Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công trong lĩnh vực kế toán công khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long

T

Nghiên cứu này phân tích tác động của các nhân tố đến sự thành công trong lĩnh vực kế toán công khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Từ việc tổng hợp ý kiến chuyên gia, nhóm tác giả đề xuất xây dựng mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công trong lĩnh vực kế toán công và đo lường sự tác động của các nhân tố này. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm đào tạo và phát triển chất lượng nguồn nhân lực kế toán đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các ngành nghề, nhất là kế toán. Sự thay đổi hiện rõ từ phương thức sử dụng chứng từ điện tử, áp dụng các phần mềm kế toán các phần mềm phân tích… vì vậy đòi hỏi người làm kế toán phải cập nhật nâng cao kiến thức đáp ứng yêu cầu thực tế.

Việc xây dựng hệ thống các chuẩn mực kế toán công tạo ra một môi trường pháp lý quan trọng cho lĩnh vực kế toán công, góp phần quản lý, quản trị ngày càng tốt hơn nền tài chính quốc gia, nhưng cũng dẫn tới ảnh hưởng và thách thức cho các kế toán viên ở khu vực công sẽ phải thay đổi về việc tổ chức, ghi nhận, đánh giá và đề xuất để đảm bảo hoàn thành tốt công việc.

Ngày 31/7/2019, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1299/QĐ-BTC phê duyệt Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam. Mục tiêu của Đề án nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và tại các đơn vị trong lĩnh vực công; nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị trong lĩnh vực công, kịp thời, đầy đủ và được quốc tế thừa nhận; Xác định các cơ sở để xây dựng báo cáo tài chính nhà nước, thực hiện chức năng Tổng Kế toán Nhà nước của Kho bạc Nhà nước. Bên cạnh đó, Đề án góp phần thúc đẩy hội nhập nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công với khu vực và thế giới, nâng cao tính minh bạch và có thể so sánh được của các thông tin tài chính (Quyết định số 1299/QĐ-BTC).

Việc xây dựng hệ thống các chuẩn mực kế toán công tạo ra một môi trường pháp lý quan trọng cho lĩnh vực kế toán công, góp phần quản lý, quản trị ngày càng tốt hơn nền tài chính quốc gia, nhưng cũng dẫn tới ảnh hưởng và thách thức cho các kế toán viên ở khu vực công sẽ phải thay đổi về việc tổ chức, ghi nhận, đánh giá và đề xuất để đảm bảo hoàn thành tốt công việc. Chính vì thế, người làm kế toán phải có sự trau dồi và chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong điều kiện hội nhập. Xuất phát từ nhu cầu đó, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu “Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công trong lĩnh vực kế toán công khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Tổng quan và giả thuyết nghiên cứu

Kế toán công và các nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công trong lĩnh vực kế toán công

Kế toán công có thể được hiểu là kế toán dành cho khu vực công, có liên quan đến các vấn đề về ngân sách của Nhà nước, có nhiệm vụ theo dõi, phản ánh, báo cáo về tình hình tiếp nhận, sử dụng, quyết toán các nguồn kinh phí của Nhà nước.

Hệ thống kế toán công bao gồm các thành phần cơ bản sau: Kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước; Kế toán hành chính - sự nghiệp; Kế toán cơ quan thu ngân sách nhà nước; Kế toán khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công trong lĩnh vực kế toán công

Kỹ năng nghề nghiệp: “Kỹ năng” là khả năng để làm tốt một công việc nào đó thường có được qua đào tạo chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế (Theo từ điển Oxfort). Theo đó, kỹ năng được hiểu là sự thành thạo, tinh thông về các thao tác, động tác trong quá trình hoàn thành một công việc cụ thể nào đó.

Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công trong lĩnh vực kế toán công khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh 1

Kỹ năng chuyên môn được đề xuất bao gồm: Kỹ năng lập hóa đơn chứng từ; Mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và kiểm kê; sử dụng phần mềm kế toán thành thạo; lập báo cáo kế toán; cập nhật sự thay đổi của chế độ, chuẩn mực kế toán; tổ chức kế toán tại đơn vị; soạn thảo hợp đồng…

Giả thuyết nghiên cứu: Kỹ năng chuyên môn tác động dương đến biến phụ thuộc.

Kỹ năng tin học, ngoại ngữ: Kỹ năng tin học, ngoại ngữ là khả năng vận dụng tin học và ngoại ngữ trong kế toán. Kỹ năng ngoại ngữ tin học được đề xuất bao gồm: Sử dụng thành thạo Word, Excel; Đọc hiểu báo cáo kế toán bằng tiếng Anh; Khắc phục được một số lỗi cơ bản của phần mềm kế toán.

Giả thuyết nghiên cứu: Kỹ năng tin học, ngoại ngữ tác động dương đến biến phụ thuộc.

