Bài học quản trị tài chính tại một số công ty đa quốc gia
Cùng với xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế là sự ra đời và phát triển ngày càng nhiều của các công ty đa quốc gia. Các công ty này hoạt động thành công trên phạm vi quốc tế nhờ khả năng quản lý tốt của các nhà quản trị tài chính khi biết kết hợp sự đa dạng và dự đoán được những thay đổi đến từ yếu tố “đa quốc gia” để tạo nên giá trị tổng thể cao nhất. Bài viết này phân tích các vấn đề quản trị tài chính tại một số công ty đa quốc gia và rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam có thể tham khảo.
Nội dung cơ bản của quản trị tài chính tại các công ty đa quốc gia
Công ty đa quốc gia (MNC) là công ty tham gia vào quá trình sản xuất và bán sản phẩm hoặc dịch vụ ở nhiều nước. Công ty đa quốc gia bao gồm một công ty mẹ đặt tại chính quốc và có ít nhất 5 hoặc 6 công ty con ở nước ngoài. Một số công ty đa quốc gia có tới 100 công ty con ở nước ngoài trên khắp thế giới. Các công ty này có thể ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ quốc tế và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa (Theo Liên hiệp quốc, có ít nhất 35.000 công ty con trên thế giới có thể xem là công ty đa quốc gia). Quản trị tài chính công ty đa quốc gia có một số nội dung cơ bản như sau:
Quyết định đầu tư
- Đầu tư trực tiếp: Các MNC đầu tư vào các cơ hội kinh doanh ở nước ngoài bằng cách tiến hành đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chủ yếu là đầu tư vào các tài sản thực ở nước ngoài (như đất đai, nhà xưởng hoặc các nhà máy đang hoạt động...).
- Đầu tư gián tiếp: Đối với các MNC khi mà thị trường và người tiêu dùng là toàn cầu thì các nhà đầu tư của nước này có thể mua cổ phiếu và trái phiếu của nước khác và ngược lại. Lợi ích của đầu tư quốc tế là rất nhiều, nhưng có thể thấy ngay là một sự đầu tư trọng điểm được rải đều trên phạm vi quốc tế thì nó sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn khi chỉ tập trung vào thị trường nội địa.
Quyết định tài trợ
Các MNC thường sử dụng nguồn vốn dài hạn để tài trợ cho các dự án dài hạn. Để đưa ra quyết định tài trợ dài hạn, MNC phải xác định lượng tiền đang cần, dự báo giá tại đó nó có thể phát hành trái phiếu và dự báo giá trị tỷ giá định kỳ đối với đồng tiền ghi trên trái phiếu.
Quyết định tài chính ngắn hạn
Yêu cầu về vốn lưu động của các MNC đặt ra một vấn đề quyết định và hết sức phức tạp. Sự phức tạp này là do có nhiều lựa chọn tài trợ sẵn có khác nhau đối với một MNC. Các công ty mẹ của MNC và các chi nhánh của chúng sử dụng phương pháp khác nhau, để có nguồn ngân quỹ ngắn hạn nhằm thỏa mãn sự cần thiết về tính lỏng của nó.
Quản trị rủi ro tài chính
Các công ty chỉ hoạt động ở thị trường trong nước thường không phải chú ý nhiều đến các rủi ro tài chính, đặc biệt là rủi ro ngoại hối. Nhưng đây lại là vấn đề hết sức quan trọng đối với quản trị tài chính trong các công ty đa quốc gia do đặc thù về sự đa dạng trong các giao dịch cũng như trong việc sử dụng nhiều đồng tiền khác nhau.
