

Trong triển khai thực hiện, cần phải xây dựng hệ thống thông tin quản lý, báo cáo đầy đủ về nguồn lực tài chính để cung cấp số liệu chính xác và kịp thời phục vụ cho việc hoạch định chính sách dài hạn, bao gồm cho phép ước tính nguồn lực cần thiết cho các phương án đề xuất. Đối với các nguồn huy động từ cộng đồng, cần xây dựng một nền tảng chung để chia sẻ, điều phối nguồn lực để tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo minh bạch, hiệu quả, hợp lý.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đảng Cộng sản (2012), Nghị quyết hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI;
  2. Đảng Cộng sản (2023), Nghị quyết hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII;
  3. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội (2022), Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020;
  4. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận. Ngân hàng Chính sách xã hội (2023), Báo cáo tình hình tổ chức thực hiện Quyết định số 1983/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1+2 tháng 2/2024