Kỹ năng giao tiếp ứng xử: Kỹ năng giao tiếp ứng xử được đề xuất bao gồm: Tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp; luôn giữ chữ tín trong giao tiếp; trung thực; lắng nghe và khuyến khích người khác trong công việc; đảm bảo sự hài hòa về mặt lợi ích giữ các bên khi tham gia giao tiếp.

Giả thuyết nghiên cứu: Kỹ năng giao tiếp ứng xử tác động dương đến biến phụ thuộc.

Kỹ năng thích ứng: Khả năng thích ứng là kỹ năng hòa nhập, thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi. Kỹ năng thích ứng được đề xuất bao gồm: Làm việc nhóm; làm việc độc lập; làm việc trong môi trường áp lực cao; có khả năng tiếp nhận phần công việc mới; khả năng xử lý chỉ trích và những người khó tính.

Giả thuyết nghiên cứu: Kỹ năng thích ứng tác động dương đến biến phụ thuộc.

Kỹ năng quản lý thời gian: Kỹ năng quản lý thời gian được đề xuất bao gồm: Lập kế hoạch cho công việc hàng kỳ; nói không đúng thời điểm đúng hoàn cảnh; không ôm đồm, gánh vác công việc của người khác.

Giả thuyết nghiên cứu: Kỹ năng quản lý thời gian tác động dương đến biến phụ thuộc.

Công tác kế toán: Sự thành công trong công việc thể hiện bao gồm: Giải quyết công việc suôn sẻ, hiệu quả; Vị trí công việc hiện tại luôn mang lại cảm giác tự tin; Thu nhập tương xứng với sức lao động.

Mô hình nghiên cứu

Thông qua tổng quan cơ sở lý thuyết và ý kiến chuyên gia, tác giả tiến hành tổng kết các nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công trong lĩnh vực kế toán như Hình 1. Mô hình nghiên cứu xem xét ảnh hưởng trực tiếp của các biến độc lập (Biến X) đến biến phụ thuộc (Biến Y).

Phương pháp nghiên cứu

Nguồn dữ liệu thực hiện nghiên cứu

Theo Hair và cộng sự (2006), cỡ mẫu tối thiểu cần đạt được tính theo công thức: n=5*m (m: là số biến quan sát), tức là 5*25 = 125 quan sát. Để thực hiện kiểm định các giả thuyết, nhóm tác giả sử dụng số liệu thu thập thông qua khảo sát trực tiếp 200 đơn vị công khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đối tượng khảo sát là những cá nhân am hiểu về kế toán khu vực công bao gồm kế toán trưởng, kế toán tổng hợp, kế toán bộ phận, trưởng đơn vị.

Phương pháp xử lý số liệu

Nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS phiên bản 20, phương pháp kiểm định đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA được sử dụng để kiểm định thang đo, sau đó thực hiện phân tích hồi quy đa biến để phân tích mối quan hệ giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm định thang đo

Kết quả đánh giá hệ số tin cậy Crobach’s Alpha của các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng > 0,3 và hệ số Crobach’s Alpha của các thang đo (Bảng 1) đều > 0,7 (Hair và cộng sự 2016). Do đó, tất cả 6 thang đo với 25 biến quan sát đều đạt yêu cầu cho các phân tích tiếp theo.

Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA

Kết quả KMO-meyer là 0,812 (Bảng 2) đạt yêu cầu phải > 0,6. Các biến quan sát tải về có kết quả về đúng với nhân tố gốc với hệ số tải thấp nhất là 0,555 và hệ số tải cao nhất là 0,919. Kết quả kiểm định Bartlett's là 2.400,697 với mức ý nghĩa sig 0,000<0,05; dữ liệu đảm bảo yêu cầu trong phân tích hồi quy.

Kết quả phân tích hồi quy

Theo kết quả phân tích hồi quy tuyến tính cho thấy, mức ý nghĩa của mô hình rất nhỏ (sig = 0.000) so với mức ý nghĩa 5% nên mô hình hồi quy được thiết lập là phù hợp, giá trị R2 điều chỉnh= 0,678 có ý nghĩa 67,8% sự biến thiên phụ thuộc được giải thích bởi các nhân tố được đưa vào mô hình (Bảng 3, Bảng 4)

Kết quả Bảng 5 cho thấy, tất cả các biến đều tương quan tỷ lệ thuận với sự thành công trong lĩnh vực kế toán. Trong đó, các biến tác động theo thứ tự giảm dần là: Kỹ năng thích ứng; kỹ năng quản lý thời gian; kỹ năng nghề nghiệp; kỹ năng giao tiếp ứng xử và kỹ năng tin học ngoại ngữ.