Quản trị tài chính tại một số công ty đa quốc gia và bài học kinh nghiệm
Việc ra quyết định tài chính ngắn hạn của American Express
Với hơn 155 tuổi phát triển, Tập đoàn American Express của Mỹ được coi là công ty hàng đầu trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ tài chính, luôn dẫn đầu với các loại thẻ tín dụng và séc du lịch. Đầu năm 1980, American Express đã hoàn thành một cuộc nghiên cứu 8 tháng về séc du lịch và thẻ tín dụng ở 7 nước châu Âu. Dựa vào kết quả của cuộc nghiên cứu này, American Express đã phát triển một hệ thống quản trị tiền tệ quốc tế với kỳ vọng sẽ tạo ra được các khoản lãi tiền tệ, tức là các khoản đầu tư tăng hoặc lượng vốn vay giảm (khoảng 35 triệu USD chỉ tính riêng châu Âu). Khoảng một nửa khoản tiết kiệm này dự tính có được từ các khoản thu từ việc đẩy mạnh và kiểm soát giải ngân tốt hơn. Một nửa còn lại dự tính có được từ việc kiểm soát số dư ngân hàng tốt hơn, chi phí ngân hàng giảm, việc xác định thời gian tính lãi được cải thiện và kiểm soát việc trao đổi ngoại tệ tốt hơn.
Các bộ phận cấu thành hệ thống này bao gồm các phương pháp thu và chi tiền, kết cấu tài khoản ngân hàng, hoạch định chỉ tiêu số dư và quản trị ngoại hối. Hệ thống toàn cầu này được điều khiển trên cơ sở khu vực với một số hướng dẫn và chỉ đạo từ văn phòng ngân quỹ của tập đoàn ở New York. Một văn phòng ngân quỹ khu vực Brighton (Anh) kiểm soát tiền tệ, tài trợ và các giao dịch ngoại hối ở châu Âu, vùng Trung Đông và châu Phi.
Tiếp đến, American Express tập trung quản trị tất cả các tài khoản ngân hàng của nó ở châu Âu trên cơ sở một khu vực. American Express đã tiến hành tái cấu trúc các tài khoản ngân hàng bằng cách loại bỏ một số tài khoản và đảm bảo cho các nguồn quỹ tự do di chuyển giữa các tài khoản còn lại. Bằng việc tập trung các nguồn quỹ dư thừa, American Express có thể đầu tư chúng với các thời kỳ dài hơn, đồng thời giảm được tình trạng một công ty con phải vay tiền trong khi một công ty con khác lại có quỹ dư thừa. Trong trường hợp phải đi vay thông qua việc kết hợp các nhu cầu vay của các hoạt động khác nhau, American Express có thể sử dụng tài trợ có kỳ hạn và không phải rút trội số dư ngân hàng với chi phí cao hơn. Việc giảm số tài khoản làm cho việc quản trị tiền tệ bớt phức tạo hơn và đồng thời giảm được phí ngân hàng.
Bài học kinh nghiệm từ American Express cho thấy, trong các quyết định liên quan đến tài chính ngắn hạn thì quản trị tiền mặt là lĩnh vực được công ty chú ý nhiều nhất. Đối với American Express, công ty này đã xây dựng một hệ thống quản trị tiền tệ quốc tế với kỳ vọng sẽ tạo ra được các khoản lãi tiền tệ từ việc đẩy mạnh kiểm soát giải ngân và kiểm soát số dư ngân hàng, giảm chi phí ngân hàng cũng như kiểm soát tốt hơn việc trao đổi ngoại hối. Đây là một phương pháp quản lý đáng giá, bởi hầu hết các MNC đều phải đối mặt với chi phí ngân hàng, chi phí cho các nghiệp vụ thu chi nhưng không phải công ty nào cũng nhận ra vấn đề phải quản lý để giảm thiểu các chi phí này. Điều này sẽ giúp họ quản trị lượng tiền mặt tốt hơn.
