Triển vọng thương mại toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2021

Đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, cộng với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các nền kinh tế lớn trong thời gian qua là những yếu tố khiến thương mại toàn cầu năm 2020 sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong bối cảnh đó, năm 2021 và những năm tiếp theo được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu. Những bất định về một đại dịch chưa có hồi kết, thị trường tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro… có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Bài viết trao đổi về triển vọng thương mại toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Thương mại toàn cầu dưới tác động của đại dịch Covid-19

Năm 2020, bức tranh kinh tế toàn cầu chủ đạo là "gam màu tối" và được coi là năm tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế thế giới, thậm chí tồi tệ hơn cả cuộc đại khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1929-1933. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP toàn cầu năm 2020 giảm 4,3% so với năm 2019, kéo theo GDP đầu người cũng giảm 6,2%. Tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển và mới nổi lần đầu tiên trong 60 năm qua tăng trưởng âm (-2,5%), trong khi mức tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển ở mức (-7%).

Theo ước tính của WB, năm 2020, các hoạt động thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, (giảm từ 7%-9% so với năm 2019), do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dấu hiệu chững lại của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc áp dụng các biện pháp “mạnh” như: Phong tỏa và giãn cách xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất và vận chuyển nguyên liệu đầu vào trong sản xuất... Xu hướng gián đoạn, đứt gãy của hoạt động thương mại toàn cầu xuất hiện trong cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu ở các quốc gia trên thế giới do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu

Trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại, các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định khác nhau về triển vọng kinh tế toàn cầu. Cụ thể, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, năm 2021, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đạt mức 5%; tổ chức Oxford Economics dự báo đạt 5,4%; Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs dự báo đạt 6%...

Tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong thời gian tới phụ thuộc khá nhiều vào sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc... Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro trong năm 2021 có thể đạt 6%, trong khi tổ chức Focus Economics dự báo, GDP của khu vực đồng Euro sẽ đạt 5,6%. Các tổ chức quốc tế như: ADB, OECD, Focus Economics đều đồng thuận với dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ có thể đạt 4% vào năm 2021. Đối với hai nền kinh tế lớn của châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc, các đánh giá cũng khá trái chiều. Tổ chức Focus Economics dự báo, tăng trưởng GDP năm 2021 của Nhật Bản là 2,7%, trong khi đó OECD thận trọng hơn khi đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản chỉ đạt 1,5% trong năm 2021...

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF, 2020), thương mại toàn cầu sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021 và sau đó sẽ có diễn biến ổn định nếu không có “cú sốc” lớn nào khác. IMF (10/2020) dự báo, với sự phục hồi của kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu sẽ đạt khoảng 8% năm 2021 và trung bình đạt hơn 4% trong giai đoạn 2022-2025. Trong giai đoạn sau năm 2022-2025, thương mại toàn cầu có xu hướng giảm nhẹ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Châu Âu sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ khi mà tăng trưởng nhập khẩu thương mại hàng hoá và dịch vụ tăng mạnh (từ mức -12,9% năm 2020 lên mức 8% năm 2021), sau đó giảm trung bình 4% trong 4 năm tiếp theo. Nhập khẩu hàng hoá khu vực này cũng tăng mạnh trong năm 2021 đạt 7,7% (từ mức -11,6% năm 2020, sau đó giảm dần về mức 2,6% năm 2025). Châu Mỹ La tinh cũng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, xuất khẩu đạt mức 9,56% (từ mức -10,66% năm 2019, sau đó giảm xuống chỉ còn 4% trong giai đoạn 2022-2023 và giảm tiếp còn 3% giai đoạn 2024-2025). Nhập khẩu chứng kiến mức giảm lớn nhất trong tất cả các khu vực (-13,38% năm 2020 so với năm 2019 song mức phục hồi về nhập khẩu cũng cao nhất trong tất cả các khu vực khi tăng trưởng nhập khẩu hàng năm của khu vực này đạt 15% trong năm 2021...

Đáng chú ý, sự phục hồi thương mại tại các khu vực là không đồng đều. Theo các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi mạnh mẽ của một số nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là ở châu Á có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Chẳng hạn như: Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường chính cho các nhà xuất khẩu tại các nước châu Á - Thái Bình Dương (APAC) khác.

Triển vọng thương mại toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam - Ảnh 1

Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020, một thỏa thuận thương mại khu vực giữa 15 nước APAC, sẽ tiếp thêm sức mạnh cho thương mại nội khối và phản ánh những lợi thế mà Mỹ mang lại cho Trung Quốc - thành viên RCEP và là siêu cường mới nổi. Khu vực ASEAN được coi là điểm sáng của phục hồi thương mại khi tăng trưởng xuất khẩu năm 2021 có thể đạt 13,6%, sau đó ổn định quanh mức 6% giai đoạn 2022-2025. Nhập khẩu khu vực này có thể đạt 14% vào năm 2021 và giảm về mức trung bình 6% các năm tiếp theo.

