Ít có khả năng các ngân hàng xé rào lãi suất

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, đợt giảm trần lãi suất huy động lần này sẽ khiến người dân xem xét lại các kênh đầu tư, huy động vốn của các ngân hàng sụt giảm, song xé rào lãi suất sẽ không xảy ra.

Giảm lãi suất huy động VND sẽ tạo ra áp lực cho sự ổn định của tỷ giá. Nguồn: internet
Giảm lãi suất huy động VND sẽ tạo ra áp lực cho sự ổn định của tỷ giá. Nguồn: internet

Cụ thể, lãnh đạo HSBC Viêt Nam cho rằng, đợt giảm trần lãi suất huy động lần này nhằm thực hiện chủ trương đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra hồi cuối năm 2013 nhằm tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay.

Đợt cắt giảm lãi suất này được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như: lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân chưa cao… nên động thái này của Ngân hàng Nhà nước hy vọng sẽ kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp hơn nhằm kích thích nhu cầu vay vốn trên thị trường.

Trước khi trần lãi suất 6%/năm có hiệu lực vào ngày 18/3/2014, đa số các ngân hàng thực tế đã chi trả lãi suất tiền gửi ở dưới mức trần cũ (7%/năm) và mức lãi suất đó chênh lệch so với mức trần 6% mới này không nhiều. Do vậy, việc Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất thị trường lần này cũng có ảnh hưởng tới thị trường nhưng sẽ không quá lớn.

Do nguồn cung tiền đồng trên thị trường hiện nay tương đối dư thừa nên các ngân hàng cũng không cạnh tranh quá nhiều trong việc huy động vốn như trước đây. Theo ông Hải, không có nhiều khả năng lần áp dụng trần lãi suất này sẽ gây hiện tượng phá rào để huy động vốn bằng mọi giá.

Việc điều chỉnh giảm trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện với những bước đi thận trọng. Áp lực để giảm lãi suất trên thực tế đã có manh nha từ năm 2013, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi điều chỉnh giảm.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi giảm lãi suất huy động VND sẽ tạo ra áp lực cho sự ổn định của tỷ giá, nhưng theo ông Hải, lần giảm lãi suất này sẽ không gây ảnh hưởng đến tỷ giá. Bởi khi nhìn vào bức tranh kinh tế vĩ mô hiện nay thì những áp lực lên tỷ giá không quá lớn, nhất là khi cầu tiêu dùng vẫn còn yếu.

Theo ông Hải, có nhiều khả năng người dân sẽ xem xét lại kênh đầu tư, thay vì gửi tiết kiệm có thể sẽ chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác.

"Rất có thể nguồn vốn huy động của các ngân hàng sẽ giảm, nhưng sẽ không thay đổi quá đột ngột", ông Hải nhận định