Thay vì thu tiền tập trung về công ty mẹ, American Express đặt thêm các điểm trung gian ở châu Âu, để giảm thiểu thời gian thu tiền. Về quản trị tài khoản, American Express không cho phép mỗi chi nhánh thiết lập một tài khoản ngân hàng riêng vì như thế sẽ làm tăng chi phí. Công ty đã loại bỏ bớt các tài khoản nhưng lại đảm bảo cho nguồn quỹ được tự do di chuyển giữa các tài khoản còn lại. Bằng cách này, việc quản trị tiền tệ trở nên bớt phức tạp hơn nhưng quan trọng là tạo ra các khoản dư mà công ty có thể sử dụng để đầu tư dài hạn.
Quyết định tài trợ của công ty Nestlé
Nestlé là một tập đoàn sản xuất thực phẩm và giải khát của Thụy Sỹ với tổng giá trị 17 tỷ USD. Nestlé có trụ sở chính đặt tại Vevey (Thụy Sỹ), có chi nhánh trên 150 quốc gia trên thế giới. Khoảng 98% doanh số bán hàng của công ty được thực hiện ở nước ngoài. Cơ cấu doanh thu theo thị trường của Nestlé là: 32% từ châu Âu, 31% từ châu Mỹ (riêng Mỹ chiếm 26%), 16% từ châu Á, 21% từ các khu vực còn lại.
Các công ty con của Nestlé đều được phân quyền hoạt động. Tuy nhiên, các vấn đề tài chính lại được tập trung ở trụ sở chính. Mặc dù phòng tài chính chỉ tại trụ sở chỉ có 12 người nhưng lại là nơi thực hiện tất cả các quyết định tài trợ, quản lý rủi ro, xác định lợi tức, tính toán cấu trúc nợ/vốn cổ phần toàn cầu và đánh giá kết quả hoạt động của tất cả các công ty con.
Khi một chi nhánh công ty được thành lập, tài sản cố định (chiếm khoảng một nửa tổng vốn đầu tư), thường được tập đoàn Nestlé tài trợ bằng vốn cổ phần. Sau đó, tập đoàn có thể cung cấp vốn dài hạn khi cần nhằm hỗ trợ các hoạt động của chi nhánh. Giám đốc chi nhánh địa phương thực hiện tất cả các quyết định về sản xuất và marketing, nhưng các quyết định liên quan tới nợ dài hạn và tài trợ bằng vốn cổ phần chỉ được quản lý bởi tổng hành dinh.
Kiểm soát tập trung đối với các cấu trúc vốn chi nhánh được hỗ trợ bởi chính sách bắt buộc các giám đốc các chi nhánh phải chia gần như 100% lợi nhuận của họ cho công ty mẹ. Để đảm bảo có thể vay với chi phí thấp nhất có thể, Nestlé cẩn thận trong việc cấu trúc cơ sở vốn của mình nhằm duy trì được uy tín tín dụng dẫn đầu.
Bài học kinh nghiệm từ Nestlé: Quyết định tài trợ được coi là vấn đề quan trọng bậc nhất đối với bất kỳ công ty nào có hoạt động kinh doanh quốc tế. Các công ty thường quan tâm không phải là huy động vốn từ nguồn nào mà là việc quyết định cấu trúc vốn nợ/ vốn chủ sở hữu một cách hợp lý nhất cũng như làm thế nào để giảm thiểu chi phí vốn của một dự án đầu tư. Đây được coi là một trong những nội dung phức tạp nhất trong quản trị tài chính quốc tế. Bài học từ Nestlé cho thấy, công ty đa quốc gia này đã tiến hành quản lý vốn tập trung tại một nơi duy nhất là công ty mẹ, đã áp dụng một chính sách quản lý vốn vô cùng chặt chẽ, nhằm đạt được một cấu trúc vốn rủi ro thấp. Mục đích này là dễ hiểu bởi các công ty đa quốc gia đã phải đối mặt với nhiều rủi ro nên không cần thiết phải thêm các rủi ro tài chính.