Theo nhận định của NCIF (2020), bản đồ thương mại hai chiều giữa các quốc gia cũng có xu hướng thay đổi. Theo đó, thương mại hai chiều giữa Mỹ và EU đến năm 2023 tiếp tục tăng trưởng, nhưng với tốc độ thấp hơn rất nhiều (so với mức tăng 135 tỷ USD từ năm 2015 đến năm 2019). Thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc đến năm 2023 được dự báo sẽ giảm khoảng 15% (tương đương với mức giảm khoảng 128 tỷ USD so với mức của năm 2019). Thương mại hai chiều giữa EU và Trung Quốc cũng sẽ giảm khoảng 30 tỷ USD (từ năm 2019 -2023)...

Yếu tố thúc đẩy kỳ vọng tăng trưởng thương mại toàn cầu

Những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn và các rào cản này được coi là nguyên nhân chính khiến cho thương mại thế giới tiếp tục phục hồi chậm (dự báo tăng trung bình khoảng 4,25% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2022). Tuy nhiên, dù chịu ảnh hưởng bởi không ít khó khăn, thách thức, nhưng thương mại toàn cầu vẫn có nhiều dư địa phát triển trong tương lai, do các yếu tố sau:

Một là, trên toàn cầu, kinh tế có xu hướng phục hồi sau khi các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế, giãn cách nghiêm ngặt và các doanh nghiệp mở cửa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo, thương mại toàn cầu năm 2021 sẽ phục hồi trở lại, song vẫn phụ thuộc phần lớn vào dịch bệnh và hiệu quả của các phản ứng chính sách của các quốc gia.

Hai là, vắc-xin phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã, đang được nhiều nước trên thế giới triển khai tiêm chủng trên diện rộng đây là bước tiến quan trọng để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và đầu tư trong năm 2021.

Ba là, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được dự báo sẽ hạ nhiệt. Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden từng khẳng định, Mỹ sẽ không tham gia vào “thương mại trừng phạt”. Mặc dù, chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa dỡ bỏ hàng rào thuế quan của người tiền nhiệm Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận của ông Joe Biden với các đối tác thương mại khác của Mỹ có thể mang tính ôn hòa, dân chủ hơn.

Bốn là, các nền kinh tế phục hồi và chính sách thương mại có thể được thực hiện thông qua các cuộc đàm phán, thay vì thuế quan. Sự lạc quan thận trọng về thương mại toàn cầu tiếp tục được bảo đảm với sự hợp tác quốc tế và triển vọng hợp tác đa phương, để hợp tác giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trên thực tế.

Năm là, sau một thời gian dài đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, vì đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới sẽ tăng cường hơn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, nên áp dụng các chính sách nới lỏng hơn giữa các nước.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Dù hoạt động thương mại toàn cầu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là diễn biến của đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nhưng WTO vẫn đưa ra dự báo lạc quan về triển vọng thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2021 (có thể đạt 7,2%). Để thúc đẩy hoạt động thương mại tiếp tục tăng trưởng ở Việt Nam, trong thời gian tới, cần chú trọng các nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục vận động ủng hộ thương mại tự do và hệ thống thương mại đa phương, tăng cường hiệu quả hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Đồng thời, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại.

Thứ hai, rà soát sửa đổi, bổ sung những quy định mới về chính sách xuất khẩu, quản lý nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; khuyến khích xuất khẩu bền vững và kiểm soát hàng hóa nhập khẩu hiệu quả.

Thứ ba, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước để chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó với nguy cơ rủi ro tiềm ẩn của tỷ giá giữa đồng VND và USD gây ảnh hưởng tới hoạt động thương mại của Việt Nam; Nắm bắt các thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia, đặc biệt là các thị trường lớn và tiềm năng của Việt Nam để tận dụng cơ hội thúc đẩy thương mại.

Thứ tư, tập trung tháo gỡ các rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường, trong đó có thị trường Mỹ và Trung Quốc; nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật nhập khẩu của các nước... Tăng cường cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp xuất khẩu về các vấn đề liên quan tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, từ đó giúp các doanh nghiệp có thể chủ động trong việc sản xuất, tìm kiếm thị trường...

Thứ năm, nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, sử dụng các biện pháp giải quyết và kiểm soát chất lượng hàng hóa nhằm ngăn chặn ngay tại cửa khẩu các sản phẩm hàng hóa từ Trung Quốc. Kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp xóa bỏ tình trạng hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Thứ sáu, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đầu tư vào công nghệ sản xuất, chế biến xuất khẩu, từ đó đón đầu, tận dụng tốt những cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.       

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Thị Tường Anh, Phạm Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Minh Thư (2021), Triển vọng kinh tế thế giới năm 2021, Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 02/2021;

Phạm Nguyên Minh, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (2020), Tình hình thương mại thế giới năm 2020 và tác động đối với Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 2/2020;

Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (2020), Tình hình thương mại toàn cầu năm 2020 và dự báo giai đoạn tới

Tố Uyên (2021), Lạc quan thận trọng với triển vọng thương mại toàn cầu năm 2021, Thông tấn xã Việt Nam;

Thu Ngọc (2021), Kinh tế thế giới năm 2020 và triển vọng năm 2021, Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ;

Asian Development  Bank (ADB), Asian Development Outlook Update, December 2020;

FocusEconomics, Major Economies Economic Outlook, November 2020;

International Monetary Fund (IMF), World Economic Outlook: A Long and Difficult Ascent, October 2020;

OECD, Economic Outlook: Interim Report, September 2020;

World Bank. 2020, Global Economic Prospects, June 2020. Washington, DC.