Một số kết luận và giải pháp

Mô hình lý thuyết về các nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công trong lĩnh vực kế toán công sau kiểm định cho thấy, sự thành công chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: Kỹ năng thích ứng; kỹ năng quản lý thời gian; kỹ năng nghề nghiệp; kỹ năng giao tiếp ứng xử và kỹ năng tin học ngoại ngữ. Từ kết quả nghiên cứu tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, việc đào tạo kế toán trong thời đại mới phải xuất phát từ người học, lấy người học làm trung tâm, do đó các cơ sở đào tạo về ngành nghề kế toán cần có sự hiệu chỉnh để phát triển yếu tố kỹ năng mềm cho học viên/sinh viên và cụ thể là kỹ năng thích ứng. Chính vì thế, ngay từ khi xây dựng chương trình đào tạo không chỉ chú trọng vào kiến thức chuyên môn, mà còn tăng cường lồng ghép vào nội dung chương trình các cách thức phát triển yếu tố kỹ năng mềm. Trong quá trình giảng dạy kết hợp với nhiều phương pháp dạy và học hợp lý khác nhau giúp học viên chủ động học tập và nghiên cứu để đáp ứng tốt với yêu cầu nghề nghiệp sau này.

Thứ hai, kỹ năng quản lý thời gian thật sự cần thiết với yêu cầu của nghề kế toán. Cần áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy kế toán với áp lực và cường độ khác nhau, mọi hoạt động dạy và học phải được thể hiện có trình tự và thời gian biểu, cũng như thời hạn hoàn thành và tất cả phải được viết ra rõ ràng.

Hiện nay, các giảng viên và học viên có thể tận dụng hệ thống quản lý thời gian trên các phần mềm mở hoặc các mẫu định dạng sẵn có trong bộ phần mềm văn phòng để theo dõi kế hoạch; tổ chức và sắp xếp thứ tự công việc, phát triển những kế hoạch khả thi để hoàn thành.

Thứ ba, nhằm giúp tăng cường kỹ năng nghề nghiệp kế toán, trong môi trường đào tạo, việc xây dựng môn học luôn có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tế. Tính thực tế được lồng ghép trong từng nội dung bài học thông qua minh họa chứng từ thực tế phát sinh từ đơn vị cụ thể hoặc các báo cáo, thông tin được các tổ chức truyền thông có uy tín đăng tải. Việc áp dụng công nghệ vào hoạt động giảng dạy và học tập sẽ giúp học viên tiếp cận tính thực tế một cách dễ dàng và linh động. Mặt khác, tùy tình huống, chủ đề cụ thể, học viên có thể được tạo điều kiện giao lưu với đơn vị thực tế thông qua các buổi tọa đàm hoặc hội thảo. Với các đơn vị, tổ chức, nên thường xuyên có kế hoạch chủ động cho nhân viên kế toán tham gia các lớp học tập bồi dưỡng ngắn hạn, cập nhật sự thay đổi của chế độ kế toán liên quan đến lĩnh vực của tổ chức mình.

Thứ tư, kỹ năng giao tiếp ứng xử cần được phát huy hơn nữa nếu trong giảng dạy hoặc trong các đơn vị có thể phát động các phong trào, khích lệ tham gia câu lạc bộ, sẽ góp phần mở rộng hơn các mối quan hệ đồng nghiệp, nâng cao khả năng giao tiếp ứng xử trong nhiều tình huống. Nếu đơn vị có quy mô lớn có thể tổ chức hoạt động phong trào liên quan đến thể thao hoặc văn hóa, tạo điều kiện các thành viên có cơ hội giao lưu.

Thứ năm, kỹ năng ngoại ngữ và tin học có vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động. Bản thân người làm kế toán, sinh viên cần chủ động nâng cao kiến thức tin học ngoại ngữ. Việc phát triển kỹ năng này đồng thời sẽ tác động tích cực và đây không phải là công việc ngắn hạn mà là dài hạn, tùy theo mức độ công việc, nhiệm vụ mà bản thân người làm việc trong lĩnh vực kế toán nên có kế hoạch rèn luyện, học tập.    

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2013), Quyết định số 2261/QĐ-BTC ngày 10/9/2013 về kế hoạch triển khai Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

2. Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ kho bạc nhà nước;

3. Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp;

4. Dương Thị Vân Anh (2019),Áp dụng chuẩn mực kế toán công vào Việt Nam và một số vấn đề cần trao đổi, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2019;

5. Đào Thị Thúy Liễu (2015), Thách thức và cơ hội trong việc đổi mới phương pháp dạy kế toán, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, http://www.hoiketoanhcm.org.vn;

6. Hair J.F, Anderson, R.E., Tatham, R.L., and Black, W.C. (2006). Multivariate data analysis. Prentice-Hall, International, Inc;

7. O*Net Online. “Accountants: Skills." Retrieved from: https://www.onetonline.org/link/summary/13-2011.01 (Visited October 31, 2019);

8. O*Net Online. “Bookkeeping, Accounting, and Auditing Clerks: Technology Skills.” Retrieved from: https://www.onetonline.org/link/summary/43-3031.00 (Visited October 31, 2019).