Những chính sách trên giúp cho Nestlé dễ dàng kiểm soát việc thực hiện mục tiêu chung của tập đoàn mà không sợ các nhà quản lý chi nhánh có những quyết định tư lợi riêng cho chi nhánh của mình. Việc quản lý vốn tập trung từ trên xuống dưới cũng tạo ra một cấu trúc vốn tối ưu đối với tập đoàn này theo hướng đảm bảo chi phí vay là thấp nhất và giảm thiểu rủi ro tài chính cho công ty.
Quản trị rủi ro tài chính của Rolls – Royce
Công ty TNHH Rolls – Royce, nhà sản xuất động cơ máy bay của Anh, đã bị lỗ một khoản là 58 triệu Bảng Anh vào năm 1979 với doanh số bán trên toàn thế giới đạt 848 triệu Bảng Anh. Nguyên nhân lỗ là do đồng Bảng Anh đã tăng giá quá mạnh so với đồng USD (từ 1 Bảng/1,71 USD vào đầu năm 1979 lên 1 Bảng/ 2,12 USD vào cuối năm 1979). Trong khi đó, phần lớn sản phẩm động cơ máy bay dân dụng do Rolls – Royce sản xuất lại được bán sang Mỹ. Doanh thu xuất khẩu tại thị trường mục tiêu này luôn chiếm 40% tổng doanh thu của công ty.
Vì Mỹ là nước có vị trí thống trị trên thế giới trong lĩnh vực hàng không dân dụng trên cả phương diện nhà sản xuất lẫn khách hàng nên mọi hợp đồng mua hay bán động cơ cho Mỹ thường đều được tính theo USD, và khi đồng USD mất giá, nghĩa là công ty sẽ bị lỗ. Mặt khác, chi phí hoạt động phát sinh của Rolls – Royce lại phần lớn được tính bằng đồng Bảng Anh (như chi phí tiền lương, linh kiện và trả nợ). Tại thời điểm 1978-1979, Rolls-Royce đã ký được một vài hợp đồng khổng lồ, định giá sản phẩm bằng đồng USD, tất cả những hợp đồng này đều xác định tỷ giá hối đoái cố định là 1 GBP/1,80USD và không đưa điều khoản rủi ro hối đoái vào hợp đồng. Vì vậy, khi USD giảm giá thì hậu quả kết hợp của việc doanh thu tính theo USD trong khi mọi chi phí tính theo đồng Bảng Anh đã gây nên các khoản thua lỗ, do quy đổi ra tỷ giá hối đoái. Cụ thể, các hợp đồng của năm 1979 đã khiến cho Rolls – Royce bị thua lỗ đến 200 triệu USD.
Từ thất bại của Rolls – Royce có thể thấy sự thận trọng khi ký các hợp đồng cung cấp mà đồng tiền thanh toán không phải là nội tệ. Tỷ giá có thể thay đổi không theo như dự đoán của nhà quản trị và hậu quả là những thiệt hại rất lớn về mặt lợi nhuận.
Kết luận
Hệ thống tài chính quốc tế chứa đựng trong nó sự phức tạp và những biến động khó lường trước, kèm theo đó là yếu tố “đa quốc gia” làm cho các công ty đa quốc gia phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, đòi hỏi các nhà quản trị tài chính của các công ty đa quốc gia phải kết hợp được sự đa dạng và dự đoán được những thay đổi đó để tạo nên giá trị tổng thể cao nhất. Những thất bại và những thành công từ hoạt động quản trị tài chính tại các công ty đa quốc gia sẽ là kinh nghiệm và bài học cho nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Thanh (2004), Quản trị tài chính công ty đa quốc gia, NXB Tài chính;
2. Đinh Thế Hiển (2007), Quản trị tài chính công ty-Lý thuyết và ứng dụng, NXB Thống kê;
3. Nguyễn Hải San (2003), Quản trị tài chính doanh nghiệp, NXB Thống kê;
4. Nguyễn Hải Tiến (2004), Tài chính quốc tế hiện đại trong nền kinh tế mở, NXB Thống kê;
5. Báo cáo thường niên của Liên Hiệp Quốc.